Môi trường giáo dục và các xung đột giá trị cơ bản

LTS: Giáo dục luôn luôn là nỗi bức xúc của xã hội. Cứ mỗi năm vào mùa khai giảng lại ồn ào chuyện chạy trường, chạy lớp, tiền trường... Tiếp đến, vào tháng 11, có ngày Nhà giáo Việt Nam. Dư luận xã hội bàn luận, vừa lên án thực trạng học đường, rồi lại tôn vinh nghề giáo cao quý - mấy chục năm nay - như vòng lặp xuân thu nhị kỳ.

Trong khi đó, ở các đô thị lớn và thành phố có tốc độ đô thị hóa mạnh ngày càng nhức nhối các vụ án tham ô trong trường học, trò đánh thầy, trò đánh nhau, thầy hạ nhục học sinh... Tin tức về thầy A, cô B bị bắt giam, học trò bị xét hỏi cứ diễn ra liên tục, với đủ mọi kiểu.

Ở chiều kích khác, nhiều người có ưu tư rộng hơn trên bình diện xã hội: vì sao con giết cha, vợ giết chồng, anh em triệt hạ nhau càng nhiều, vì sao giá trị nhân bản bị đảo lộn? Sự xuống cấp của nhiều chuẩn mực đạo đức trong gia đình và nhà trường có phải do lối sống ngày càng đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần?... Người Đô Thị thực hiện chuyên đề: "Môi trường giáo dục và các xung đột giá trị cơ bản" nhằm tập hợp nhiều ý kiến của nhà nghiên cứu giáo dục, người thầy - là tâm điểm của bức tranh học đường, để nghe họ trải lòng, kiến giải và góp ý để kiến tạo môi trường giáo dục trong lành và phát triển đúng phẩm giá.

Nhóm nữ sinh đánh bạn kinh hoàng trong nhà vệ sinh trường học xuất hiện trong một clip đăng trên mạng internet vào đầu tháng 11. Ảnh: Cắt từ clip/SGGP

Nhóm nữ sinh đánh bạn kinh hoàng trong nhà vệ sinh trường học xuất hiện trong một clip đăng trên mạng internet vào đầu tháng 11. Ảnh: Cắt từ clip/SGGP

Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân, nguyên giáo viên chuyên lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM):

Vì đâu nên nỗi?

Tôi chính thức vào nghề giáo năm 1979, rời công việc dạy học năm 2010. Sau 31 năm đi dạy, nhìn lại quãng thời gian từ lúc mới vào nghề, đến lúc trở thành “lão làng”, tôi thấy có hai mối tương quan quan trọng. Đó là tương quan giữa phụ huynh và giáo viên, giữa học sinh và giáo viên. Trong đó, phụ huynh - giáo viên là tương quan cơ bản, có thể ảnh hưởng đến tương quan còn lại.

Phụ huynh nghi ngờ giáo viên chỉ sống vì tiền. Giáo viên thì đề phòng phụ huynh có thể làm hại mình bất cứ lúc nào. Hình như vấn đề tiền bạc cộng với chương trình học nặng nề đã làm thay đổi lớn môi trường giáo dục theo chiều hướng xấu. Thời gian đầu, khi họp phụ huynh đầu năm, giữa năm và cuối năm, chúng tôi chỉ thông báo và trao đổi với phụ huynh về kết quả học tập, thái độ học và sinh hoạt trong trường, lớp của học sinh. Thời đó, có thể cũng có những than phiền, thắc mắc hay trách móc giáo viên chủ nhiệm này khó tính, giáo viên bộ môn kia chưa công bằng, nhưng nói chung vẫn có sự tương kính giữa hai bên, chưa có sự nghi kỵ qua lại giữa phụ huynh và giáo viên.

Hình như vấn đề tiền bạc cộng với chương trình học nặng nề đã làm thay đổi lớn môi trường giáo dục theo chiều hướng xấu."

Đến giai đoạn ngoài trao đổi kết quả học tập, thái độ, sinh hoạt của học sinh, giáo viên phải kiêm nhiệm thêm việc thu những khoản tiền cho nhà trường, cho hội phụ huynh.

