Một chân dung lớn của văn hóa Việt Nam

Sinh ngày 9-2-1907, trong một gia đình nhà nho ở làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), lòng yêu nước được nuôi dưỡng và phát triển từ gia đình, trên nền truyền thống quê hương hiếu học, trọng lễ nghĩa đã dẫn dắt người thanh niên giàu nhiệt huyết Đặng Xuân Khu (tên thật của đồng chí Trường-Chinh) sớm lên đường đấu tranh vì nước, vì dân. Lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa Việt Nam hiện đại ghi và vinh danh ông. Riêng trên lĩnh vực văn hóa, đồng chí Trường-Chinh đã có nhiều cống hiến lớn và xuất sắc.

Tổng Bí thư Trường-Chinh trò chuyện với nghệ sĩ Đoàn chèo Thái Bình sau buổi diễn vở Phạm Ngũ Lão. Ảnh Tư liệu

Người định hướng chiến lược cho nền văn hóa mới Việt Nam

Sau khi đồng chí Trường-Chinh vĩnh biệt chúng ta (ngày 30-9-1988), Điếu văn của Đảng đã ghi nhận: “Đồng chí là nhà văn hóa đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng” (1). Không những thế, ông là người luôn theo dõi từng bước phát triển của văn hóa Việt Nam, điều chỉnh, hoàn thiện đường lối văn hóa trong cách mạng Việt Nam. Năm 1943, bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường-Chinh soạn thảo, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, như một tuyên ngôn chính thức đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Đây cũng là mốc quan trọng, đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo hướng hiện đại sau này.

Với quan điểm được nhấn mạnh: Lấy tinh thần trong dân tộc Việt Nam, khai thác sức mạnh đại chúng và “dùng duy vật biện chứng làm kim chỉ nam”, “Trước nguy cơ văn hóa nước nhà bị trói buộc, mê hoặc, trấn áp, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì vận mệnh của nền văn hóa nước nhà, Đảng thấy rõ cần phải thức tỉnh và động viên người trí thức; phát động một cuộc đấu tranh rộng rãi trên mặt trận văn hóa để chống lại những âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát-xít, thực dân, đánh bại những khuynh hướng văn hóa sai lầm, tai hại để giành lại độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương văn hóa là một vũ khí tư tưởng sắc bén của các chiến sĩ Việt Nam trên mặt trận văn hóa” (2). Cần nhấn mạnh hơn tới bối cảnh lịch sử dân tộc lúc đó - Đảng đang tập hợp và nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà Hội Văn hóa cứu quốc là một thành viên, văn hóa được xem là một trong những “binh chủng chủ lực”.

“Bắt mạch” đúng những “căn bệnh” của văn hóa Việt Nam dưới chế độ thực dân thuộc địa, Đề cương văn hóa Việt Nam kêu gọi xây dựng nền văn hóa mới, phát triển nền văn hóa dân tộc. Theo đó: “Phàm cái gì chống lại tinh thần dân tộc độc lập và thống nhất, phải thẳng cánh đập tan. Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ, phải kiên quyết bài trừ. Phàm cái gì phản đại chúng, xa đại chúng, phải nhất luật phê phán”. Đề cương văn hóa Việt Nam đề cập những vấn đề cơ bản nhất của nền văn hóa: Phạm vi của văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị và thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương với vấn đề văn hóa; lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; nguy cơ và thủ đoạn với văn hóa Việt Nam của phát-xít Nhật, thực dân Pháp; vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; những nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Việt Nam và đặc biệt là ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng được nhấn mạnh. Tuy vắn tắt, Đề cương văn hóa Việt Nam đã chứa đựng bao quát nhiều nội dung phong phú, đặt nền móng cho việc phát triển nền văn hóa mới Việt Nam trong mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với thế giới. Trong những giai đoạn cách mạng sau, đồng chí Trường-Chinh còn tiếp tục hoàn thiện những quan điểm cơ bản được nêu trong văn kiện quan trọng này. Tính chất của văn hóa, văn nghệ Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ - Dân tộc gắn với Hiện đại, Khoa học gắn với Tiên tiến, Đại chúng gắn với Nhân văn, nhân đạo...

Nhà lý luận văn hóa kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Từ nhận thức, lý luận cho đến hành động cách mạng, đồng chí Trường- Chinh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, trong công tác vận động cách mạng nói riêng. Các tác phẩm nổi tiếng như: Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Kháng chiến về mặt văn hóa (trong Kháng chiến nhất định thắng lợi, 1947), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), Về cách mạng tư tưởng, văn hóa (1984)... của đồng chí là những tác phẩm lý luận tiêu biểu về văn hóa cách mạng Việt Nam.

Những luận điểm của đồng chí Trường-Chinh vẫn có ý nghĩa thời đại sâu sắc, tương đồng với quan điểm coi Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội đang được Đảng nhấn mạnh trong chiến lược phát triển đất nước hôm nay.

Một nhân cách văn hóa lớn

Vốn là người có sức đọc lớn, có vốn tri thức phong phú về lịch sử, văn hóa dân tộc, từ những hoạt động thực tiễn, từ cuộc sống chan hòa với các tầng lớp xã hội, đặc biệt và với nhiều văn nghệ sĩ cùng thời, đồng chí Trường-Chinh được giới trí thức, văn nghệ sĩ dành nhiều tình cảm tin yêu, cảm phục từ những năm còn hoạt động bí mật trong sự tầm nã gắt gao của kẻ thù. Sau này, đồng chí Trường-Chinh nổi tiếng với bí danh “Anh Thận” (với nghĩa cẩn thận, thận trọng) là người có phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ, có phong cách lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, kiên định nhưng luôn cầu thị chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Đồng chí Trường-Chinh còn nêu một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời Cần - Kiệm - Liêm - Chính, Chí công vô tư, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần đoàn kết; sống trong sạch, giản dị, chân tình. Là người học trò xuất sắc, có thời gian dài được làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường-Chinh còn để lại tấm gương sáng về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức tác phong Hồ Chí Minh (như hôm nay chúng ta thường nói) suốt đời hết lòng, hết sức chiến đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

-------------------------

(1) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường-Chinh ngày 5-10-1988.

(2) Trường-Chinh - Về cách mạng tư tưởng, văn hóa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.16.

THIÊN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/32030702-mot-chan-dung-lon-cua-van-hoa-viet-nam.html