Mòn mỏi chờ dữ liệu đất ở Đắk Nông

Kỳ 2: Kìm hãm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Phần lớn cơ sở dữ liệu (CSDL) đất ở Đắk Nông được xây dựng cách đây hàng chục năm. Những biến động mới chưa được cập nhật đang gây nhiều khó khăn cho người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh hưởng quyền sử dụng đất của người dân

Gia đình anh L.V.T nhận chuyển nhượng 1 thửa đất ở phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa vào năm 2019. Trên giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), diện tích được cấp là hơn 1,1ha, mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, gia đình anh T đang sử dụng khoảng hơn 1,5ha.

Đơn vị chuyên môn đo đạc ngoài thửa đất của người dân ở Đắk Nông

Đơn vị chuyên môn đo đạc ngoài thửa đất của người dân ở Đắk Nông

Thửa đất này anh T chung tiền mua với 1 người khác. Do lo ngại các vấn đề phát sinh đến QSDĐ nên 2 bên thống nhất sẽ làm thủ tục tách thửa. Anh T được hướng dẫn liên hệ đo đạc hiện trạng và gia đình anh phải nộp cho đơn vị đo đạc hơn 4 triệu đồng.

Tiếp đó, anh T làm thủ tục đề nghị cấp đổi GCN. Địa phương thực hiện các thủ tục xác minh hiện trạng, tình trạng tranh chấp, ký giáp ranh và gửi lên cấp trên. Tuy nhiên, hồ sơ của anh T đã bị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Gia Nghĩa trả lại do có sự chồng lấn, sai khác so với bản đồ đo đạc năm 2002.

Anh T tâm sự: Tôi nghe Nhà nước đã chi tiền để đo đạc lại bản đồ mới. Nhưng người dân muốn điều chỉnh đúng, đủ diện tích đang sử dụng vẫn phải mất tiền đo. Thủ tục thì lằng nhằng mãi tới nay vẫn chưa giải quyết được.

Theo UBND phường Quảng Thành, tình trạng cấp GCN chồng lấn lên diện tích đã cấp cho người khác diễn ra phổ biến ở địa bàn. Nguyên nhân chính là do bản đồ địa chính đã được đo đạc cách đây hơn 20 năm (giai đoạn 1995 - 2002).

Việc đo, vẽ có sự sai khác so với thực tế người dân đang sử dụng hiện tại. Mặc dù Sở TN-MT đã có hướng dẫn song việc triển khai trên thực tế gặp không ít khó khăn.

Nhà nước đã chi hàng chục tỷ đồng để đo đạc khu vực TP. Gia Nghĩa nhưng người dân vẫn chưa được thụ hưởng

Nhà nước đã chi hàng chục tỷ đồng để đo đạc khu vực TP. Gia Nghĩa nhưng người dân vẫn chưa được thụ hưởng

Tại huyện Đắk Song, vấn đề CSDL đất đai cũng gặp nhiều ý kiến phản ánh của người dân. Một nguyên lãnh đạo UBND thị trấn Đức An, huyện Đắk Song chia sẻ: Hiện địa phương có bản đồ giấy đo đạc cách đây khoảng 20 năm và bản đồ số mới được đo đạc theo dự án CSDL của tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều thửa đất không sử dụng được 2 loại bản đồ này vào thực tế do có sự sai khác quá lớn. Có 2 bản đồ nhưng người dân vẫn phải liên hệ đơn vị đo đạc và lấy kết quả đó làm căn cứ thực hiện điều chỉnh GCN. Kinh phí Nhà nước bỏ ra rất lớn nhưng qua nhiều năm, người dân không được hưởng thụ.

“Trói chân” dự án

Dự án Khu đô thị mới tổ 4, phường Nghĩa Đức được tỉnh Đắk Nông phê duyệt năm 2020. Dự án triển khai trên quy mô gần 72ha ở TP. Gia Nghĩa. Theo kế hoạch, đến quý IV/2021, dự án sẽ thực hiện xong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Dự án khởi công và hoàn thành toàn bộ trong quý IV/2025. Nhưng hiện tại, dự án vẫn chưa triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa (BQLDA) là đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án. Cuối năm 2021, BQLDA có tờ trình đề nghị thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc của dự án.

