Mong có thêm những 'phố hàng rong'

Sau gần một tháng hoạt động, khu vực thí điểm kinh doanh có thời gian, tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm (nhiều người gọi nôm na là “phố hàng rong”) đã đi vào ổn định. Dù mới trong giai đoạn thí điểm, nhưng “phố hàng rong” đã cho thấy những kết quả tích cực khi việc lập lại trật tự lòng đường, hè phố được kết hợp hài hòa với chăm lo đời sống cho những người bán hàng rong.

Quan sát thực tế khu “phố hàng rong” đường Nguyễn Văn Chiêm cho thấy, người mua và bán khá tấp nập. Hết thời gian kinh doanh theo quy định, khá nhiều quầy đã bán hết hàng, thu xếp bàn ghế, trả lại không gian chung. Điều này chứng tỏ công việc kinh doanh của người dân đang thuận lợi. Tuy nhiên, điều những tiểu thương buôn bán tại “phố hàng rong” cảm nhận sâu sắc nhất là, họ đã chấm dứt được tình trạng vừa buôn bán vừa lo bị xua đuổi, xử phạt như trước đó. Các quán hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm khá gọn gàng, hợp vệ sinh, người bán vui vẻ, thân thiện; có chỗ ngồi cho thực khách nhưng vẫn bảo đảm khoảng không gian đủ rộng cho người đi bộ; đồ ăn, uống khá phong phú, giá cả phù hợp, có thể đáp ứng sở thích, thói quen của nhiều người. Sự khác biệt theo chiều hướng văn minh, nền nếp hơn so với những gánh hàng rong thông thường cũng là những điều mới mẻ, tạo điểm nhấn thú vị cho "phố hàng rong", hấp dẫn người dân không chỉ ở quận 1 mà cả các quận khác.

Từ lâu, bán hàng rong đã trở thành một hình thức kinh doanh khá độc đáo của người dân các đô thị nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Người bán thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít vốn, sống trong các con hẻm nhỏ hoặc khu dân cư lao động, không có nghề nghiệp chuyên môn, không có việc làm ổn định. Vì đồng vốn eo hẹp, họ không thể thuê một cửa hàng làm nơi kinh doanh cố định, cho nên bán hàng rong trở thành nghề, là nguồn mưu sinh chủ yếu. Đặc điểm này đã gây không ít khó khăn cho những nỗ lực lập lại trật tự lòng đường, hè phố của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Việc UBND quận 1 sắp xếp nơi buôn bán kinh doanh cho bà con lao động nghèo, bán hàng rong thể hiện trách nhiệm của các cấp chính quyền chăm lo cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của một bộ phận người lao động nghèo trên địa bàn, trở thành yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trong công tác quản lý trật tự đô thị.

Một chủ trương, kế hoạch hành động thật sự vì cuộc sống người dân không chỉ nhận được sự đồng thuận của những đối tượng trực tiếp thụ hưởng mà còn nhanh chóng đón nhận sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. “Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm và một vài địa điểm buôn bán tập trung khác chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng hàng rong trên toàn thành phố, nhưng đây là một minh chứng cụ thể, sinh động về công tác an sinh xã hội cần được nghiên cứu, nhân rộng.

Thực tế, trên địa bàn quận 1 và các quận, huyện khác trong thành phố còn khá nhiều tuyến đường có vỉa hè rộng, khu đất trống chưa sử dụng, đồng thời cũng có rất nhiều hộ gia đình đang mưu sinh trên lề đường, hè phố. Những người buôn bán hàng rong đang mong chờ các cấp chính quyền đúc kết kinh nghiệm hoạt động của khu vực thí điểm kinh doanh có thời gian tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm, tổ chức thêm các “phố hàng rong” khác phù hợp với những điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhằm bảo đảm việc chăm lo đời sống của người dân; góp phần lập lại trật tự đường phố, mỹ quan đô thị.

QUỲNH HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34092102-mong-co-them-nhung-“pho-hang-rong”.html