Mong điện thắp sáng Tà Làng

Những năm trở lại đây, Nhà nước đã nỗ lực đưa điện lưới Quốc gia về các thôn, bản vùng cao, nhưng người dân thôn Tà Làng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) sống ngay bên cạnh Thủy điện Nho Quế 1 nhưng vẫn 'khát' điện. Điều bất cập ở đây chính là, tất cả các hộ dân trong thôn đều chủ động hiến đất để xây dựng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 1.

Một số hộ dân trong thôn tự kéo điện nhưng chất lượng kém, chỉ đủ thắp sáng.

Thôn Tà Làng cách trung tâm xã 8 km. Toàn thôn có 39 hộ, trong đó 14 hộ nghèo chiếm 35% với 4 dân tộc cùng sinh sống như: Giấy, Tày, Xuồng, Mông.

Tà Làng được thiên nhiên ưu ái cho cảnh sắc tuyệt vời, có sức hút lớn với du khách. Đặc biệt, từ khi Thủy điện Nho Quế 1 đi vào vận hành, Tà Làng được biết đến với các hoạt động du lịch trải nghiệm nổi tiếng như ngắm cảnh lòng hồ, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, khu vực Hẻm Tu Sản, hẻm vực cao nhất Đông Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn. Tận dụng lợi thế đó, người dân trong thôn đã đầu tư thuyền chở khách tham quan hẻm vực. Hiện, toàn thôn có khoảng 20 thuyền chuyên phục vụ khách du lịch. Vào thời điểm đông khách, mỗi ngày, mỗi chủ thuyền có thể thu về trên 5 triệu đồng; những ngày còn lại trung bình thu từ 800 – 1 triệu đồng. Qua thống kê sơ bộ, năm 2018 và 2019, thôn đón khoảng 30 nghìn du khách đến tham quan. Từ đó, không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho mỗi chủ thuyền mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho khoảng 80 lao động địa phương. Ước tính, nguồn thu từ phí vận chuyển khách tham quan trong 2 năm qua khoảng 10 tỷ đồng.

Mặc dù có những tiềm năng lớn để phát triển du lịch bền vững nhưng đến nay, thôn vẫn chưa được đầu tư điện lưới Quốc gia nên khách đến tham quan đông nhưng các dịch vụ không phát triển.

Hiện, toàn thôn có 4 hộ tự kéo điện phục vụ sinh hoạt, tuy nhiên chất lượng không đảm bảo. Anh Nguyễn Văn Tuấn, hộ kinh doanh hàng tạp hóa trong thôn cho biết: Do có nhu cầu sử dụng nên 4 hộ chúng tôi góp tiền tự kéo điện, tổng chi phí hết gần 70 triệu đồng. Tuy nhiên, chất lượng điện kém, chỉ có thể sử dụng được một số thiết bị cơ bản như thắp sáng, quạt,…

Ông Cư Mí Sò, người dân trong thôn chia sẻ: Người già chúng tôi có thể đã quen với cuộc sống không có điện, nhưng còn lũ trẻ, cần điện để thắp sáng, học hành, quan trọng lắm chứ. Nhiều năm trước, chúng tôi đã trăn trở với con đường về thôn, đến bây giờ có đường bê tông đến tận cửa mỗi nhà nhưng vẫn chưa có điện. Người dân Tà Làng chúng tôi mong có điện, ngóng chờ từng ngày như trẻ con chờ quà mẹ!

Anh Lý Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng cho biết: Thôn Tà Làng hiện nay là điểm đến thu hút rất đông khách du lịch tới trải nghiệm. Đó là một tín hiệu mừng. Tuy nhiên, lượng khách đến đông nhưng lại không thể lưu trú do chưa có các dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách. Được sử dụng điện là mong muốn hết sức chính đáng của người dân trong thôn. Đặc biệt, đối với Tà Làng để phát huy được lợi thế, tiềm năng thế mạnh, thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững đòi hỏi phải có sự đầu tư ưu tiên cho hệ thống điện lưới Quốc gia. Hiện, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân nhận thấy tiềm năng và muốn đầu tư tại đây. Tuy nhiên, do chưa có điện nên các dự án chưa triển khai được.

Được biết, UNBD xã Pải Lủng đã lập dự án xây dựng đường điện đến thôn Tà Làng và gửi đề xuất tới các các cơ quan chức năng mong muốn sớm được phê duyệt và triển khai xây dựng. Tuy nhiên, 39 hộ dân vẫn sống trong sự mòn mỏi chờ ngày có điện; du lịch vẫn phát triển bấp bênh do không thể triển khai xây dựng các dự án bền vững khi không có điện.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/y-kien-nguoi-dan-cu-tri/202009/mong-dien-thap-sang-ta-lang-765557/