Môn đua xe đạp ở Sài Gòn trước 1945

Từ mục đích ban đầu là phương tiện giao thông, người Việt học theo người Pháp tổ chức đua xe đạp…

Sài Gòn thời trước Chiến tranh Thế giới thứ II, chỉ những người có chức sắc, quan quyền hoặc giàu sang mới có xe hơi (auto); còn giới thương nhân, trung lưu hay thầy thợ khá giả dùng xe đạp. Các nam thanh nữ tú là con các thầy thợ thì ngồi xe đạp đến trường trung học là hãnh diện lắm rồi!

Những chiếc xe đạp đầu tiên khá thô sơ, thô đến nỗi một số “anh Ba" (tên gọi Hoa kiều thuở đó) còn dùng ống tuýp (tube) dẫn nước, cắt ra và hàn thành khung xe để chở hàng. Cho đến khi có những chiếc xe đạp từ Pháp đưa sang, phong trào đi xe đạp phát triển dần lên.

Ba hạng cua rơ

Từ mục đích ban đầu là dùng làm phương tiện giao thông, người Việt bắt chước người Pháp tổ chức đua xe đạp. Đua từ đường ngắn vài chục ki lô mét đến vài trăm rồi vài ngàn cây số; từ đua vòng quanh Sở Thú, vòng quanh Sài Gòn, rồi Sài Gòn - Hà Nội - Sài Gòn, rồi vòng quanh Đông Dương gồm Việt-Miên-Lào... Những cuộc đua vòng lớn như vậy có từ trước khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Người nổi tiếng đoạt giải vòng quanh Đông Dương thời Pháp là Lê Thành Các.

Cua rơ Lê Thành Các, người nổi tiếng đoạt giải vòng quanh Đông Dương thời Pháp. Ảnh: TLST

Đến đầu năm 1950, khi đang 14 tuổi, tôi(*) bắt đầu tham gia hội đua xe đạp.

Thời điểm này xe đạp bắt đầu được lắp ráp nhiều ở Sài Gòn. Tuy tỷ lệ người có xe thời đó thấp hơn nhiều so với người có xe Honda thời nay nhưng nhiều nhà ở Sài Gòn vẫn có ít nhất là một chiếc xe nam hoặc nữ. Xe đạp do Pháp sản xuất như Peugeot, Royal Stella, Renault... sang trọng và giá cao gấp đôi, gấp ba xe nội địa (local) bởi không chỉ là hàng nhập cảng mà kết cấu của chiếc xe ngoại khá đẹp, đầy đủ tiện nghi, trang trí hài hòa, màu sắc đẹp... nhất là chất lượng thì bền chắc và an toàn khi dùng.

Trong khi đó, xe sản xuất trong nước thì dùng tuýp (tube) sắt thường dầy hơn, xe nặng hơn, các mối hàn thường khá thô sơ khiến nhiều lúc đang lăn bánh trên đường xe bị gãy sườn, đặc biệt là gãy cổ fource, khiến nhiều “tài xế" mất... hàm răng cửa khi xe sụp ổ gà hay va quệt. Còn nước sơn thì nhìn là biết ngay xe local, thô và sần sùi. Nhưng rồi dần dần xe sản xuất trong nước khá dần lên, trong đó xe đạp dành cho nữ (xe đầm) hoàn chỉnh hơn xe nam.

Khi phong trào đua xe đạp khởi xướng trở lại, những coureu hạng cao (hạng 1 và hạng 2) thường dùng sườn xe ngoại. Chỉ những coureu hạng 3 như đám nhóc chúng tôi mới dùng sườn xe “Made in Vietnam". Xe đua thường được yêu cầu phẩm chất cao, tức là các ống tuýp phải vừa mỏng, vừa bền và cứng hơn các loại ống tuýp xe đạp nam nữ bình thường, đặc biệt hai ống foure trước phải nhẹ, thanh mảnh và cứng cáp, các mối hàn khung xe phải thật khít và chắc chắn.

Thường thì kỹ thuật hàn các loại ống của dàn khung xe hàn từ các nước phương Tây là tốt nhứt, tuy nhiên, ở Việt Nam, các thợ hàn cũng đạt yêu cầu về chất lượng. Lúc đó loại tuýp hạng nhất được mọi người tán thưởng, tin tưởng là sườn xe Renault, thứ hai là hiệu Tube. Các xe đua có khung dán nhãn như trên thường giá từ trên 2.000 - 3.000 đồng trở lên, còn loại xe mà sườn xe sản xuất trong nước giá chỉ khoảng 1.000 đồng.