Không có tiền làm sao họ làm điều này điều kia được cho giáo viên, cho học sinh như những gì họ muốn, trong cơ chế ngân sách hiện tại? Trong đó, thực sự có cả những gì một số giáo viên và học sinh cần. Trường tôi dạy là trường có uy tín, nề nếp, ban giám hiệu là những người tôi kính trọng vì tình yêu nghề và sự trong sạch. Nhưng muốn làm được việc này, việc kia họ phải “lách” cơ chế! Và vì vậy họ vẫn phải… sợ!

Rồi chủ nghĩa thành tích thổi cho bùng lên nhu cầu “Không được có học sinh thi lại, ở lại”. Dù chương trình thì nặng nề, kế hoạch giảng dạy thì bắt buộc giáo viên phải theo kế hoạch của Bộ từng tiết một, bất chấp thực tế trong lớp học. Nếu giáo viên không tuân theo sẽ bị khiển trách, kỷ luật. Phong trào học thêm tại trường, tại các trung tâm, tại nhà giáo viên bắt đầu phát triển. Và việc dạy thêm, học thêm này tạo ra những chuyện dở cười dở khóc.

Giờ ra chơi của học sinh tại một trường học ở TP.HCM. Ảnh minh họa. Ảnh: Trà My

Giờ ra chơi của học sinh tại một trường học ở TP.HCM. Ảnh minh họa. Ảnh: Trà My

TS. Giáp Văn Dương:

Sáu “căn bệnh” của giáo dục

1. Trong bài báo Gọi tên triết lý giáo dục năm 2014, tôi có viết: “Triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ. Đây là cái sai nghiêm trọng nhất trong những cái sai của hệ thống giáo dục này”. Chính vì đào tạo con người công cụ, nên mới dẫn đến tình trạng học sinh bị dọa dẫm ngay trong nhà trường nếu không tuân thủ yêu cầu, mệnh lệnh của thầy cô.

2. Bệnh học để thi. Chất lượng giáo dục được đánh giá chỉ dựa vào thành tích trên giấy. Điều này dẫn đến áp lực dạy và học chạy theo các kỳ thi, chứ không hướng đến sự trưởng thành của học sinh.

3. Bệnh nhũng lạm và lợi ích nhóm lan tràn. Tình trạng này đã lan sâu vào trường học. Những vụ án liên quan đến mua sắm, đấu thầu, chạy chọt… Quan điểm nặng tính thị trường cho rằng giáo dục là dịch vụ, học sinh và gia đình là khách hàng, càng làm cho hiện trạng giáo dục trở nên trầm trọng.

Chất lượng giáo dục được đánh giá chỉ dựa vào thành tích trên giấy. Điều này dẫn đến áp lực dạy và học chạy theo các kỳ thi, chứ không hướng đến sự trưởng thành của học sinh."

4. Tính hành chính giáo dục quan liêu, nặng nề. Các quy định, thủ tục, báo cáo… quá nhiều làm cho giáo viên mệt mỏi và phải đối phó.

5. Lương giáo viên thấp, không đủ sống. Chính vì thế giáo viên phải xoay xở, như làm thêm hoặc dạy thêm, dẫn đến không chuyên tâm với nghề nghiệp, hoặc xung đột lợi ích với công việc của mình.

6. Sức khỏe tâm thần của một số giáo viên có vấn đề nhưng không được thừa nhận và hỗ trợ. Theo báo cáo của ngành y tế, có khoảng 14% người dân Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường học cũng không ngoại lệ, khi chiếm một tỷ lệ tương ứng. Trong 1,23 triệu giáo viên hiện có khoảng 170 ngàn giáo viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Gian hàng STEM với mô hình độc đáo học bằng robot chỉ với "1 đô-la/học sinh" của các giáo viên và học sinh từ huyện Nam Trực, Nam Định tại Ngày hội toán học mở tổ chức tại TP.HCM. Huyện Nam Trực đã tự tổ chức được Ngày hội STEM lần thứ nhất với tên gọi "Đánh thức trí tuệ làng thời 4.0" với tham gia của tất cả 55 trường học trong huyện theo ba trụ cột của giáo dục STEM: STEM dùng kiến thức SGK, STEM dùng vật liệu tái chế, STEM dùng robot và công nghệ cao. Ảnh: Trung Dũng

Gian hàng STEM với mô hình độc đáo học bằng robot chỉ với "1 đô-la/học sinh" của các giáo viên và học sinh từ huyện Nam Trực, Nam Định tại Ngày hội toán học mở tổ chức tại TP.HCM. Huyện Nam Trực đã tự tổ chức được Ngày hội STEM lần thứ nhất với tên gọi "Đánh thức trí tuệ làng thời 4.0" với tham gia của tất cả 55 trường học trong huyện theo ba trụ cột của giáo dục STEM: STEM dùng kiến thức SGK, STEM dùng vật liệu tái chế, STEM dùng robot và công nghệ cao. Ảnh: Trung Dũng

Ông Trần Việt Long, nguyên giáo viên toán một trường THPT ngoại thành TP.HCM:

Sống trung thực được gì?

