Một đối tác thiếu minh bạch

ANTĐ - Trong bối cảnh các quy định về thương mại của Bắc Kinh còn nhiều điểm bất hợp lý, nhiều thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thúc giục Trung Quốc minh bạch hơn trong chính sách thương mại của nước này.

Giống ngô biến đổi gene của Mỹ đã từng là mục tiêu đánh cắp của Trung Quốc

Theo đại diện của Liên minh châu Âu (EU) trong WTO ông A. Pangratis, “điểm nổi bật” trong chính sách thương mại của Trung Quốc là sự thiếu sự rõ ràng. Đại diện của Canada cũng chỉ trích chính sách của Trung Quốc là thiếu công khai thông tin. Còn ông M. Salleh, đại diện của Malaysia, thì cho rằng với tư cách là một cường quốc thương mại, Trung Quốc cần có trách nhiệm hơn đối với hệ thống trao đổi thương mại đa phương này.

Hiện nay, Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc toàn cầu. Đây là nước có dân số đông nhất thế giới, dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, mạng lưới đường cao tốc quốc gia lớn nhất thế giới và hệ thống đường sắt cao tốc thuộc loại tốt nhất thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia thương mại hàng đầu thế giới, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất nhiều loại hàng hóa lớn nhất thế giới.

Trong nỗ lực gia nhập WTO và do áp lực từ phía các đối tác thương mại, Trung Quốc đã từng bước cải cách và hiện đại hóa hệ thống các luật lệ thương mại của mình. Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong thương mại đã được nới lỏng. Thế nhưng theo WTO, Trung Quốc vẫn chưa thực thi các cam kết về tính minh bạch. Thậm chí tổ chức này không tiếp cận được các văn bản quan trọng của Trung Quốc bởi nó không được dịch sang một trong những ngôn ngữ chính thức của WTO.

Vì vấn đề nói trên, giữa Trung Quốc và nhiều thành viên của WTO đã xảy ra bất đồng về chính sách thương mại. Nhiều quốc gia, nhất là Mỹ, thường phàn nàn về các lệnh giới hạn xuất khẩu, áp thuế hay hạn chế đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, Mỹ đã nhiều lần đệ đơn kiện Trung Quốc về các biện pháp, chính sách thương mại, kinh tế, trái với quy định của tổ chức này. Gần đây nhất hồi tháng 5-2014, WTO đã ra phán quyết nghiêng về Mỹ trong vụ tranh cãi Trung Quốc áp thuế đối với các loại xe hạng sang do Mỹ sản xuất.

Một lĩnh vực khác mà nhiều nước hay chỉ trích Trung Quốc là vấn đề sở hữu trí tuệ và tin tặc. Từ lâu, tình báo công nghiệp đã trở thành chiến lược kinh tế của Trung Quốc nhằm giúp đẩy nhanh hiện đại hóa, bỏ qua các vấn đề có thể mất hàng năm nghiên cứu và phát triển. Tháng 3 năm ngoái, Sinovel - một trong những hãng turbine gió lớn nhất Trung Quốc và hai nhân viên bị kết tội đánh cắp mã nguồn phần mềm từ một máy tính Mỹ. Tiếp đó là vụ 6 người Trung Quốc bị cáo buộc ăn trộm hạt ngô giống trên các cánh đồng bang Iowa (Mỹ). Tháng 5 vừa rồi, Bộ Tư pháp Mỹ lại thông báo truy tố 5 quan chức thuộc quân đội Trung Quốc với cáo buộc tấn công mạng vào các công ty Mỹ để lấy cắp bí mật thương mại.

Mặc dù Bắc Kinh tìm cách lập luận rằng tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng nước này vẫn là một quốc gia đang phát triển nên còn nhiều khiếm khuyết. Thế nhưng điều đó không xóa đi được tâm lý coi Trung Quốc như một đối tác thương mại thiếu minh bạch. Thực chất nước này luôn tìm cách bảo hộ các ngành sản xuất nội địa khi không thể cạnh tranh được với các nhà xuất khẩu nước ngoài.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/quoc-te/mot-doi-tac-thieu-minh-bach/558917.antd