Món quà thiết thực với nạn nhân bom mìn

Hơn 340 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cùng 20 xe đạp vừa được Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa hòa bình trao tặng các nạn nhân bom mìn và học sinh nghèo vượt khó tại 3 huyện Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc thuộc tỉnh Lạng Sơn. 'Đây là những món quà thiết thực, có ý nghĩa và tạo động lực giúp các nạn nhân bom mìn và học sinh nghèo vững vàng hơn trong cuộc sống', Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Phó chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình nhấn mạnh.

Ngày hè ý nghĩa

Sáng 16-6, cậu bé Giang Đức Thuận, học sinh Lớp 4A4, Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc tung tăng đi tới Trung tâm văn hóa thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Từ hôm nghỉ hè cuối tháng 5 tới nay, Thuận chỉ chơi quanh quẩn ở nhà, thi thoảng lấy sách bài tập ra làm cho đỡ quên kiến thức. Cách đây vài hôm, cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo có buổi tuyên truyền về nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, Thuận háo hức ra mặt. Ít ra tới đây em cũng được gặp bạn bè, thầy cô, được nô đùa thỏa thích.

 Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Phó chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình trao xe đạp mới tặng các em học sinh nghèo vượt khó ở huyện Đình Lập. Ảnh: LÂM KHÁNH

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Phó chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình trao xe đạp mới tặng các em học sinh nghèo vượt khó ở huyện Đình Lập. Ảnh: LÂM KHÁNH

Ấy vậy mà, trong suốt buổi tuyền truyền, Thuận ngồi chăm chú lắng nghe không sót lời nào của hai cô tuyên truyền viên. Thuận ghi nhớ những loại bom như bom phát quang, bom bi quả dứa, bom bi quả ổi, bom bi quả cam… tuy bề ngoài bắt mắt nhưng lại có lực sát thương lớn, gây nguy hiểm tính mạng con người khi chưa được xử lý. Vì thế, câu hỏi của cô tuyên truyền viên: “Có những loại bom nào vừa được giới thiệu?”, Thuận không chần chừ giơ tay. Câu trả lời chính xác đã mang về cho cậu bé 10 tuổi món quà nhỏ xinh xắn là một chiếc đồng hồ để bàn.

Cũng tham gia trò chơi tìm hiểu kiến thức này, Nông Anh Kiệt, học sinh Lớp 8A2, Trường THCS Đồng Đăng (Lạng Sơn) không những “rinh” được quà mà em còn là một trong số 7 học sinh nghèo vượt khó của huyện Cao Lộc được Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa hòa bình tặng xe đạp. Vui mừng khi có xe đạp mới, Kiệt cho biết chiếc xe sẽ là bạn đồng hành với em tới trường trong năm học mới.

Các em nhỏ chăm chú đọc bộ truyện tranh tuyên truyền về phòng, chống bom mìn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Các em nhỏ chăm chú đọc bộ truyện tranh tuyên truyền về phòng, chống bom mìn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Ngày hè năm nay cũng có ý nghĩa với học sinh Trường Tiểu học Yên Khoái, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Sau khi tham dự buổi tuyên truyền ngày 15-6, em Lường Hải Yến, học sinh Lớp 5A chia sẻ, ở trường các em thường lên thư viện xanh để đọc sách, truyện trong giờ ra chơi. Hải Yến cho biết, em vừa đọc xong tập 5 “Lễ hội màu xanh” trong bộ truyện tranh về bom mìn có tựa đề “Peter và mùa hè trên đất Việt”. “Đọc xong những tập truyện tranh này, con biết được các bạn đã làm việc tốt là trồng cây xanh vào các hố bom để cùng các chú bộ đội tạo màu xanh cho Trái đất. Con cũng biết được cách phải tránh xa các vật nghi ngờ là bom mìn và vật nổ, cũng như báo cho người lớn khi phát hiện những vật trên”, cô bé tự tin nói.

Sát cánh cùng nạn nhân bom mìn

Theo ông Hoàng Hùng Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979, tỉnh Lạng Sơn là địa bàn miền núi biên giới chịu ảnh hưởng nặng nề do bom mìn.

Trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn và các địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp rà phá, nỗ lực khắc phục hậu quả bom, mìn và vật liệu nổ. Tuy nhiên, một số diện tích vẫn chưa được rà phá ở các địa bàn khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân. Tính từ năm 1991 đến nay, đặc biệt là trên địa bàn 3 huyện Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc đã xảy ra một số vụ tai nạn bom mìn đáng tiếc, khiến các nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

 Trung tướng Phạm Ngọc Khóa và ông Hoàng Hùng Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Bình trao tiền hỗ trợ các gia đình nạn nhân bom mìn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa và ông Hoàng Hùng Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Bình trao tiền hỗ trợ các gia đình nạn nhân bom mìn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Ông Hoàng Hùng Cường nhấn mạnh, Lộc Bình là một trong những huyện của tỉnh Lạng Sơn bị ảnh hưởng nặng nề bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Từ năm 1991 đến nay, công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực chưa rà phá. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 20 người khuyết tật, là nạn nhân trong các vụ tai nạn bom, mìn. Trong nhiều năm qua, UBND huyện đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất tới các gia đình nạn nhân bom, mìn. Tuy nhiên, với nguồn lực của địa phương còn nhiều khó khăn, việc quan tâm tới các nạn nhân còn chưa được nhiều, cuộc sống sinh kế gia đình các nạn nhân còn gặp những khó khăn nhất định.