Tôi từng giảng dạy tại một trường công lập có điểm xét tuyển sinh đầu vào thấp nhất nhì so với các trường tại TP.HCM. Để được yên ổn công tác, đối phó với cách xếp loại thi đua và đánh giá tay nghề mà ban giám hiệu đề ra, nhiều đồng nghiệp phải chấp nhận chọn giải pháp “an phận thủ thường, “dĩ hòa vi quý”. Phương cách thứ nhất, họ o bế những người có trách nhiệm trong việc ra đề thi học kỳ hay đề kiểm tra tập trung. Mục đích của thầy cô là muốn biết trước đề để có thể “ôn luyện tủ” cho học sinh các lớp mình đang phụ trách giảng dạy thuộc lòng trước đáp án.

Phương cách thứ hai là chọn im lặng và cam chịu nhìn cảnh các “quan tham” ở trường từng ngày, từng giờ ngang nhiên ăn bớt tiền lương giảng dạy ngoài giờ của mình, ăn chặn tiền đóng học phí còn dư của các em học sinh. Ai chọn cách này tự an ủi lòng mình rằng: “Coi như số tiền bị ăn chặn của mình là cúng thí, làm phước”!

Nhiều em ra trường còn chưa thuộc bảng cửu chương, không biết cộng trừ nhân chia các phân số, không viết được đơn xin nghỉ phép… Thế thì, tương lai của các em ra sao khi xã hội ngày càng phát triển?"

Với những phương cách chấp nhận chọn trên, nhiều đồng nghiệp đã đạt được những kết quả khá mỹ mãn, lại được các “quan tham” ở trường đánh giá xếp loại thi đua, đánh giá tay nghề với những thang bậc cao đầy niềm kiêu hãnh. Về phía học sinh, sau mỗi kỳ thi học kỳ hay kiểm tra tập trung, các em vui mừng, hớn hở với điểm số có được và không ngớt lời ca tụng các thầy cô giáo của mình dạy hay, dạy trúng tủ, dạy chất lượng cao. Lợi cả đôi đường! Thế nhưng, cứ như thế, kết quả số lượng học sinh trường thi đậu vào đại học - cao đẳng - trung học khá khiêm tốn, đếm không hết trên đầu ngón tay. Thậm chí, nhiều em ra trường còn chưa thuộc bảng cửu chương, không biết cộng trừ nhân chia các phân số, không viết được đơn xin nghỉ phép… Thế thì, tương lai của các em ra sao khi xã hội ngày càng phát triển?

Trước những việc làm phản cảm, vi phạm đạo đức nghề “trăm năm trồng người”, chúng tôi đã lên tiếng. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, chúng tôi được gì từ sự trung thực, thẳng thắn của mình? Tất cả những gì chúng tôi nhận được chỉ là sự thờ ơ, im lặng của lãnh đạo ngành giáo dục và chính quyền các cấp của thành phố. Chúng tôi nhận được sự “quan tâm, chăm sóc đặc biệt” của ban giám hiệu cấu kết cùng một số đồng nghiệp với mục đích trù dập, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm và tìm mọi cách loại trừ ra khỏi trường.

Cuối cùng, tôi nhận được một quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật với nội dung vi phạm gán ghép, vu khống, không có căn cứ pháp lý. Không những thế, tôi còn nhận được sự trì hoãn, không đưa vụ án ra xét xử gần hai năm của tòa án đối với đơn khởi kiện nhà trường buộc thôi việc trái pháp luật. Trên thực tế, chúng tôi nhận được từ sự trung thực như thế đó! Nhưng trong tôi vẫn cảm thấy thanh thản vì đã không đánh mất bản thân. Tôi tự hào, ngẩng cao đầu trước mọi người vì đã làm gương cho đàn em về những bài học trung thực, ngay thẳng mà thầy cô bao thế hệ đã từng dạy.