Bốn hội đua xe

Các tổ chức hội đua thường dựa vào cộng đồng nghề nghiệp, hay giai tầng trong xã hội. Mở ngoặc ở đây, có điều lạ cho đến hôm nay vẫn chưa lý giải được, đó là hễ ai là coureu thì không thể là cầu thủ đá banh? Các bậc đàn anh thường nhắc nhở đàn em mới nhập cuộc rằng hai môn thể thao này có yêu cầu trái ngược nhau, vì một coureu và một cầu thủ đều sử dụng đôi chân nhạy bén, dẻo dai để kẻ thì chạy, tranh giành banh, vừa lừa banh vừa sút banh vô lưới. Còn cua rơ thì dùng đôi chân để vượt đèo, leo dốc, đôi chân phải hoạt động liên tục xung quanh cái đĩa.

Do đó, một người không thể cùng hoạt động trên cả hai lãnh vực trên sân cỏ và chạy đường trường. Điều thứ hai là chưa có coureu nào có thể dựa vào nghề đua của mình để kiếm cơm, hay làm giàu; nó chỉ là một bộ môn thể thao, giải trí sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Xe đạp đậu trên vỉa hè, có thể trên đường Charner (Nguyễn Huệ), vỉa hè thương xá Tax. Ảnh: LIFE

Dưới đây là bốn hội ở thành phố Sài Gòn sau ngày Pháp trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại:

Hội Royal Stella: do chủ hãng xe đạp hiệu Royal Stella làm ông bầu. Các hội viên (cua rơ - coureu) hầu hết là nhân viên của hãng, hoặc là dân Tây, hoặc là Tây lai. Các coureu này được ông bầu chăm sóc rất kỹ, họ đều dùng xe đạp đua nhập cảng từ Pháp do hãng của ông bầu sản xuất và xuất cảng từ Pháp về Sài Gòn. Có thể nói các coureu của hội này rất hãnh diện về con ngựa sắt của mình. Hội viên ăn mặc rất sang, đẹp với quần cụt bó sát, phía mông lót miếng đệm da cừu, áo mầu in chữ “Royal Stella” trước ngực và sau lưng. Phù hiệu này chủ yếu là để quảng cáo cho hãng xe máy của Pháp.

Tuy nhiên hầu như chưa có lần nào coureu của hội này chiếm giải Nhất. “Tốt mẽ giẻ cùi” là vậy!

Hội AJS: được thành lập do ông Trưởng phòng Nhì (deuxìeme bureau) mật thám của Pháp là hội trưởng. Trụ sở của Hội là cơ quan chuyên điều tra và thẩm vấn của Pháp tại đường Catinat, sát với ngã tư Catinat - Tabert (Đồng Khởi - Nguyễn Du) mà dân ta thường gọi là lính kín. Toàn bộ hội viên là nhân viên mật thám người Việt làm việc cho cơ quan an ninh của Pháp.

Những năm đó, ai đi ngang đường Catinat, ngang qua cửa bót luôn nghe tiếng la hét vang trời của những tù nhân bị tra tấn bên trong bức tường rào, vì thế ít ai dám đi bộ trên vỉa hè bên phải hướng về nhà thờ Đức Bà. Những hội viên này rất hung hăng, khi tham gia đua thường lấn át các tay đua khác, thậm chí có khi trưởng đoàn còn đánh đấm tay đua khác ngay tại hiện trường đua xe mà không một ai dám can thiệp, nạn nhân chỉ đành vuốt mặt chịu đòn!

Trang phục của hội cũng rất đặc biệt, áo mầu trắng hay xanh lợt in chữ AJS rất to trước ngực và sau lưng. Khi cùng các đội khác đi tập dượt, ít ai dám đến gần hay kết bạn vì chính những tay đua này là các thẩm vấn viên, trực tiếp tra tấn nghi phạm, nhứt là nghi phạm tình nghi chính trị. Họ ít dám đi tập xa như Sài Gòn - Vũng Tàu, hay Sài Gòn - Biên Hòa, trừ khi có xe hơi sáu bánh của phòng đi trước mở đường, hộ tống.

