Một buổi cà phê doanh nhân

Một buổi sáng giữa tháng 7, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành có mặt tại thành phố Ngã Bảy, sẵn sàng cho chương trình 'Cà phê doanh nhân'. Đại diện hơn 40 doanh nghiệp ở đủ các lĩnh vực dần lấp đầy sảnh quán cà phê Bờ Hồ. Mỗi người tự gọi cho mình thức uống ưa thích, cuộc gặp 'không khoảng cách' diễn ra một cách tự nhiên và gần gũi…

Gần gũi, thân mật

Mở đầu buổi cà phê, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin đến các DN về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh qua nửa nhiệm kỳ. Khẳng định Hậu Giang là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất từ trước đến nay…, ông Hòa nhấn mạnh, thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN. “Lãnh đạo tỉnh mong muốn lắng nghe chia sẻ của các DN để cùng đồng hành, phát triển trong thời gian tới” - ông Hòa nói.

Bắt đầu bằng câu chuyện khởi nghiệp với trái mít, một trong những loại nông sản có diện tích canh tác khá lớn tại Hậu Giang, chị Cao Thị Cẩm Nhung - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Sáng tạo, chia sẻ, trong hành trình hơn 5 năm khởi nghiệp của mình, đơn vị đã tạo ra nhiều giá trị cho cây mít của nông dân.

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề tới lãnh đạo tỉnh

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề tới lãnh đạo tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành trao đổi với các doanh nhân

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành trao đổi với các doanh nhân

“Khi mít ra trái, bà con phải cắt bỏ bớt, chỉ chừa một ít để trái đạt giá trị cao nhất. Khi thu mua, thương lái chỉ mua những trái mít đạt chuẩn. Người nông dân bỏ đi khoảng 25% giá trị mỗi vụ, đó là mít non, mít không đạt chuẩn... Với phương pháp chế biến sâu, chúng tôi chế biến được hết các sản phẩm này” - chị Nhung nói.

Có cơ hội bày tỏ với lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hậu Giang, chị Nhung nói, DN đang hướng đến việc đưa sản phẩm phát triển trong thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Muốn vậy cần có nguồn nguyên liệu ổn định và nguồn vốn. “Mong địa phương có biện pháp hỗ trợ cho các DN về vốn, tiếp cận nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng. Chúng tôi mong muốn được thuê khu đất ở khu công nghiệp sắp hình thành với giá hợp lý để xây dựng cơ sở, nhà xưởng, tạo ra sản phẩm hữu ích trong tương lai” - chị Nhung đề xuất.

Cà phê Doanh nhân thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp

Cà phê Doanh nhân thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp

Cùng trăn trở, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc HTX Tân Long (huyện Vị Thủy) cho rằng, tỉnh Hậu Giang có rất nhiều sản phẩm OCOP nhưng kinh phí của các HTX trong xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng còn hạn hẹp. “Chúng tôi đề nghị được hỗ trợ về kinh phí để các DN, HTX có những điểm trưng bày, bán tại các địa phương trong cũng như ngoài tỉnh”, ông Thích nêu ý kiến.

Tại những buổi Cà phê doanh nhân, hầu hết những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đều được lãnh đạo các sở, ngành giải đáp. Đại diện Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, thời gian qua, sở đã thông qua nhiều kênh xúc tiến thương mại, tham gia nhiều hoạt động hội chợ, giao thương, kết nối cung cầu ở các tỉnh, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, vào các siêu thị lớn. Sắp tới, tỉnh sẽ mời đại diện các siêu thị đến trao đổi thông tin và ký kết tiêu thụ sản phẩm cho địa phương.

Theo ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, các buổi cà phê đã tạo được không khí phấn khởi trong cộng đồng DN trong tỉnh và các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh. Mô hình này cũng tạo động lực, khí thế mới thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung. Đây là cách làm sáng tạo của lãnh đạo các địa phương ở miền Tây, từ những buổi gặp gỡ thân mật như vậy, cầu nối giữa chính quyền và DN, người dân trở nên gần hơn, những tâm tư của DN được lắng nghe, giải quyết thấu đáo...

Hiện tỉnh đã đặt một số điểm bán hàng OCOP tại Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc… Riêng việc đặt các điểm bán hàng OCOP ở các địa phương trong tỉnh, sở đã xây dựng đề án, trước mắt thực hiện tại TP Vị Thanh, điểm bán hàng gắn với tàu du lịch Xà No, phối hợp với Sở VH-TT&DL đặt các điểm bán hàng gắn với các điểm du lịch…

Liên quan đến các ý kiến của DN khởi nghiệp khó tiếp cận vốn, ông Lê Thanh Tiền - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang cho biết, ngân hàng đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14%, nhưng đến hết nửa năm mới đạt 6%. Dư địa để tiếp tục cho vay là rất lớn, các ngân hàng đang tích cực tìm kiếm, hỗ trợ DN có đủ điều kiện và nhu cầu vay vốn…

Cam kết đồng hành

Trong không khí cởi mở, tiếp thu các ý kiến từ DN và sở ngành, ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang lưu ý, DN nên tập trung chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ; tăng cường tiếp cận thị trường, nhất là các thị trường tiêu thụ nông sản thế mạnh của tỉnh, hình thành các chuỗi nông sản lớn để cung ứng ra thị trường; đẩy mạnh liên kết các DN trong và ngoài tỉnh.

“Nửa nhiệm kỳ qua, Hậu Giang phát triển bứt phá nhất từ trước đến nay, cơ hội mở ra cho tỉnh là rất lớn. Các DN trên địa bàn đã nỗ lực và phát triển, cần nỗ lực và phát triển hơn, đặc biệt là đón bắt tiềm năng và cơ hội của tỉnh” - Bí thư Hậu Giang lưu ý, đồng thời yêu cầu các sở ngành, đơn vị tiếp thu ý kiến, có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN; nghiên cứu những kiến nghị, đề xuất của DN, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN sản xuất kinh doanh.

Ông Đoàn Đình Duy Khương - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang cho biết, ở Hậu Giang, DN và lãnh đạo tỉnh dường như "không có khoảng cách". Những buổi “Cà phê doanh nhân” đã tạo điều kiện cho cộng đồng DN có dịp trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Ngoài ra, việc trao đổi qua điện thoại thông qua Hiệp hội DN tỉnh được UBND tỉnh ghi nhận, trở thành nơi đóng góp của cộng đồng DN vào việc xây dựng những chủ trương, chính sách cho sự phát triển chung.

Theo ông Nguyễn Chí Tâm - Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Hậu Giang, trước đây “Cà phê doanh nhân” chỉ diễn ra tại TP Vị Thanh (trung tâm hành chính tỉnh), hiện nay đã đến từng địa phương và tăng cường tần suất hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN đang hoạt động trên địa bàn cùng tham gia. Hiệp hội cũng khuyến khích các DN tham gia có ý kiến đóng góp để tăng hiệu quả chương trình...

Với quan điểm lấy DN, người dân là trung tâm phục vụ, “tạo cơ hội cho DN bản địa phát triển là một trách nhiệm”, Hậu Giang đã triển khai các chính sách hỗ trợ hướng về DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp; hình thành văn hóa DN lớn đỡ đầu, hỗ trợ DN nhỏ… Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay, với thông điệp “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành với sự phát triển của các DN trên địa bàn. Thành công của DN cũng là thành công của Hậu Giang. Khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” (giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh) và “3 tốt” (cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt); quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu đưa Hậu Giang sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước…

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-buoi-ca-phe-doanh-nhan-post1564942.tpo