Mới xét xử, chưa phán xử

Trong nhiều năm trở lại đây, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) nhận xét xử cả những vụ việc có liên quan đến Công ước LHQ về chống diệt chủng năm 1948.

Minh họa/INT

Những ý kiến đầu tiên của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) Liên Hợp Quốc (LHQ) sau khi thụ lý xét xử vụ việc Nam Phi cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng trong lần chiến tranh hiện tại với Hamas ở Dải Gaza chưa đủ rõ ràng để có thể mường tượng được về chiều hướng trong phán quyết cuối cùng về vụ việc này. Dù vậy, chúng vẫn có tác động nhất định tới tất cả các bên liên quan và diễn biến của cuộc chiến giữa Hamas và Israel trong thời gian tới.

Tòa này chưa phán xử rõ là Israel có phạm tội diệt chủng ở Dải Gaza hay không và cũng không quyết định buộc nước này phải chấm dứt ngay mọi hành động quân sự ở Dải Gaza. Israel có thể coi đấy là thắng lợi của họ và thất bại của Nam Phi.

Nhưng ICJ đã buộc Israel phải tách bạch rõ giữa chiến tranh với Hamas và bảo vệ sinh mạng, đảm bảo an toàn cho người dân ở Gaza. Hơn nữa, ICJ cũng không quá nặng lời đối với Hamas trong khi khá nặng lời về cách thức tiến hành chiến tranh của Israel.

Ngoài ra, ICJ còn buộc Israel hàng tháng phải có báo cáo về thực hiện những ý kiến đầu tiên của ICJ và không được cản trở công việc thu thập chứng cứ của tổ chức này để tiếp tục xem xét cáo buộc của Nam Phi, phục vụ cho việc phán xử cuối cùng. Nam Phi có thể coi đấy là thắng lợi bước đầu của mình và thất bại của Israel.

ICJ được thành lập cùng với việc thành lập LHQ năm 1945 và là một trong 6 tổ chức trụ cột của LHQ. Đây cũng là tổ chức trụ cột duy nhất của LHQ không đóng trụ sở tại New York (Mỹ) mà ở thành phố La Haay của Hà Lan.

Thông thường, ICJ chỉ thụ lý xét xử những vụ kiện tụng giữa các nước thành viên LHQ về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay bồi thường lẫn nhau. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, ICJ nhận xét xử cả những vụ việc có liên quan đến Công ước LHQ về chống diệt chủng năm 1948.

Hai trường hợp nổi bật nhất trước vụ việc Nam Phi đưa Israel ra ICJ là Gambia cáo buộc Myanmar tiến hành diệt chủng người Rohingya ở Myanmar hồi năm 2019 và Nga bị ICJ yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Ukraine hồi năm 2022. Vụ việc hiện tại là vụ việc thứ 184 được ICJ thụ lý kể từ trước đến nay.

Hiện tại, nó mới được ICJ xét xử chứ còn phải vài năm nữa mới có được phán xử cuối cùng. Một khi ICJ đã đưa ra phán xử thì các bên liên quan không còn có thể khiếu nại. Phán quyết của ICJ có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các bên liên quan. Chỉ có điều rằng ICJ có thể tuyên án nhưng lại không có năng lực thực tế để tổ chức thi hành án.

Những phán định đầu tiên nói trên của ICJ khích lệ Nam Phi kiên định quyết tâm theo đuổi vụ kiện tụng Israel đến cùng. Chúng buộc Israel phải thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh với Hamas và không còn có thể theo đuổi chủ định xóa sổ tổ chức này bằng mọi giá bởi chỉ như thế mới có thể tránh được những phán định tiếp theo của ICJ bất lợi hơn nữa đối với Israel và rồi cuối cùng không bị phán xử là phạm tội diệt chủng ở Dải Gaza.

Chúng cũng còn khiến các bên ủng hộ Israel bị khó xử về chính trị và pháp lý quốc tế với việc hậu thuẫn Israel chiến tranh với Hamas. Họ sẽ phải thận trọng hơn, chắc chắn không thể trợ giúp Israel bằng mọi giá và mọi cách để Israel tùy ý tiến hành chiến tranh với Hamas. Vì thế, cuộc chiến ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel sẽ diễn biến theo chiều hướng và với mức độ khác trước trong thời gian tới.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/moi-xet-xu-chua-phan-xu-post670459.html