Hội Thanh Long: gồm hầu hết là sinh viên và học sinh trung học. Các thành viên của hội chủ yếu tham gia coi như là môn thể thao, giải trí và chưa lần nào đạt thứ hạng nào trong các kỳ đua. Các hội viên mặc áo xanh in hai chữ Thanh Long trước ngực và sau lưng. Các chàng trai “công tử bột" này thường đi tập dợt riêng từng nhóm với nhau, chủ yếu là vui!

Hội Liên Hiệp: do một anh công nhân tên là Ba Đen làm hội trưởng. Các thành viên của hội đều là công nhân, thợ thuyền. Sinh hoạt của hội rất vui, cởi mở và rất là “Sài Gòn", anh em rất thương quý nhau. Ai xin gia nhập hội đều được chấp thuận. Xin nói thêm về hội Liên Hiệp này: Quy định của hội là từ 12 giờ trưa, giờ nghỉ trưa của mọi người, hội viên đều tập trung tại đường Luro (Cường Để, nay là Tôn Đức Thắng).

Sau đó cùng nhau chạy một hoặc vài vòng từ Luro - Boulevard Norodom (nay là Lê Duẩn) - thẳng vô Sở Thú - vòng ra đường Docteur Angier (nay là Nguyễn Bỉnh Khiêm) về lại Luro. Trước khi giải tán tiếp tục đi làm buổi chiều, anh em giải lao, chuyện trò rôm rả... sau rốt nghe anh Ba Đen thông báo cuối tuần hay Chủ nhật sẽ đi dợt ở đường nào.

Cửa hàng xe đạp thời trước 1945. Ảnh: TLST

Có một kỷ niệm nho nhỏ là trong hội Liên Hiệp có một học sinh ban Tú tài, trẻ, đẹp trai, con nhà khá giả rất mê môn thể thao đua xe máy, nên xin gia nhập hội và được anh em rất thương mến. Bỗng dưng anh ta mất tích hơn nửa năm. Rồi vào một buổi trưa, anh ta bỗng xuất hiện với bộ quần áo kaki vàng sậm, mũ kêpi, vai đeo hàm chuẩn úy.

Mọi người ồ lên hỏi: “Sao, bây giờ là quan rồi à?”, “quan Thủ Đức phải hông?”. Anh ta đáp: “Quan con mẹ gì! Tao đang đạp xe trên đường thì bị tụi nó dí bắt tống lên xe chở về bót Catinat, tức là bị bắt lính. Nhưng khi biết tao đã qua Brevet, tụi nó mời tao vô ngồi chung với một số khác ở văn phòng, có người mời nước, cà phê. Tụi nó kêu tao là ông, còn những người không có bằng cấp gì thì tụi nó bắt ngồi phơi nắng chờ xe tới bốc lên trại huấn luyện binh nhì. Một số có bằng tiểu học thì đi trại Quang Trung, ra trường là trung sĩ. Còn tụi tao thì vô Thủ Đức”. Thế là anh ta rời khỏi giới đua xe đạp từ đó.

Đủ loại lộ trình

Nếu đi gần thì đi tuyến Sài Gòn - Biên Hòa, thường đi hai vòng (Sài Gòn - Cầu Sắt - Sài Gòn - núi Châu Thới - Sài Gòn. Cũng có khi Sài Gòn - Cầu Sắt - Sài Gòn - Châu Thới hoặc ghé tắm suối Xuân Trường, hoặc về Thủ Dầu Một, Lái Thiêu vô vườn quýt tha hồ ăn miễn phí, luôn được chủ nhà vườn ủng hộ hết mình.

Nếu đi dợt dài hơn một chút thì đi Mỹ Tho: Sài Gòn - Cai Lậy - Sài Gòn. Tới Cai Lậy nghỉ giải lao, uống một ly trà pha đường. Thời gian đầu, chỉ khi nào các đơn vị quân đội Pháp đi mở đường và lính người Việt gác dọc đường để các đoàn công-voa quân đội vận chuyển hàng hóa (Corp d'armeé) về tỉnh thì hội Liên Hiệp mới cùng nhau đi dợt ké đường…

Nếu đi Vũng Tàu thì phải chờ khi nào lính Bình Xuyên đi mở đường và trực tiếp đứng gác cách nhau khoảng chừng 10 - 20 mét suốt ngày Chủ nhật thì hội tổ chức cho anh em đi dợt. Tuyến này đi rất hồi hộp, thường bị du kích xuất hiện nên anh em thường bám sát nhau mà đạp, ai nấy ăn mặc chỉnh tề với biểu tượng của một đoàn coureu chứ không liên quan đến quân đội.