Học sinh đọc sách trên Xe Buýt Sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. Ảnh TL: Trung Dũng

Học sinh đọc sách trên Xe Buýt Sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. Ảnh TL: Trung Dũng

Giáo sư “quần đùi” Trương Nguyện Thành:

Trước áp lực thay đổi, giáo dục sẽ thay đổi

Tôi cho rằng tất cả mọi vấn đề xuất hiện trong đời sống đều có lý do cho sự tồn tại của nó. Khi cho rằng giáo dục hiện nay như cái “chợ kinh doanh” thì thực sự phải thấy khía cạnh một cái trường tư muốn lấy học phí, muốn phát triển bền vững, phải bảo đảm chất lượng giáo dục và trách nhiệm xã hội.

Tôi có cảm nhận quản lý chất lượng giáo dục ở mảng tư nhân có vẻ chưa được chặt chẽ lắm. Cho nên, có trường chất lượng tốt, trường thì không như mong muốn. Sở dĩ như thế là vì có những đơn vị lại chọn cắt đi những chi phí vốn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo. Khi tư vấn cho các tổ chức giáo dục, tôi thường nói làm giáo dục trước hết phải có cái tâm. Tại vì “sản phẩm của giáo dục” dù tốt hay xấu, chúng ta cũng không thể vứt đi được. Sản phẩm giáo dục không tốt, xã hội lãnh đủ. Chẳng những thế, vài ba thế hệ liên quan cũng ảnh hưởng xấu. Nói cách khác, làm giáo dục không tốt là cái họa, làm tốt thì là phước ba đời.

“Sản phẩm của giáo dục” dù tốt hay xấu, chúng ta cũng không thể vứt đi được. Sản phẩm giáo dục không tốt, xã hội lãnh đủ."

Trở lại hiện trạng chung giáo dục Việt Nam, tôi thấy chúng ta đang quá chú trọng vào thi cử. Kết quả chúng ta đào tạo ra những con người biết thi giỏi. Trong khi xã hội cần người biết giải quyết vấn đề trong cuộc sống như thế nào, hiệu quả ra sao… Nghĩa là chúng ta đang có hai mục tiêu chệch hướng: xã hội cần người biết giải quyết vấn đề, nhà trường đào tạo người biết thi giỏi.

Chuyện trả lời đúng câu hỏi không còn là cách để đánh giá con người trong giáo dục hiện đại nữa. Và sắp tới đây, tư duy cũ kỹ này càng gặp thử thách lớn hơn với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển như vũ bão. Dù là một nền giáo dục không đặt nặng thi cử, nhưng AI đã làm “nhức đầu” các trường đại học Mỹ thời gian qua. Nên tôi thấy đáng quan ngại cho Việt Nam.

Thế nhưng trên hết, tôi thực sự là người có cái nhìn tích cực. Khi áp lực thay đổi đến, con người buộc phải thích nghi và thay đổi thôi. Tôi đã đi đi về về giữa Hoa Kỳ và Việt Nam từ năm 2007 đến nay, tôi thấy chúng ta có những mặt tiến bộ nhất định bên cạnh những tồn đọng. Một trong những lý do người ta hay than phiền về giáo dục là tại vì nó đụng tới con người. Nhưng cũng chính vì đụng đến con người nên phải thật thận trọng. Mà thận trọng thì lại rất khó thay đổi.

Cũng như y tế, giáo dục không thể thí nghiệm trên con người được. Vì thế, nên hiểu rằng xã hội phát triển nhanh, tạo nên áp lực đòi hỏi giáo dục phải phát triển nhanh theo. Nhưng với Việt Nam, một đất nước châu Á lâu đời, cộng với chuyện giáo dục đụng tới con người, nên khá bảo thủ là bình thường. Tuy nhiên, lấy ví dụ như trước COVID-19, đâu có ai nghĩ đến vai trò của e-learning. Cho nên tôi cho rằng có áp lực mới có thay đổi. Áp lực thay đổi thì chắc chắn con người, nền giáo dục sẽ thay đổi.

Nam Anh ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/moi-truong-giao-duc-va-cac-xung-dot-gia-tri-co-ban-41637.html