Một cái tổ cho tất cả mọi người

SGTT.VN - Bài viết Thi mỹ thuật khơi dậy tiềm ẩn sáng tạo (KT&ĐS số 68/69) đã giới thiệu cho chúng ta các hoạt động chính của ngôi trường Architeria (www.architeria.ch) ở thành phố Geneva. Đây là nơi chuyên chuẩn bị cho các học sinh thi vào các trường mỹ thuật ở Thụy Sĩ cũng như các nước châu Âu.

Một số bài tập cụ thể cũng đã được trình bày ở bài viết đó. Để nói tới sự đa dạng về các thể loại bài học cũng như việc hướng dẫn tư duy sáng tạo cho các học sinh, bài viết lần này cũng sẽ đưa chúng ta vào những thế giới mới, tư tưởng mới.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại mình. Từ rất nhiều thập niên, để thi vào các trường sáng tạo, đặc biệt là các trường kiến trúc nước ta, thì việc lập đi lập lại những bài thi vẽ tĩnh vật đã trở nên quá quen thuộc và nhàm chán. Điều còn đáng chê trách nữa là các bài tập vẽ tĩnh vật chỉ cốt để học sinh ôn luyện kỹ thuật vẽ chứ tư duy sáng tạo rất ít (bản thân chủ thể sáng tạo là việc lựa chọn các đồ vật và tổ hợp chúng ra sao cũng đã được thầy sắp sẵn từ trước). Người nào vẽ đẹp sẽ có nhiều cơ hội thi đỗ vào trường. Vậy để chọn những kiến trúc sư tương lai của chúng ta phải dựa trên cái “vẻ đẹp” của những hình vẽ này sao? Ngành sáng tạo chỉ được đánh giá từ hình thức thôi hay sao?

Việc tìm tư tưởng sáng tạo thiên về hình thức đã ăn sâu trong tư duy của sinh viên khi họ ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều thế hệ kiến trúc sư có mối quan tâm thứ nhất là tập trung đi tìm những biểu tượng hay hình tượng để thể hiện những tác phẩm của mình. Vậy những con người sống ở trong đó chỉ là phụ thôi sao? Điều nguy hiểm là họ cứ nghĩ đây là con đường duy nhất để bảo tồn truyền thống. Chỉ cần lấy một ví dụ nhỏ, để nói tới Hà Nội thì biểu tượng “chùa Một cột” đã được tất cả các ngành sáng tạo không biết bao nhiêu lần dùng đi dùng lại. Từ lâu nay, chúng ta chỉ mải miết đi tìm những “hình ảnh” vô cảm mà đã vô tình đánh mất đi cái “hồn” của một thành phố.

Trở lại với trường Architeria, chủ đề thiết kế cho các học sinh lần này là Một cái tổ cho tất cả mọi người. Đây là bài tập dành cho một nhóm học sinh thi các ngành khác nhau. Vì vậy nó kích thích được sự tự do thể hiện không có giới hạn giữa hội họa, thiết kế mốt, thiết kế đồ họa, đồ nội thất hay kiến trúc. Tư tưởng sáng tạo không bao giờ có giới hạn, không phân chia ngành nghề.

Trước khi bắt tay vào thể hiện hình thức của đồ án, thời gian đầu mỗi học sinh phải suy nghĩ sâu sắc về chủ đề. Mỗi người phải tự tạo cho mình một hướng tư tưởng riêng tùy theo kinh nghiệm sống của mình. Một quyển vở được thành lập để lưu lại những ký họa, những cảm hứng từ thiên nhiên hay những tác phẩm của những người đi trước, và đặc biệt những ý văn được ghi lại từ những luồng suy nghĩ về chủ đề.

Khi đã định hướng được tư tưởng, việc tìm cách thể hiện hình thức phù hợp với nó mới được nghĩ tới. Sự thể hiện này hoàn toàn tự do tùy theo sự nhạy cảm của từng người. Các học sinh luôn luôn được ủng hộ cho tinh thần sáng tạo một cách ngẫu hứng theo cảm xúc, chứ không bị gò bó đi theo các định luật biểu hiện truyền thống. Các vật liệu lựa chọn phải phù hợp với bản tính kết cấu và tạo nên hình dáng phù hợp với bản chất của chúng.

