Một bảo tàng danh nhân đặc biệt

Bảo tàng Hồ Chí Minh là trung tâm quan trọng nhất ở Việt Nam chuyên nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh cho các thế hệ mai sau.

Phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh

Những ngày tháng 5 này, đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, ai cũng trào dâng xúc động.

Đúng 30 năm trước, vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990), Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành trong niềm hân hoan của đồng bào cả nước. Đây là công trình do kiến trúc sư Liên Xô Garold Grigorevich Isakovich thiết kế với biểu tượng một bông sen trắng thanh cao, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với một con người vĩ đại.

Là trung tâm quan trọng và đầy đủ bậc nhất ở Việt Nam nghiên cứu tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử có liên hệ mật thiết với đời sống và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến thiêng liêng, là địa chỉ tin cậy về thông tin, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế. Đó là những tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, học tập tư tưởng, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bồi dưỡng các thế hệ người Việt Nam kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác.

Nơi lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng

Chị Nông Thu Hiền, cán bộ bảo tàng cho biết, số lượng khách tham quan vào những ngày lễ lớn, ngày nghỉ cuối tuần rất cao, có ngày lên tới 2 vạn người.

Nhìn đôi dép cao su sờn quai mà Bác Hồ dùng lúc sinh thời được bảo quản cẩn trọng trong tủ kính, đôi mắt người xem như mờ đi. Đôi dép được làm từ săm lốp ô tô cũ. Đế mòn được đóng thêm hai miếng cao su nhỏ. Trong các chuyến thăm đồng bào và chiến sĩ cả nước, đi thăm nhà máy xí nghiệp, làm việc với các địa phương và đi công tác nước ngoài, tiếp khách quốc tế, Người đều đi dép cao su. Cạnh đó là bộ áo kaki bạc màu mà Bác thường mặc khi tiếp các vị khách quan trọng, đi dự hội nghị, thăm các địa phương...

Chị Nông Thu Hiền kể, năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một kỷ vật quý giá. Đó là chiếc huy hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho người đạp xích lô Nguyễn Văn Thảo vào năm 1958. Trong một lần chở khách, ông Thảo nhặt được một bọc đồ lớn của khách để quên trên xe. Ông đã tìm vị khách đó để trả lại nhưng không thấy nên mang vào đồn công an nhờ trả lại người bị mất đồ. Xúc động trước việc làm ấy, Bác đã tặng huy hiệu cho người đạp xích lô thật thà. Sau 32 năm, ông Thảo đã tặng lại kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong bộ sưu tập quý của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn có một bộ quần áo bằng vải đũi rất đặc biệt. Đó là bộ quần áo mà Bác Hồ đã tặng cho ông Trịnh Như Lương (1916 - 1980). Trong kháng chiến, ông Trịnh Như Lương được giao phụ trách liên trại tù binh, hàng binh Pháp. Mặc dù thiếu thốn đủ bề nhưng ông luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác Hồ đã tặng ông bộ quần áo bằng vải đũi và tự tay Người đánh máy một lá thư. Sau hơn 60 năm giữ gìn bộ quần áo như báu vật, con gái ông Lương đã tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh vào năm 2010.

Nhằm bảo quản lâu dài các tài liệu, hiện vật, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác bảo quản, thực hiện tin học hóa các sưu tập tài liệu, hiện vật, giúp cho công tác quản lý và phục vụ khai thác tài liệu, hiện vật một cách hiệu quả nhất. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản cho biết, với niềm vinh dự, tự hào về nhiệm vụ và trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó, bằng sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, trong những năm qua, công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, nghiên cứu, xác minh tư liệu, hiện vật của Bảo tàng đã được tiến hành nghiêm túc, khoa học. Hiện kho cơ sở của Bảo tàng có 13 vạn tài liệu, hiện vật; kho tư liệu có hơn 12 nghìn tài liệu, trong đó có nhiều tư liệu quý; thư viện hiện có hơn 6.700 đầu sách với khoảng 25.000 nghìn bản cùng nhiều tạp chí, báo...

Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, 30 năm hoạt động chưa phải là dài đối với một bảo tàng danh nhân, nhưng những thành quả mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đạt được đã chứng minh bảo tàng là nơi trao gửi tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Từ đây, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Ha Nội Mới

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/du-lich/trai-nghiem-kham-pha/mot-bao-tang-danh-nhan-dac-biet-132313.html