Quy định của hội Liên Hiệp là khi giật giải hạng Nhất hoặc bất cứ thứ hạng nào, hội viên đều phải nộp cho hội 20% số tiền thưởng. Tiền đó sẽ gom góp lại, sau vài trận đua, sẽ dùng để tổ chức buổi họp mặt trong một nhà hàng, thức ăn được đặt theo số tiền quỹ đang có.

Hội Liên Hiệp có một thành viên tên là Nguyễn Xuân, coureu hạng B (hạng 2) nhưng hầu như cuộc đua nào được tổ chức từ 300km trở xuống anh cũng về nhất. Vì là hội thể thao vui chơi giải trí nên các thành viên trong hội luôn giúp đỡ nhau và mọi người đều răm rắp tuân theo sự điều khiển của anh Ba Đen. Thỉnh thoảng có những công ty hay doanh nghiệp lớn muốn quảng cáo sản phẩm, họ thường liên hệ với hội trưởng.

Có lần hãng dầu cù là Mac Phsu liên lạc nhờ hội Liên Hiệp quảng cáo nhãn hiệu dầu cho công ty và được chấp thuận. Đổi lại, họ may tặng mỗi coureu một bộ quần len, áo đua với hàng chữ “Liên Hiệp” mầu vàng trước ngực và sau lưng, chữ Liên Hiệp mầu vàng trên nền áo màu xanh lợt, dưới chữ tên của hội là dòng chữ nhỏ cũng màu vàng “dầu cù là Mac Phsu". Sau khi kết thúc cuộc đua, chủ mời hết anh em coureu vô nhà hàng ăn uống thỏa thuê và trao cho hội một số tiền, đồng thời tuyên bố tặng luôn mỗi anh em bộ đồ đua đang mặc.

Ngoài 4 hội kể trên ra, còn lại cũng có một số là coureu độc lập. Các tay đua này chủ yếu tham gia cho có phong trào thể thao, giải trí và rèn luyện cơ thể nên ít có ai đoạt giải.

Nhờ là hội viên của hội Liên Hiệp mà tôi được sinh hoạt với các anh em, đa phần là những người Sài Gòn sống rất hồn nhiên, sảng khoái, không tư lợi, không tranh giành, tòm tem tiền bạc. Cũng nhờ đó mà thằng nhỏ như tôi được thưởng thức các món ngon vật lạ ở các nhà hàng ẩm thực từ trung đến cao cấp. Và cũng từ hội này, lần đầu tiên tôi được dự bữa tiệc “thịt bò bảy món".

Về việc tổ chức các cuộc đua, tùy theo mức độ quan trọng của buổi tổ chức, như dịp Tết, dịp kỷ niệm, dịp lễ lộc mà ban tổ chức (do chính quyền thành phố) quyết định cuộc đua đó sẽ do hạng A (cao nhất), hạng B (hạng hai), hay hạng C (hạng thấp nhất)... hoặc cho cả ba hạng cùng tham dự. Thời gian này, cuộc chiến Pháp - Việt đang diễn ra nên ban tổ chức thường chỉ tổ chức các cuộc đua quanh Sài Gòn hoặc đến các tỉnh lân cận như Thủ Dầu Một, Biên Hòa hoặc xa nhất là Sài Gòn - Vũng Tàu.

Khoảng đầu 1950, thường có giải “Vua đường trường”, nhất là cuộc đua vòng quanh Đông Dương hồi Pháp thuộc. Coureu Lê Thành Các, một tay đua với vóc người nhỏ, tính tình điềm đạm, nói năng nhẹ nhàng đã giật giải hạng Nhất cuộc đua xa nhất, dài ngày nhất. Chú bé nhỏ là tôi rất vinh dự, tự hào được cùng chú Lê Thành Các so bánh trên đường.

Học sinh trường Petrus Ký thập niên 1930. Ảnh: Nadal Saïgon

Những cuộc đua mà tôi được biết thời gian đó, ngoài đua vòng quanh đường Luro, (dưới 50 km), còn có đua “băng đồng”, tức từ Sài Gòn chạy về một cánh đồng ở Thủ Đức, cua rơ nhảy xuống vác xe lội qua một cánh đồng ngập nước, sình lầy... rồi tiếp tục lên xe chạy về đích ở Sài Gòn, thường là phía sau nhà thờ Đức Bà.