Các bài tập sau khi hoàn thành được trưng bày trong phòng triển lãm của trường. Đây cũng là cơ hội để thiết kế lại phòng triển lãm. Không gian này trở thành một cái “tổ lớn” chứa đựng những cái “tổ nhỏ”. Tất cả cấu thành nên một tác phẩm duy nhất mà đồ vật triển lãm và không gian triển lãm có sự tác động qua lại khăng khít với nhau. Sự sắp đặt bên trong cũng được tính toán để có mối liên hệ với không gian bên ngoài, một tác phẩm nghệ thuật giữa lòng đô thị.

Vậy điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ bài tập này đó là sự đi rất xa của tính sáng tạo, nó không chỉ hạn chế ở tư duy của mỗi học sinh mà còn có sức mạnh tổng hợp của nhiều tư tưởng, từ tỷ lệ nhỏ đến tỷ lệ lớn, tất cả đi theo một logic nối liền không có giới hạn.

Sau đây là các định hướng tư duy mà nhà trường nêu ra cho chủ đề. Học sinh tự cảm nhận rồi sau đó đưa ra những tư tưởng của cá nhân mình để nói về chủ đề đó.

Từ khi thế giới tồn tại, rất nhiều loài chim di trú theo sự chuyển biến của các mùa để đi tìm thức ăn và nơi làm tổ cho mình. Ngày nay việc di chuyển cho sự di trú này bị thay đổi bởi sự nóng lên của trái đất. Sự nóng lên này đã ảnh hưởng một cách rõ rệt đến tập tính cũng như đường bay của một số loài.

Con người cũng di trú, nhưng với những lý do khác, họ là những nạn nhân của những sự xáo động về kinh tế (di chuyển để đi làm theo mùa), về chính trị (chiến tranh, đi di tản, đi khai thác thuộc địa), về xã hội, về tôn giáo hay đơn giản vì khí hậu. Nơi ở của họ, tổ ấm của họ, trở thành một nơi ẩn náu rất bấp bênh phó mặc cho những kẻ có quyền lực, thiếu thận trọng.

Tìm kiếm, tưởng tượng, sáng tạo ra một cái tổ với một niềm hy vọng, một suy nghĩ không tưởng, một giấc mơ mà ngay cả khi thực tế cuộc sống có nhiều điều không thể chấp nhận được. Làm thế nào để chỉ một suy nghĩ nhỏ nhưng lạc quan có thể tạo cho mỗi người một nhân phẩm hay chỉ đơn thuần mang đến cho họ một niềm hy vọng để sống.

(Bài tập được chỉ đạo dưới sự dẫn dắt của thầy hiệu trưởng, kiến trúc sư và cũng là nhà thiết kế đồ nội thất , Armando Locateli)

Càng ra sức phát minh thì con người càng tự bị mắc bẫy trong thế giới truyền thông. Họ sẽ bị giam cầm ở bên trong cái tổ đó. Trên một hành tinh khi mà những mối quan hệ trở nên phức tạp thì cuộc sống hàng ngày được đảm bảo dựa trên tất cả những phương tiện của thế giới ảo. Một câu hỏi được đặt ra: Trái đất sẽ tốt đẹp hơn khi không có chúng ta? Hay chúng ta cần phải học lại cách sống với nó? Clara

Những cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội hay kinh tế tác động vào ý thức và làm hư hại cơ thể loài người. Để cứu lấy họ, tôi đã xây dựng một cái tổ theo hình dáng của con người trong bụng của một phụ nữ. Một cái tổ mới, an toàn và êm dịu, điểm khởi đầu của sự “quan hệ” với người khác! Fernanda.

Thực tế đã đuổi kịp tưởng tượng. Để tồn tại, một số người vẫn giữ được sự tỉnh táo và sáng tạo ra những sự tưởng tượng khác một cách rất tạp nham. Những cái tổ của tôi là những không gian còn sót lại cho những người không nhà ở thành phố Rio de Janeiro. Nhờ vào niềm tin của những giấc mơ, những ngôi nhà ổ chuột trở thành một ngôi nhà chung của tất cả mọi người. Lua

Đã từ lâu, các loài chim di trú theo mùa, chúng từ bỏ môi trường chống đối lại chúng. Nhưng loài người làm thế nào để di trú đến thế giới tốt đẹp hơn khi mà họ đang bị dày vò bởi nạn đói, bởi chiến tranh, bởi những điều không ngờ tới của cuộc sống. Antonin

Một ngôi nhà, một thành phố, một thủ đô, có biết bao nhiêu cái tổ với kích thước khác nhau. Con người từ bỏ cái tổ của mình để tìm đến những cái tổ mới. Họ đi tìm tự do, công việc, tiền bạc. Họ trở thành những kẻ di trú. Thoát nạn nơi này, nô lệ nơi khác, mất phương hướng nơi này, bị bỏ rơi nơi khác, hoang mang nơi này, trơ trụi nơi khác. Tôi cũng vậy, tôi đã từ bỏ cái tổ của mình. Vincent.

