Món sushi có từ khi nào?

Sushi được xem là linh hồn ẩm thực xứ sở phù tang. Món ăn có sự kết hợp giữa cơm trộn giấm và các nguyên liệu hấp dẫn như cá hồi, cá ngừ, lươn...

Không chỉ đặc trưng trong nền ẩm thực truyền thống Nhật Bản, sushi trở thành một trong những món ăn được thực khách trên thế giới ưa thích.

Nguồn gốc của sushi

Sushi bắt nguồn từ một món ăn ở Đông Nam Á có tên narezushi vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Món ăn bao gồm gạo lên men và cá muối. Thời kỳ chưa có sự xuất hiện của tủ lạnh, narezushi là giải pháp thiết thực. Gạo lên men dễ bảo quản và cá được ướp muối đậm đặc để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Phần cơm thường chỉ dùng để bọc và bảo quản cá.

Món ăn lan truyền sang Trung Quốc và cuối cùng đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8. Thời gian sau đó, cách thức làm món này dần thay đổi. Người Nhật nấu cơm và dùng giấm gạo để cơm lên men nhanh hơn. Họ không cần phải đợi quá lâu (khoảng vài tháng) để thưởng thức món ngon. Vào giữa thế kỷ 18, sushi lan rộng đến Edo, nơi có 3 nhà hàng nổi tiếng phục vụ món ăn này tên Matsunozushi, Kenukizushi và Yoheizushi.

 Sushi là một món ăn Nhật Bản gồm cơm trộn giấm kết hợp với các nguyên liệu khác. Ảnh: Luigi Pozzoli.

Sushi là một món ăn Nhật Bản gồm cơm trộn giấm kết hợp với các nguyên liệu khác. Ảnh: Luigi Pozzoli.

Tuy nhiên, sushi thời kỳ này không hoàn toàn giống với món ăn nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc ngày nay. Cá được nấu chín và phục vụ miếng lớn hơn. Hanaya Yohei được ghi nhận là người sáng tạo ra món Nigiri sushi, loại sushi với một miếng cá đặt lên trên vắt cơm trộn giấm. Đầu bếp nhận thấy cách làm này tạo nên món ăn hương vị thơm ngon, vừa tay và giá cả phải chăng.

Các thành phần chính

Nhờ vào nguồn dinh dưỡng phong phú, hương vị hấp dẫn và cách trình bày đẹp mắt, sushi nhanh chóng được nhiều thực khách yêu thích. Thành phần của sushi là cơm, rong biển, rau củ, hải sản, nước chấm lên men từ nậu nành, gừng và wasabi, chia làm 4 loại.

Trong đó, neta là thành phần chính để làm sushi, phổ biến nhất phải kể đến cá, bạch tuột, tôm, lươn... Nguyên liệu này có thể ăn sống hoặc đem chế biến.

Người Nhật hay gọi cơm trong sushi là shari, đây được coi như ngôi sao, yếu tố quyết định món ăn có ngon hay không. Loại gạo Japonica hạt tròn, dẻo và có vị hơi ngọt được nấu chín, thêm dấm, muối, và đường chuẩn vị. Thành phẩm cuối cùng phải có độ kết dính, dẻo.

Gia vị ăn kèm được gọi tên yakumi, nổi tiếng nhất là wasabi vị cay nồng, giảm độ tanh, tăng thêm hương vị cho các nguyên liệu sống của món sushi.

Cuối cùng, chomiryo dùng để chỉ ớt, nước tương, dấm gạo, và một số thành phần khác.

 Nguyên liệu chính của món ăn được chia làm 4 loại. Ảnh: Vinicius Benedit.

Nguyên liệu chính của món ăn được chia làm 4 loại. Ảnh: Vinicius Benedit.

Ăn sushi bằng tay hay bằng đũa?

Người Nhật phân chia sushi thành nhiều loại, trong đó, phổ biến nhất là Nigiri sushi nhỏ dài, thon thả với miếng hải sản tươi sống như cá hồi, cá ngừ, tôm phủ lên nắm cơm nhỏ.

Maki sushi có nghĩa sushi cuộn. Người ta đặt cơm, hải sản hoặc rau củ lên một tấm rong biển mỏng rồi cuộn tròn, cắt nhỏ thành khoanh vừa ăn.

Uramaki cũng là món sushi cuộn nhưng các nguyên liệu có phần đảo lộn, lớp cơm bọc bên ngoài trong khi rong biển, cá, hải sản hoặc rau củ nằm bên trong.

Mỗi thực cách sẽ có cách riêng để thưởng thức sushi, song, các đầu bếp người Nhật cho rằng ăn món này có thể được ăn bằng đũa và tay. Đũa dùng để thưởng thức các loại sushi cuộn tránh làm món ăn mất đi hình dạng vốn có.

 Thực khách có thể sử dụng đũa và tay khi thưởng thức món sushi. Ảnh: Mahmoud Fawzy.

Thực khách có thể sử dụng đũa và tay khi thưởng thức món sushi. Ảnh: Mahmoud Fawzy.

Đối với loại sushi phía trên mặt được trang trí bằng cá, tôm... người ăn nên thử dùng tay. Bên cạnh việc giữ cơm không bị tơi và rơi ra ngoài, cách ăn này còn mang đến cảm giác mới lạ cho thực khách.

Bạn dùng tay cầm cầm gọn miếng sushi và chấm nhẹ phần neta vào nước tương. Quan trọng nhất, thực khách nên ăn cả miếng, đừng cắn từng chút một. Hành động này làm xáo trộn hương vị món ăn và hình thức bên ngoài cũng không còn đẹp mắt.

Ngoài ra, gừng được phục vụ để giảm bớt mùi của món ăn trước, giúp thực khách thưởng thức trọn vẹn hương vị sushi. Vì vậy, đừng trộn lẫn gừng và sushi.

Đối với wasabi, người thưởng thức không nên hòa lẫn với nước tương. Cách dùng đúng là phết lượng wasabi vừa đủ lên bề mặt sushi.

Thảo Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mon-sushi-co-tu-khi-nao-post1190908.html