Một buổi thi năng khiếu của Nhạc viện TP.HCM

Chiều 9.7, được sự cho phép của thầy Phạm Vũ Thành - Ban chỉ đạo tuyển sinh của Nhạc viện TP.HCM, phóng viên Thanh Niên Online mới được vào trường mục kích phần thi năng khiếu của thí sinh (TS) trong đợt thi từ ngày 6 - 11.7 tại 112 Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Trong không gian im vắng, tiếng nhạc, tiếng hát văng vẳng như đối lập với những gương mặt mang vẻ 'hình sự' khi làm nhiệm vụ bảo vệ ngay từ cửa trường.

Hoàn toàn "tự lực cánh sinh"

Không thể cầu cứu sự hỗ trợ từ bạn thi, phải giữ tinh thần cho vững trước các cặp mắt của các thầy cô trong Hội đồng chấm thi (HĐCT) đang chăm chú quan sát và TS có thể được mang "tài liệu" vào phòng thi (nhạc cụ, hoặc bản nhạc). Đó là những gì một TS thi năng khiếu tại Nhạc viện TP.HCM phải trải qua mà các TS khối thi khác khó hình dung ra được. Khi gọi đến số báo danh, từng TS một bước vào phòng thực hiện phần thi của mình.

Tại khoa Kèn, mỗi TS vào phòng nộp ngay cho thư ký phòng thi bản danh sách những bản nhạc sẽ thổi. Có khi danh sách đến 5 bài, nhưng HĐCT chỉ yêu cầu TS diễn 2 bài. Bản nhạc phức tạp hay đơn giản như "dò nốt" thì tùy vào trình độ TS thi vào: trung cấp hay đại học (ĐH). Có TS mới thổi kèn được 3 bản đã đỏ mặt tía tai. Có TS thổi chưa biết cách lấy hơi nên ngoài những giai điệu của bản nhạc, còn nghe cả tiếng hít, phà hơi rất mạnh.

Phan Nguyễn Minh Trang, thi vào khoa Kèn bậc ĐH khi xử lý ở những quãng thấp nghe không rõ nốt, nhưng nhìn chung đã chuyển tải được cảm xúc. Phong cách Trang tự tin, nhất là trong phần thi song tấu với piano cùng giảng viên Nguyễn Ngọc Bích. Hoàn thành phần thi, vẫn còn mệt vì... lấy hơi, Trang cho biết: "Em đã học trung cấp flute rồi, đã dính với flute được 9 năm. Nhập tâm quá nên em chưa biết cách điều chỉnh hơi. Em không căng thẳng, vì thấy giống như mình đang học trong lớp vậy".

Sang phòng thi thanh nhạc, thí sinh còn dễ khớp hơn nếu để ý rằng những người đang nắm quyền quyết định "số phận" của mình chính là những ca sĩ đã nổi tiếng như Bích Hồng, Ánh Tuyết, Tạ Minh Tâm, Tuấn Phong, Anh Bằng...

Nếu không ôn luyện, nhiều TS hát phô là chuyện thường. Có TS không bắt được cao độ phải chờ giám khảo nhắc tuồng. Lại có TS chưa hiểu rõ chất giọng, nên không chọn bài phù hợp với giọng mình. Giọng mỏng, lại đi chọn những bài cần có âm vực rộng, dày.

Không thể đòi hỏi một sự chuyên nghiệp, bản lĩnh như những nghệ sĩ đã quen với việc trình diễn trước đông người; nhưng có không ít TS đã đem lại rung cảm cho người nghe, như Mai Xuân Sơn (thi vào khoa Thanh nhạc). Sơn hát 2 bài và hát rất nhập tâm nên khi HĐCT bảo em ngừng lại, khuôn mặt em "choáng" vì bất ngờ. Mắt rơm rớm, giọng ấm ức, Mai Xuân Sơn nhắc đi nhắc lại: "em chưa được hát đoạn kết". Đang là sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế, Mai Xuân Sơn thi vào Nhạc viện hệ trung cấp thanh nhạc vì muốn học cùng lúc 2 trường.

Chọn ngành phù hợp với đam mê?

HĐCT là những ca sĩ đã nổi tiếng như Bích Hồng, Ánh Tuyết, Tạ Minh Tâm, Tuấn Phong, Anh Bằng...

