Món quà vật chất Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 khiến người thầy khó xử

Khi không khí của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 càng đến gần, những người làm công tác giáo dục lòng cũng bồi hồi với những ký ức của những cái 'Tết thầy' từ những ngày xưa cũ.

Vài ngày trước, tôi có xem một clip các em nhỏ vùng cao áo quần lấm lem cõng trên lưng con gà đi Tết thầy, tự dưng thấy xúc cảm về bao kỷ niệm vui khi mình còn là một học sinh nhỏ và những ngày đầu tiên làm thầy.

Thập niên 80, ngày Nhà giáo Việt Nam chưa được biết đến nhiều mặc dù Thủ thướng Phạm Văn Đồng ký quyết định từ năm 1982. Tết thầy ngày ấy là những lúc giáp Tết thầy cô vội vã bắt xe, đón tàu về lại quê hương. Họ ra trường đi dạy theo sự phân công của Nhà nước nên hầu hết thầy cô từ phương xa đến gieo chữ nơi miền Trung du này. Mấy căn phòng tranh tre nứa lá, nơi ở tạm của các thầy cô những ngày sắp nghỉ Tết xôn xao vì học sinh đi Tết thầy. Chúng tôi mang đủ thứ nông sản để biếu các thầy cô về quê ăn Tết nhưng nhiều nhất vẫn là gạo, nếp, đường và... bánh tráng mì. Học trò quê quần áo rách bươm tay xách nách mang đứng khép nép nơi cửa phòng tặng thầy cô những món quà quê mộc mạc nhưng đong đầy tình cảm. Không có một chút gợn nào xen vào thứ tình cảm trong trắng, thiêng liêng ấy. Người thầy ngày xưa dù rất đói rách nhưng được xã hội tôn vinh, quí trọng lắm.

Với đám học trò nhỏ chúng tôi, thầy cô là thần tượng, là những bậc siêu nhiên vì cái gì cũng biết. Có thầy chỉ sở hữu duy nhất một cái quần dài mạng vết rách hai bên mông theo hình vuông mà chúng tôi gọi vui là "tivi" để đi dạy. Thằng Tín, bạn thời cấp hai đã từng bị thầy Đính cho ra khỏi lớp vì không chú ý bài giảng mà ngồi so sánh "tivi" của thầy với "tivi" của thầy dạy môn Toán. Thầy Nguyên dạy Lý thời cấp ba độc mỗi chiếc quần ống loe quét qua, quét lại trên bục giảng khi thầy say sưa dạy. Hay chiếc quần màu xanh xám của thầy Trực chủ nhiệm thường xuyên dính nhiều dăm bào vì sau khi hết tiết thầy còn làm thêm nghề thợ mộc. Vậy nhưng lớp lớp học trò đều quí mến, xã hội trọng vọng. Chính vì vị thế của người thầy khi ấy mà sau khi tốt nghiệp THPT năm 1989, tôi trở thành một chàng sinh viên sư phạm nối nghiệp các thầy cô mình.

Thầy giáo Bùi Duy Phong trong một tiết dạy học sinh Trường THPT Tăng Bạt Hổ.

Thập niên 90 đời sống đổi thay. Thầy cô không còn đói ăn, thiếu mặc và ngày dành cho những người làm giáo dục được xã hội chú trọng. Món quà tôi nhận được nhiều nhất vào những năm mới làm thầy là thiệp chúc mừng. Hàng chồng thiệp với những lời chúc đầy bay bướm của ngôn ngữ học trò. Các em học sinh luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho những người đứng trên bục giảng và đó chính là động lực để sự nhiệt huyết trong lòng mình luôn bùng cháy.

Những ngày 20/11, tôi và thằng bạn cùng phòng thường trốn từ sáng sớm vì căn phòng tập thể ọp ẹp không có chỗ để chứa học trò. Những bông hoa mộc mạc chứ chẳng cầu kỳ gì được chúng tôi để cả vào xô đựng nước vì không đủ bình để cắm. Có em đợi đến tối thập thò ngoài cửa vội dúi vào tay thầy một bọc gói bằng lá chuối nói rằng "má em bảo sang biếu thầy" rồi bỏ chạy. Mở ra mới biết là bánh xèo với mắm đục. Có khi về thấy bịch khoai mì với dừa treo ở cửa sổ mà không biết của em nào. Rồi thì những món quà nho nhỏ, xinh xinh được các em tự làm như hoa giấy, khăn tay hay những món đồ hand-made làm rộn ràng không khí ngày này.

Với một ông thầy không biết "trang trí đường diềm" chỉ thích mặc áo pull cho tiện như tôi thì học trò tặng cà vạt đủ các kiểu mà có đeo mỗi ngày một cái thì có khi đến vài tháng mới giáp lại. Ngày Tết thầy năm nào bà chị đồng nghiệp dạy cấp một cũng nấu một nồi cơm thật to vì học sinh đến thăm cô ở lại tới chiều mới về. Có nhóm chở theo một thùng chai nước ngọt rồi hối cô uống nhanh để con còn lấy vỏ về trả lại. Bao nhiêu ký ức đẹp về những cái Tết thầy vẫn vẹn nguyên như một chút giằng giữ mình ở lại với nghề.

Những tấm thiệp chính là món quà của học sinh tặng thầy của hơn 25 năm về trước.

Khi những món quà vật chất mà phụ huynh ở những nơi sung túc thay mặt con mình tặng cô thầy, ngày Nhà giáo đã mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Một khi tiền bạc xen vào tình cảm thì sự tôn vinh cũng chẳng còn. Ngày 20/11 trở thành một ngày như mọi ngày khi có nơi còn cấm học sinh thăm thầy cô nữa. Ngày dành cho những người cầm phấn cứ dần dần trở nên nhạt nhòa.

Hôm về thăm nhà, má tôi nhắc "20/11 này nhớ về giỗ nội nghen con", bà cụ hàng xóm sang chơi nói "ngày thu nhập làm sao nó về được" nghe như xát muối vào lòng. Bà còn nói cháu bà ở thành phố ba mẹ nó "bắn" vào tài khoản của cô cho tiện khác gì "tomahawk" nã vào sự tôn vinh. Một cụ bà gần đất xa trời mà tư tưởng vẫn nghĩ "lệch lạc" như thế bởi do đâu?

Với chúng tôi, ngày này như một nhịp nghỉ rất ngắn trong bản trường ca dài dằng dặc để sờ lên mái tóc của mình xem còn bao nhiêu sợi chưa phai màu mà thôi. Những món quà vật chất đắt tiền kia chỉ làm chúng tôi khó xử. Chúng tôi cần sự động viên của xã hội như những ngày xưa cũ để an tâm cống hiến. Hãy để tình cảm thầy - trò luôn là thứ tình cảm tự nhiên, trong trắng như vốn có muôn đời vậy.

Thầy giáo Bùi Duy Phong (Trường THPT Tăng Bạt Hổ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mon-qua-vat-chat-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-khien-nguoi-thay-kho-xu-169231119080126773.htm