Đua vòng quanh trường đua Phú Thọ. Chu vi bên ngoài trường đua này rộng hơn sân banh Renault nhiều. Hồi ấy hội Liên Hiệp và Thanh Long thường hay lên đây tập dợt. Xung quanh trường đua lúc ấy vẫn còn là đồng trống, ít người. Anh em thường đi theo đường Lizé (đoạn đường Điện Biên Phủ ngày nay, từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Ngã Bảy). Thời đó hai bên đường chỉ là bãi đất trống không có người ở, duy nhất có cửa hàng bong bóng Châu Bá.

Có những dạng đua: nước rút từng cặp (bốc thăm) theo hạng, từng vòng; tiếp sức (đua theo vòng và trao thẻ cho người ngồi sẵn trên xe). Cũng có tổ chức đua vòng loại, có khi cho đua chung các coureu ba hạng 1, 2, 3, hay đ. Đua vòng loại trong sân đá banh Renault. Tất cả 3 hạng cùng ra tranh tài. Khi trọng tài huýt còi, tất cả đều phóng lên con đường lót đá nhỏ xung quanh bãi cỏ đá banh của cầu thủ gần như là hình chữ nhựt, cua quẹo khá gấp. Nếu dàn hàng ngang mà đạp xe thì có lẽ chỉ vừa đủ cho năm chiếc xe đạp mà thôi, nên với hàng trăm xe chen nhau thì phải nói là… rất vui, bởi tới khúc quẹo 90 độ đó thì các tay đua té chồng lên nhau lủ khủ.

Khi đến đích thì người cuối cùng bị loại nên mới gọi là cuộc đua vòng loại. Cứ phải chạy vòng quanh sân như vậy cho đến khi nào còn lại người cuối cùng về đích thì cuộc đua mới kết thúc. Có một chuyện đáng nhớ là trong cuộc đua này, khi kết thúc, giữa lúc ban tổ chức tuyên bố người thắng giải và quan khách đang vui vẻ thưởng thức trò chơi giải trí thì ông bầu của hội AJS xông ra đấm đá một coureu độc lập người Hoa vì anh nầy khi vào cua đã lấn chỗ của tay đua AJS. Anh ta bị đánh trước quan khách và mấy trăm khán giả cùng các hội, tay đua nhưng không ai dám can thiệp, bởi ông bầu đó cũng là sếp phòng Nhì mật thám Pháp!

Đua nước rút, nghĩa là chỉ đua từng cặp do bốc thăm. Mức xuất phát sau nhà thờ Đức Bà, mức đến trước Sở Thú, chiều dài tuyến là 1km. Hai người thắng hai cuộc đua trước sẽ so tài nhau để chọn một, cứ loại dần cho đến người cuối cùng sẽ đoạt giải.

Cuộc đua cuối cùng mà tôi được tham dự là ngày lễ kỷ niệm “Hưng quốc khánh niệm". Trước khi cuộc đua bắt đầu, ban tổ chức thông báo cho toàn thể coureu và khán giả là hôm đó có Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm đồng tham dự (đó cũng là lần cuối cùng chú nhóc là tôi ngồi giữa đường bên cạnh chiếc xe đạp course của mình, rất gần bên Quốc trưởng và Thủ tướng). Cuộc đua chỉ vòng quanh có 30km dành riêng cho coureu hạng ba chúng tôi.

Lẽ ra hôm đó tôi giật giải, vì khi gần về đến đích, chỉ còn cách chưa tới 500 mét, là tôi cán mức trong khi tôi vẫn còn sung sức và một tay đua nữa không còn sức đạp. Tất cả tay đua khác đụng nhau té dồn cục chỉ còn lại hai chúng tôi, bỗng dưng xe tôi bị đứt chaine (dây sên), còn lại một mình anh kia nhích từng chút, từng chút về mức cuối. Quá tức mình, tôi vác đưa xe lên cao đập xuống đường rồi từ giã luôn môn thể thao đua xe đạp ở Sài Gòn.

Phạm Công Luận

_______________

(*) Theo lời kể của ông Nguyễn Cương, sinh năm 1936 tại Sài Gòn.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mon-dua-xe-dap-o-sai-gon-truoc-1945-40479.html