Các tuyên truyền viên của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam giới thiệu với người dân và các em nhỏ về nhận biết bom, mìn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Các tuyên truyền viên của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam giới thiệu với người dân và các em nhỏ về nhận biết bom, mìn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Xuất phát từ thực tế trên, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa hòa bình đã chọn Lạng Sơn là điểm đến trong chuyến công tác từ ngày 15 đến 16-6. Tại 3 huyện trên, đoàn công tác đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi; chiếu video clip phim tài liệu; giới thiệu, trình bày về các loại bom, mìn cũng như cách phòng tránh do các tuyên truyền viên thực hiện. Thông qua bài thuyết trình trực quan, sinh động, người dân và các em học sinh đã nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.

Phần thi tìm hiểu về cách phòng, chống bom, mìn thu hút sự tham gia của các em học sinh. Ảnh: LÂM KHÁNH

Phần thi tìm hiểu về cách phòng, chống bom, mìn thu hút sự tham gia của các em học sinh. Ảnh: LÂM KHÁNH

“Chiếc cần câu” sinh kế hiệu quả

Cùng với công tác tuyên truyền, trong chuyến công tác này, đoàn đã trao hỗ trợ sinh kế đợt 1 cho 40 người là nạn nhân bom, mìn, trong đó có 7 người được nhận bò sinh sản, 33 người nhận hỗ trợ vốn để chăn nuôi và kinh doanh tạp hóa. Bên cạnh đó, đoàn cũng trao tặng 20 xe đạp cho 20 em học sinh nghèo vượt khó.

Ông Hoàng Văn Em, 47 tuổi ở thôn Bản Phải, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình không may vấp phải mìn khi đi làm rẫy từ năm 19 tuổi, bị cụt 1 bên chân. Sau tai nạn sức khỏe và tinh thần đều sa sút, gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng, ông Hoàng Văn Em cho biết sẽ mua 2 đôi dúi má đào sinh sản về nuôi.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa trao bò sinh sản tặng nạn nhân bom mìn ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa trao bò sinh sản tặng nạn nhân bom mìn ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: LÂM KHÁNH

Cùng là lính trinh sát, ông Hoàng Văn Thăng ở thôn Bản Mục, xã Thái Bình, huyện Đình Lập và ông Hoàng Đức Nguyên ở Khu Thống Nhất, thị trấn nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập bị thương cùng một ngày khi vấp phải mìn trong khi đi làm nhiệm vụ. Người hỏng mắt, người cụt chân, mức độ thương tật cao, cuộc sống của họ đều rất khó khăn. Được trao hỗ trợ sinh kế lần này, cả hai đều vui mừng và hy vọng sẽ cải thiện đời sống của mình.

Đi nhận tiền hỗ trợ thay cho chồng là ông Nguyễn Ngọc Sơn, 68 tuổi ở Khu Hòa Bình, thị trấn nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, bà Vũ Thị Thêm cho biết, chồng bà bị thương tật bởi bom mìn, bà lại nhiều tuổi nên không đủ sức khỏe để nuôi bò sinh sản. Vì vậy, vợ chồng bà nhận tiền hỗ trợ để chăn nuôi lợn gà, vừa phù hợp với sức khỏe, vừa trông nom được nhà cửa.

Một tiết mục của các em học sinh huyện Đình Lập. Ảnh: LÂM KHÁNH

Một tiết mục của các em học sinh huyện Đình Lập. Ảnh: LÂM KHÁNH

Theo Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa hòa bình và nhà tài trợ Công ty dịch vụ hàng không Thăng Long (TASECO) đã hỗ trợ cho tỉnh Lạng Sơn đợt 1 với tổng kinh phí 343 triệu đồng. Trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn vì một cuộc sống bình yên và phát triển, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng đã có những hình thức phong phú, đa dạng như xây dựng thông điệp ngắn, gọn, dễ nhớ, được Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo kịp thời, phát thường xuyên liên trên hệ thống phát thanh của tỉnh, của các huyện; phát truyện tranh và tờ rơi tuyên truyền cho các đối tượng trên địa bàn 3 huyện trọng điểm. Công tác truyền thông, tuyên truyền có hiệu quả cũng có sự đóng góp tích cực của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Bộ tư lệnh Công binh và Điện ảnh Quân đội, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các Báo đài trong và ngoài quân đội, trung ương và địa phương… Trong thời gian tới, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hoa hòa bình sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh Lạng Sơn, mang tới cho các nạn nhân bom mìn “chiếc cần câu” sinh kế để giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/mon-qua-thiet-thuc-voi-nan-nhan-bom-min-731572