Mong ngân hàng ngồi cùng thuyền

SGTT.VN - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức hội nghị sơ kết xuất khẩu quý 1 ngành cá tra, hôm 17.4. Nếu nhìn vào con số trong báo cáo tình hình xuất khẩu cá tra quý 1 năm nay, sẽ chẳng ai nghĩ doanh nghiệp ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng, giá trị xuất khẩu đều thể hiện tăng lần lượt 12% và 15%, đạt 161.000 tấn và 421 triệu USD. Sở dĩ quý 1 ngành vẫn có con số tăng trưởng đẹp, theo Vasep, là nhờ vào lượng cá tồn kho từ năm ngoái chuyển qua. Còn từ đầu năm đến nay, đa số doanh nghiệp đều không tiếp cận được vốn vay để đầu tư nuôi cá hoặc mua nguyên liệu chế biến nên buộc phải co cụm sản xuất. Hậu quả này sẽ thể hiện rõ từ quý 2.

Không được ngân hàng hỗ trợ vốn, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng nuôi cá. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch thường trực Vasep, trong lời khai mạc đề nghị: “Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật để đưa ngành vượt qua khó khăn”. Vấn đề của ngành cá tra mà ông Dũng đề cập, đó là có tới hơn 90% doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng, phải giảm 50 – 70% công suất chế biến. Đã có nhiều trường hợp phá sản, sống thoi thóp. Hàng chục ngàn công nhân có nguy cơ mất việc làm.

Theo các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do vấn đề khủng hoảng kinh tế, nợ công ở châu Âu. Giá cá tra xuất khẩu đang ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp đáo hạn ngân hàng không có tiền trả nợ, nên ngân hàng không xét cho vay mới. “Mấy tháng nay tiền xuất khẩu về chúng tôi phải lo đáo hạn ngân hàng hòng giảm nợ xấu để được vay tiếp nên không còn khoản nào để đầu tư nuôi cá. Hàng ngàn tỉ đồng đổ vào cả trăm hecta nuôi cá bây giờ bỏ không, lãng phí vô cùng!”, một vị giám đốc bức xúc.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá ở An Giang cho biết, đầu tháng 4 vừa rồi, công ty bị ngân hàng cắt 50% hạn mức vay. Ban giám đốc công ty đã chạy vạy khắp nơi, nhưng không vay được tiền để bù đắp vào nguồn bị hụt nên phải hạ giá bán cá vào EU để có hợp đồng thế chấp vay thêm vốn.

Doanh nghiệp cho rằng, những doanh nghiệp làm ăn tốt cũng bị ảnh hưởng. Thời gian qua ngân hàng dựa trên một số thông tin tình hình nợ nần của một vài doanh nghiệp rồi đánh đồng, quy kết cả ngành cá tra làm ăn kém hiệu quả, nên từ chối cho vay. Ông Ngô Quang Trường, giám đốc công ty cổ phần thủy sản Biển Đông, Cần Thơ bức xúc: “Doanh số quý 1 năm nay vẫn đạt 9 triệu USD, nhưng chỉ vì trong ngành có một số công ty nợ nần như Bình An, An Khang nên ngay lập tức Biển Đông bị ngân hàng ACB giảm dư nợ còn 16 tỉ đồng, đồng thời thu hẹp hạn mức vay”. Không chỉ Biển Đông, mà hiện có tới 70% doanh nghiệp từ nhiều năm nay đổ tiền vào đầu tư vùng nuôi, chịu tốn kém xây dựng quy trình nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhưng nay, chỉ vì ngân hàng thắt chặt tín dụng, từ chối cho vay mới nên số tiền đầu tư trước đây có nguy cơ mất trắng.

Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep đánh giá, đối với số doanh nghiệp có đầu tư vùng nuôi, giá thành nguyên liệu thấp nên dù vay với lãi suất 16 – 18%/năm vẫn có hiệu quả. Chính vì vậy, trong tình thế hiện nay, theo ông, ngân hàng cần có đánh giá tình hình tài chính của từng doanh nghiệp để cho vay chứ không nên cào bằng.

“Trước đây, ngân hàng ngồi chung thuyền với doanh nghiệp. Ngân hàng cho vay đầu tư xây dựng nhà xưởng, vùng nuôi. Nay không cớ gì chỉ vì khó khăn chung của nền kinh tế lại đạp thuyền lên bờ để một mình doanh nghiệp chịu sóng gió”, ông Ngô Quang Trường bức xúc.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/163086/mong-ngan-hang-ngoi-cung-thuyen.html