Mòn mỏi chờ Học viện Âm nhạc Quốc gia VN cấp bằng TS: Trách nhiệm thuộc về ai?

Các chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sớm có thanh tra, rà soát việc nhà trường chậm cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh nhằm đảm bảo quyền lợi người học.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết "Mòn mỏi chờ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cấp bằng tiến sĩ" phản ánh về việc, nhiều nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dù đã có Quyết định công nhận học vị tiến sĩ từ năm 2022, 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bằng.

Như phóng viên đã đề cập ở bài viết đã đăng tải, ngày 29/3, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách mảng đào tạo.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng cho biết: "Về việc này thì phía Ban Giám đốc học viện, Hội đồng trường cũng đã họp và chỉ đạo cho Phòng Khảo thí in ấn bằng để cấp".

Tiến sĩ Hưng cũng thừa nhận: "Bên Phòng Khảo thí cũng đang khá chậm trễ, Giám đốc học viện cũng đã nhắc nhở. Trong thời gian sớm thôi nhà trường sẽ tổ chức trao bằng cho các em ấy".

Phóng viên đề cập đến nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên, Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng cho rằng, do mới được tiếp nhận phụ trách nên toàn bộ công tác sau đại học là do Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm và ký các quyết định công nhận văn bằng.

Tiến sĩ Hưng cho phóng viên số điện thoại liên lạc của Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để nắm thêm thông tin. Thầy Tuấn lại nhắn phóng viên gọi cho Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo.

Theo thông tin từ website của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vào tháng 5/2023, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Các nghiên cứu sinh cũng cho biết, việc chậm trễ cấp bằng tiến sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã khiến cho không ít người rơi vào tình huống khó xử khi họ đang cần văn bằng để bổ nhiệm hoặc để bố trí việc làm trong các cơ quan nhà nước.

Cơ quan quản lý cần rà soát

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, đối với việc này cơ quan quản lý nên sớm rà soát và cần đề ra chế tài xử phạt với những cơ sở giáo dục đang để xảy ra tình trạng như vậy.

Qua đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ra giả thiết: "Nếu cơ hội việc làm hoặc cơ hội thăng tiến của nghiên cứu sinh đó bị ảnh hưởng bởi việc chậm trễ của nhà trường thì ai sẽ chịu trách nhiệm về các tổn thất đó của họ?".

"Đã là cơ hội thì tính thời điểm rất là quan trọng. Việc chậm trễ này nó đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân của những người đáng ra phải được nhận bằng theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc chậm trễ thậm chí là "cướp đi" cơ hội của người đó", vị đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

Theo quan điểm của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đa phần những nghiên cứu sinh khi theo học đến trình độ tiến sĩ thì họ đều có những dự định tương lai của họ gắn với trình độ này.

Vì thế, trong trường hợp nếu cơ quan quản lý hoặc người sử dụng lao động yêu cầu có trình độ tiến sĩ trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch hoặc luân chuyển cán bộ thì chắc chắn người đó phải có minh chứng là tấm bằng tiến sĩ.

"Khi làm hồ sơ, người đó cũng không thể giải thích là do bằng tiến sĩ đang bị nhà trường cấp phát chậm, lấy lý do đó để nợ bằng cấp thì sẽ khó có quan quản lý hoặc người sử dụng lao động nào chấp nhận được.

Bên cạnh đó, đa phần trong các cơ quan nhà nước, với những người có trình độ tiến sĩ thì chế độ đãi ngộ đối với họ cũng sẽ có sự ưu tiên hơn. Như vậy, nếu bị chậm bằng tiến sĩ, đồng nghĩa với việc chế độ đãi ngộ mà họ được hưởng cũng có thể bị ảnh hưởng. Từ đó, tính chất khuyến khích, động viên của chế độ cũng sẽ không kịp thời", vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay.

Qua đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, khi các nghiên cứu sinh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để theo học, quy định về thời hạn cấp bằng cũng đã có thì trường phải nghiêm túc thực hiện để đảm bảo quyền lợi với người học.