Người dân trong vùng Dự án Khu đô thị mới tổ 4, phường Nghĩa Đức chờ đợi giải phóng mặt bằng

Người dân trong vùng Dự án Khu đô thị mới tổ 4, phường Nghĩa Đức chờ đợi giải phóng mặt bằng

Tuy nhiên, Sở TN-MT Đắk Nông cho rằng, khu vực phường Nghĩa Đức đã được đo đạc CSDL (theo dự án đo đạc của TP. Gia Nghĩa). Để tránh lãng phí ngân sách, Sở TN-MT đề nghị BQLDA sử dụng bản đồ CSDL mới và phối hợp với các bên thu thập thông tin, tài liệu liên quan để thực hiện công tác bồi thường.

Trong quá trình kiểm đếm thực tế, BQLDA nhận thấy trong nhiều GCN đã cấp trước đây, các thửa đất này không tiếp giáp đường. Nhưng thực tế, các thửa đất này có đường kết nối và người dân đã sử dụng lâu nay. Theo bản đồ CSDL mới được đo đạc của TP. Gia Nghĩa năm 2021 cũng thể hiện có đường.

Quan điểm của BQLDA là đền bù cho người dân theo đúng hiện trạng. Nhưng muốn làm việc này, UBND TP. Gia Nghĩa phải là đơn vị có chủ trương. Để tham mưu chủ trương này, Phòng TN-MT cần phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực địa, lấy ý kiến.

Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng TN-MT TP. Gia Nghĩa lại cho rằng, để được công nhận đường giao thông thì phải có quy chuẩn riêng. Bên cạnh đó, đường phải phù hợp với quy hoạch đô thị thì mới được công nhận. Nếu không bảo đảm các tiêu chí trên thì chỉ được xem là lối đi chung.

Hơn nữa, bản đồ CSDL đo đạc 8/8 xã, phường của TP. Gia Nghĩa năm 2021 đã được nghiệm thu để làm cơ sở thanh toán. Tuy nhiên, Sở TN-MT Đắk Nông cho rằng, chất lượng bản đồ địa chính chưa bảo đảm theo quy định. Sản phẩm bản đồ địa chính này chỉ phục vụ cho công tác kê khai, đăng ký chứ không phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Tại TP. Gia Nghĩa đang triển khai nhiều dự án và gặp khó khi vận dụng cơ sở dữ liệu địa chính vào giải phóng mặt bằng

Tại TP. Gia Nghĩa đang triển khai nhiều dự án và gặp khó khi vận dụng cơ sở dữ liệu địa chính vào giải phóng mặt bằng

Tại TP. Gia Nghĩa, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai. Theo BQLDA, nếu các cơ quan Nhà nước hiểu theo các cách khác nhau thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác thu hồi đất. Vấn đề giải phóng mặt bằng lâu nay đã chậm sẽ càng chậm và khó khăn hơn. Nhà nước bị ảnh hưởng mà người dân cũng sẽ chịu thiệt thòi vì dự án kéo dài.

Nguồn cơn của nhiều xung đột

Tại Đắk Nông những năm qua, tình trạng khiếu nại, tố cáo diễn biến khá phức tạp. Tại một số huyện như: Đắk R’lấp, Đắk Song, TP. Gia Nghĩa… có khoảng 250 - 300 vụ khiếu nại, tố cáo mỗi năm. Ở cấp tỉnh, Sở TN-MT cũng tiếp nhận lượng đơn tương đương.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Ngô Chí Trung cho rằng, trên 80% đơn thư ở lĩnh vực đất đai. Trong đó, rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai và bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bộ phận Một cửa UBND huyện Đắk R'lấp giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho người dân

Bộ phận Một cửa UBND huyện Đắk R'lấp giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho người dân

Mỗi năm, TAND 2 cấp ở Đắk Nông thụ lý khoảng 5.000 vụ, việc. Trong số này, có trên 80% số vụ, việc liên quan đến dân sự. Các vụ, việc chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng vay tài sản…

Số vụ án, vụ việc liên quan đến đất đai có dấu hiệu tăng nhưng việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thông tin, CSDL về đất đai ở Đắk Nông còn thiếu và cũ nên cần sự xác minh của nhiều cơ quan, đơn vị. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết vụ án, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, CSDL chưa rõ ràng còn là nguồn cơn của những tranh chấp đất đai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho rằng: CSDL địa chính hạn chế cũng là nguyên nhân phát sinh các vụ việc tranh chấp đất đai. Nhiều vụ việc không được xử lý dứt điểm, kéo dài và âm ỉ những vấn đề phức tạp liên quan tới an ninh, trật tự.

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/mon-moi-cho-du-lieu-dat-o-dak-nong-212497.html