Một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là cần thiết

QĐND - Ngày 12-11-2013, ngày làm việc thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu tham dự tiếp tục trao đổi, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, nhằm đóng góp thiết thực hơn vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực này, trong đó, tập trung đánh giá Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong 11 năm qua, kể từ khi Trung Quốc và ASEAN ký DOC vào năm 2002, theo Tiến sĩ Nong Hong thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc, văn kiện này đã thực sự đặt nền tảng vững chắc cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ít nhất là cho đến trước năm 2009-thời điểm căng thẳng leo thang giữa các bên liên quan. “DOC cũng bao gồm nhiều biện pháp xây dựng lòng tin khi các bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như: Bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn và an ninh hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Để tăng cường tinh thần của DOC, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được sự thống nhất về văn bản hướng dẫn thực thi DOC vào năm 2011”, bà Nong Hong nói.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nong Hong cũng thừa nhận, điểm yếu của DOC chính là không mang tính ràng buộc pháp lý và không phải là một bộ quy tắc ứng xử chính thức. Liên quan đến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, Tiến sĩ Nong Hong cho rằng, với tư cách là hai nhân tố chính trong tranh chấp tại Biển Đông, mối quan hệ này đã có bước tiến triển khi thái độ của ASEAN đối với Trung Quốc phát triển theo hướng gia tăng, xây dựng lòng tin lẫn nhau và cách tiếp cận của Bắc Kinh trong tranh chấp tại Biển Đông cũng dần chuyển từ song phương sang đa phương.

Trong khi đó, Giáo sư X.Tôn-nét-xơn (Stein Tonnesson) thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) Na Uy lại cho rằng, DOC chưa thực sự đạt được các mục tiêu đặt ra. “3 mục tiêu của DOC là ngăn chặn xung đột, hợp tác và giải quyết xung đột. Thế nhưng, chính vì văn kiện này chưa phân biệt rõ ràng giữa khu vực tranh chấp với không tranh chấp nên 3 mục tiêu trên chưa đạt được. Chừng nào khúc mắc này còn chưa được làm rõ thì sẽ rất khó có được những thỏa thuận hợp tác thực chất giữa các bên, thậm chí, ngay cả trong các vấn đề bức thiết tại Biển Đông như bảo vệ môi trường, quản lý nguồn thủy hải sản”, Giáo sư X.Tôn-nét-xơn nhận xét.

Chính vì DOC mới chỉ là một văn kiện chính trị nên nhiều học giả tham dự Hội thảo cho rằng, cần hướng tới một COC mang tính ràng buộc pháp lý và quy định tổng thể các quy tắc, hành vi ứng xử của các bên nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, ngăn ngừa và quản lý xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tiến sĩ T.Cha-lơm-pa-la-nu-páp (Termsak Chalermpalanupap) từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Xin-ga-po cho rằng, ASEAN và Trung Quốc đã có bước khởi đầu ý nghĩa trong tiến trình đàm phán COC khi tiến hành tham vấn chính thức đầu tiên tại các cuộc họp lần thứ 6 Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc và cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về triển khai DOC, diễn ra trong hai ngày 14 và 15-9-2013 tại Tô Châu, Trung Quốc. “Ở góc độ tích cực, triển vọng của COC giống như một “cốc nước” đã đầy một nửa. Cuộc tham vấn cho thấy, quá trình đàm phán hướng tới COC đang tiến về phía trước. Thông thường, nhóm công tác chung chỉ nhóm họp một hoặc hai lần một năm, nhưng trong cuộc họp tại Tô Châu, hai bên đã thống nhất nhóm công tác chung sẽ gặp nhau thường xuyên khi cần thiết. Ít nhất 4 cuộc họp đã được lên kế hoạch thực hiện trong năm 2014 tại Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc”, ông cho biết. Cũng theo Tiến sĩ T.Cha-lơm-pa-la-nu-páp, nhìn chung, động thái mới từ Trung Quốc và ASEAN cho thấy, tất cả đều muốn xích lại với nhau hơn vì lợi ích chung và không để vấn đề Biển Đông chi phối mọi mặt trong quan hệ đối tác chiến lược.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ R.Em-mơ (Ralf Emmers) thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), Xin-ga-po, nhận định: “Việc Trung Quốc đồng ý tham vấn với ASEAN lần đầu tiên về COC là một bước tiến triển lớn, vì trước đây, Trung Quốc luôn có quan điểm khá cứng rắn cho rằng, thời gian vẫn chưa đến lúc để tiến hành công việc này. Tất nhiên, quá trình tham vấn và đàm phán COC sau này là một quá trình rất dài. Chúng ta không thể trông đợi có một văn bản COC ngay lập tức”.

Có một thực tế phải thừa nhận, đó là còn rất nhiều vấn đề phía trước cần phải tiếp tục bàn và giải quyết đối với đàm phán COC. Tiến sĩ Nong Hong cho rằng, sự khác biệt về quan điểm đàm phán COC chính là một trở ngại bởi Trung Quốc muốn “tham vấn từng bước”, trong khi đó ASEAN kêu gọi “đàm phán chính thức” và “kết quả sớm” của COC. Theo Tiến sĩ Nong Hong, quá trình COC có thể kéo dài còn do sự khác biệt về lợi ích giữa các bên liên quan.

Mặc dù quá trình đàm phán COC có thể kéo dài, Tiến sĩ T.Cha-lơm-pa-la-nu-páp vẫn bày tỏ hy vọng trong năm tới, được chứng kiến thêm tiến triển trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, từ đó giúp “cốc nước” thêm đầy.

THƯ TOÀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/272640/Default.aspx