Mong làm được giấy khai sinh cho 4 trẻ bị bỏ rơi

Lúc dịch Covid-19 căng thẳng, ở bệnh viện (BV) có một số trẻ sơ sinh bị mẹ (còn ở tuổi vị thành niên) từ bỏ, 1 doanh nhân đã đến nhận về nuôi, có sự đồng ý, cam kết của người mẹ. Khi các cháu lớn lên, doanh nhân này đi xin giấy khai sinh (GKS) cho các con thì gặp trở ngại.

Ông Phạm Trường Tuấn (quê xã Điện Trung, TX.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; ngụ TPHCM) vừa cầu cứu chính quyền, cơ quan chức năng, báo chí... mong sớm được giải quyết GKS cho 4 con nuôi.

Ông Tuấn kể: "Tôi thường xuyên về quê, hàng năm đều làm từ thiện với các hoàn cảnh khó khăn... Những năm dịch Covid-19 căng thẳng, có cô cháu gái làm việc tại 1 BV ở TX.Điện Bàn thấy mấy bạn trẻ sinh con nhưng không có điều kiện nuôi, vì thế các cháu rất thiệt thòi. Do có ý định nhận các bé làm con nuôi nên tôi dặn khi nào phát hiện trường hợp tương tự thì thông báo để tôi đến nhận".

Trong các năm 2020, 2021 và 2022, ông Tuấn nhận 4 trẻ sơ sinh (3 trai, 1 gái) đưa về Khu biệt thự Tuấn Mập (Phạm Trường gia trang) ở thôn Hồ Giang, xã Điện Trung, thuê bảo mẫu cùng người thân, người giúp việc chăm sóc. Mỗi tháng, ông Tuấn đều từ TPHCM về thăm các con 3 - 4 lần.

Lúc nhận các cháu, do không rõ về thủ tục pháp lý (TTPL), nên khi đến BV nhận trẻ thì người thân ông Tuấn được mẹ các bé viết giấy đồng ý cho - nhận, cam kết con nuôi. Nay các cháu đã lớn, có nhu cầu được đến trường để thầy cô chăm sóc tốt hơn và được đi học, vì thế ông Tuấn và gia đình đi làm GKS cho các cháu, nhưng khi lên xã làm thủ tục thì gặp trở ngại: Việc liên hệ với mẹ các trẻ gặp khó khăn vì không biết họ ở đâu, làm gì. Tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc vì lý do nhạy cảm, sinh con ngoài ý muốn nên có thể không muốn tiết lộ thông tin, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, vì thế việc liên hệ với mẹ ruột các trẻ nhờ làm GKS không khả thi.

Ông Phạm Trường Tuấn cùng các con nuôi

Ông Phạm Phú Long - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Điện Trung - cho biết: "Cái khó là cả 4 cháu đều có giấy chứng sinh, nghĩa là có tên tuổi, danh tính người mẹ. Do đó, theo nguyên tắc để làm GKS thì phải về xác minh mẹ của 4 cháu bé. Nếu mẹ của các cháu không còn ở địa phương hoặc ngại hay vì lý do bất tiện thì có thể ủy quyền để anh Tuấn làm GKS; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ sẽ tính tới phương án khác".

Theo luật sư Lê Duy Tuấn - Văn phòng Luật sư Thanh An (Quảng Nam), đối với trường hợp giấy cho - nhận con nuôi nhưng không có chứng thực của cơ quan thẩm quyền thì có thể tiến hành TTPL để được cấp GKS qua 3 bước. Thứ nhất, người đang trực tiếp nuôi dưỡng các cháu gửi đơn đến UBND xã nơi đang cư trú để niêm yết từ 30 - 45 ngày về việc cho con nuôi theo thủ tục hành chính; gửi thông báo và hồ sơ kèm theo đến địa chỉ nơi cư trú cuối cùng của người cho con. Trường hợp không có ai khiếu nại, tố cáo thì UBND xã kết thúc niêm yết; sau đó, người trực tiếp nuôi dưỡng làm đơn đề nghị UBND xã thực hiện thủ tục giao chăm sóc thay thế theo điều 66 Luật Trẻ em năm 2016.

Tiếp đến, UBND cấp xã ra quyết định giao các cháu cho người chăm sóc thay thế, giao con nuôi. Từ đó, người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc làm thủ tục khai sinh cho các cháu.

"Lúc đầu người nhà không rõ TTPL và tình thế khẩn cấp khi các trẻ bị bỏ rơi rất đáng thương, đồng thời đúng vào lúc xảy ra dịch Covid-19, việc đi lại, tiếp xúc khó khăn nên chúng tôi thừa nhận sai sót khi chưa kịp trình báo với chính quyền địa phương. Nay chúng tôi rất mong các cháu được đến trường, được thực hiện quyền công dân. Kính mong cơ quan các cấp lưu ý, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu sớm có được GKS".

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, ông và gia đình nuôi các bé đến 18 tuổi và luôn giữ giấy tờ để sau này cha mẹ các cháu nếu muốn vẫn có thể nhận lại con.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mong-lam-duoc-giay-khai-sinh-cho-4-tre-bi-bo-roi_155394.html