Mỗi năm tất cả các học sinh trường Architeria được làm chung một bài thiết kế đồ họa. Họ phải thể hiện một áp phíc và logo cho vở kịch của một nhà hát thành phố. Vở kịch lần này “PATRIA GRANDE Sainte Ungrund des abattoirs” (tại nhà hát St-Gervais) dựa trên cuộc đời của nữ cựu tù nhân nổi tiếng Ingrid Betancourt để nói lên tình trạng đau thương của đất nước Colombia. Một đất nước từ lúc là thuộc địa của người Tây Ban Nha đến khi bị chống đối bởi lực lượng vũ trang cách mạng (FARC), rồi những sự hoành hành của các tổ chức buôn lậu thuốc phiện, những cuộc tranh chấp trong nước và quốc tế. Cuối cùng chỉ có người dân là phải gánh chịu tất cả.

Học sinh được xem kịch trước khi thể hiện ý tưởng của mình. Họ có thể lấy cảm hứng sáng tạo từ nhiều nguồn cảm xúc. Từ những vấn đề nóng bỏng tại đất nước Colombia đến cách viết kịch bản và dàn dựng mang tính nghệ thuật rất đương đại của đạo diễn Dominique Ziegler. Nhiều kỹ thuật biểu hiện được sử dụng, từ hai chiều như tranh vẽ đến ba chiều như việc chế tạo hay sắp đặt các đồ vật. Các vật liệu thể hiện hoàn toàn tự do như mực tàu, giấy, bìa, vải, sợi đay, bột, cỏ, nhựa... Chỉ tiêu thiết kế là tác phẩm phải có tính sáng tạo mới lạ, không theo một trường phái thể hiện nào đã có. Nó phải gây ra được ấn tượng chỉ trích cần thiết cho chủ đề. (Bài tập được hướng dẫn bởi nhà đồ họa Pascal Bolle)

Bài tập dành riêng cho những học sinh thi vào khoa đồ họa. Thiết kế logo “You 2” , sau đó áp dụng nó vào những đồ vật sử dụng đời thường. Cấu hình của logo có thể sáp nhập để trở thành một trong những phần tử của đồ vật đó. Lúc đầu các học sinh tìm kiếm ý tưởng khi sử dụng bút chì, màu vẽ, ảnh dán. Phần thể hiện cuối cùng được thực hiện trên máy tính trong xưởng làm việc của nhà đồ họa Pascal Bolle.

Sử dụng bút chì, bút kim, màu nước. Thời gian thể hiện ngắn, các học sinh vừa phải tưởng tượng ra kiểu tóc vừa phải tìm cách thể hiện nhanh với những đồ dùng hạn chế. Sau đó họ còn phải tìm cách thể hiện tổ hợp dàn trang cho một bức tranh tổng thể.

Khi đã học được các bài tập cơ bản về vẽ, điều rất quan trọng cho các học sinh là phải thực hiện một số bài tập vẽ nhanh để tập luyện những kiểu biểu hiện một cách tự phát. Chính nhờ sự ngẫu hứng trong cách di chuyển của bàn tay mà tạo ra được sự mảnh dẻ và gợi cảm của nét vẽ.

Chúng ta thực sự muốn gì đây, xao lại một cách chính xác hay phác thảo những tình huống bất ngờ?

Tất cả các học sinh được học chụp ảnh trên máy ảnh argentic theo sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Isabelle Meister. Sau đó họ cũng được học các công việc hậu trường về rửa ảnh trong labo của giáo viên.

Chủ đề: “Chụp người”. Học sinh được hoàn toàn tự do trong dàn dựng.

Sau buổi trình diễn “Nhảy đương đại” tại sàn nhảy Usine, nhiều fan hâm mộ nóng lòng mong đợi các nữ vũ công ngoài cửa. Nhưng cuộc sống đâu có phải lúc nào cũng như dự định... mọi điều bất ngờ luôn có thể xảy ra... Cendrion đã tìm thấy được giày của mình... nhưng chàng hoàng tử có đủ dũng cảm không?

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kien-truc-doi-song/kien-truc/162127/mot-cai-to-cho-tat-ca-moi-nguoi.html