Nhiều TS khi nghe hỏi lý do chọn ngành chỉ cười trừ không biết trả lời sao. Có TS thẳng thắn: "Em muốn được nổi tiếng". Có TS như Trần Hoài Sơn, mặt mũi sáng sủa, tươi tắn, muốn thi vào khoa Thanh nhạc để được hát một cách chuyên nghiệp hơn. Chưa làm ca sĩ bao giờ nhưng thích được hát cho bạn bè nên Hoài Sơn đã tranh thủ luyện thanh nhạc 6 tháng để "tiến công" vào Nhạc viện.

Năm nay, Nhạc viện TP.HCM có 842 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, các ngành dẫn đầu về tỷ lệ chọn, vẫn là thanh nhạc và piano. Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Trọng Sỹ - Trưởng ban thanh tra của trường cho biết: "Chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm cả. Thi bên nghệ thuật là khác hẳn, phải tự thể hiện, không ai thi hộ được. Nhưng nhiều TS cũng cần lưu ý rằng để thi cấp ĐH thì cũng cần phải qua trung cấp âm nhạc hoặc một trình độ tương đương".

Thầy Phạm Vũ Thành - Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM chia sẻ: "m nhạc là âm thanh và tiết tấu. Với TS thi vào khoa Kèn, không chỉ đòi hỏi năng khiếu mà HĐCT còn phải xem xét môi răng, thử tai nghe xem có bắt được âm chuẩn không, thi gõ xem có nắm được tiết tấu không? Ngoài kỹ thuật, chúng tôi còn xem cả cách thể hiện cảm xúc của các em. Nghệ sĩ hơn nhau là hơn ở tâm hồn. Như NSND Đặng Thái Sơn, anh là một người Việt nhưng đã thể hiện thành công được cảm xúc của Chopin, nên đã đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin năm 1980".

Thầy Phạm Vũ Thành cũng chia sẻ thêm: "m nhạc là ngành có đặc thù riêng, nhiều người tưởng dễ nhưng thật ra rất khó. Nhiều TS có đam mê, có năng khiếu nhưng không phù hợp với ngành đã chọn thì đã được chúng tôi hướng dẫn chọn ngành khác. Ví dụ TS muốn thi vào khoa Kèn, có năng khiếu, tay chân khỏe, nhưng môi răng không phù hợp thì chúng tôi hướng dẫn sang khoa đàn dây. Chúng tôi rất khuyến khích và tạo điều kiện cho các em theo học nhạc cụ vì đây là một ngành khó và bản thân ngành cũng tạo cho TS suy nghĩ sau này ra nghề... khó. Những người đi theo phải rất yêu nghề".

Nếu TS có đam mê nhưng không phù hợp với khoa và cũng không tự đánh giá được khả năng của mình thì có nên khuyên các em hãy chuyển hướng cho phù hợp? Ca sĩ Tạ Minh Tâm, Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM thì cho rằng: "Khó có một lời khuyên cho phù hợp. Vì đã là nghệ thuật thì đó thuộc về khao khát, hãy cứ để các em thử. Có nhiều em thi đến 3, 4 lần. Nếu thấy không hợp, tự các em sẽ nhận ra. Nhưng nếu đi thi, có rèn luyện trước bao giờ cũng tốt hơn. Ngoài chất giọng, ngoại hình và cách chọn trang phục của TS cũng không kém phần quan trọng. Dựa vào bài hát tự chọn của TS, HĐCT sẽ đánh giá chất giọng, tư duy xử lý bài hát, cách thể hiện cảm xúc. Các phần thi mà TS trải qua sẽ xác định được năng khiếu xướng âm, thử tiết tấu...".

Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm cũng nhắn nhủ: "Ngoài chuyện thi cử, thì với nghệ thuật không nên đánh giá khi chỉ dựa vào những tiêu chí mang tính trường lớp. Như ca sĩ Siu Black là một ví dụ, nếu trước đây chị đi thi có thể ngoại hình chị không phù hợp nhưng chị đã thành công và được yêu mến bởi chính giọng hát và phong cách riêng của mình".

Bài, ảnh: Duy Thủy

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200928/20090709210128.aspx