Đồng thời vị này cũng bày tỏ quan điểm rằng, khi đã có thông tin phản ánh trên báo chí về cơ sở giáo dục thực hiện không đúng các quy định đối với việc cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên sớm có động thái vào cuộc rà soát.

Cũng theo vị này, để đảm bảo tính nghiêm minh và không tái diễn việc chậm trễ cấp bằng ở các cơ sở giáo dục khác, sau khi có kết quả rà soát, dựa trên mức độ sự việc, cơ quan quản lý nên đề ra các chế tài để xử phạt nhằm hạn chế việc các trường đại học, học viện đang "nhờn luật" và coi thường quy định.

"Nếu không có chế tài cụ thể và mức độ xử phạt có tính răn đe thì tôi nghĩ việc chậm trễ trong cấp bằng tiến sĩ sẽ vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường phụ trách khâu cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh khi để xảy ra sự chậm trễ như vậy", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Cần làm rõ trách nhiệm khi không thực hiện đúng quy định

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đã có quy định về thời gian cấp bằng tiến sĩ, cơ sở giáo dục cũng nên tuân thủ và chấp hành để bảo đảm quyền lợi cho các nghiên cứu sinh.

Bên cạnh đó vị này cũng nhấn mạnh rằng, việc các trường thực hiện chuẩn chỉ các quy định của pháp luật, thực hiện đúng các cam kết thì còn tạo ra danh tiếng và thương hiệu cho chính trường đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

"Quá trình theo học và nhận thành quả học tập thông qua việc cầm bằng tốt nghiệp tiến sĩ trên tay là niềm vui và hãnh diện của bất cứ nghiên cứu sinh nào. Chưa kể, nếu nghiên cứu sinh cần bằng cấp đó vào việc thăng tiến của bản thân thì giá trị văn bằng đó càng lớn.

Khi người ta càng mong mỏi mà nhà trường cứ chậm trễ, không biết chắc khi nào mới nhận được bằng tốt nghiệp thì rõ ràng hi vọng và niềm tin của người học đó vào nhà trường càng đi xuống.

Không có người học nào lại muốn theo học ở một cơ sở giáo dục mà không có sự uy tín về thời điểm cấp bằng cả", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nói.

Nêu thêm ý kiến về tình trạng chậm trễ trong cấp bằng tiến sĩ đang diễn ra ở một số cơ sở giáo dục đại học, vị này cho rằng cũng sẽ có trường hợp, việc chậm cấp bằng là do các yếu tố khách quan khiến thời gian dự định của nhà trường không được như mong muốn.

"Nếu đứng trên góc độ của nhà trường thì chúng ta có thể hiểu là do cùng một thời điểm có thể khối lượng công việc cùng một lúc là quá lớn nên đơn vị phụ trách công tác cấp phát văn bằng chưa kịp giải quyết. Cũng có thể nhà trường cần một thời điểm thích hợp để có thể làm lễ trao bằng cho các nghiên cứu sinh thật trang trọng.

Tuy nhiên, khi quy định đã đề ra các mốc thời gian cụ thể, nghĩa là cơ quan quản lý họ cũng xác định đến những tình huống như vậy.

Trường hợp nghiên cứu sinh sau khi có quyết định công nhận học vị từ 2022, 2023 đến nay mà trường vẫn chưa cấp bằng tiến sĩ là quá lâu và cần được các nhà trường có câu trả lời thỏa đáng cho người học và dư luận được biết", nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.. Ảnh: P.M

Cùng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường nên tuân thủ quy định đề ra. Việc xử lý và truy cứu trách nhiệm của các đơn vị ra sao cũng nên được các cơ quan quản lý thực hiện nghiêm túc theo các quy chế đã có.

"Mặc dù đã có sự phân cấp quản lý đối với các trường đại học, học viện, nhưng khi có những thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc chậm trễ cấp bằng tiến sĩ như vậy thì với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có sự vào cuộc tích cực.

Đặc biệt là vai trò của Vụ Giáo dục đại học và Thanh tra Bộ trong việc rà soát và thanh tra, kiểm tra lại việc để đảm bảo quyền lợi cho các nghiên cứu sinh", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mon-moi-cho-hoc-vien-am-nhac-quoc-gia-vn-cap-bang-ts-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post241892.gd