Môi trường cạnh tranh tốt sẽ thúc đẩy kinh tế

Cộng đồng DN và NĐT đang khát khao có được một thị trường cạnh tranh bình đẳng, giúp họ có thể tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng, minh bạch, để phát triển.

Để hỗ trợ DN Việt trên sân nhà, kỳ họp tới Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi) theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Luật sửa đổi hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là: “Bảo vệ môi trường cạnh tranh, hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trên thị trường, thông qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng Việt Nam”. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, yếu tố quan trọng nhất là đưa ra các chính sách để DN cạnh tranh bình đẳng vẫn chưa rõ…

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nội dung cần làm rõ trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này là cần quy định mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh cần độc lập với bộ chủ quản

Qua tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh cho thấy những hạn chế trong mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh hiện hành là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong thực thi pháp luật về cạnh tranh. Dẫn chứng nghiên cứu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Thời điểm đó có 12 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu với tổng thị phần chiếm tới 90%, riêng Petrolimex chiếm 60%. Qua nhiều lần tăng giá cho thấy, các DN này đồng loạt tăng giá giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Khi đó, nghiên cứu khẳng định có nhiều dấu hiệu cho rằng đây là nhóm DN thống lĩnh thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh về cấm thỏa thuận, ấn định giá làm hạn chế cạnh tranh.

Tuy nhiên, hạn chế của Luật Quản lý cạnh tranh lúc đó là cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục Quản lý cạnh tranh đều là Bộ Công Thương nên không có cuộc điều tra nào được thực hiện. Do vậy, theo bà Lê Thị Nga, cần quy định mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh phải độc lập với bộ chủ quản, đảm bảo tính khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh. Có như vậy mới bảo vệ tốt được quyền lợi của người tiêu dùng.

“Một khi Bộ Công Thương đang còn là cơ quan chủ quản của một số DN lớn thì kèm theo đó là lợi ích nhóm, sân sau, là bắt tay ngầm. Những cái đó nó liên quan đến tính độc lập về thể chế quản lý cạnh tranh. Nhưng hiện nay lại sửa đổi theo hướng anh vừa trở thành cơ quan cạnh tranh quốc gia, vừa là cục quản lý cạnh tranh cũ, lại vừa là người tiến hành tố tụng. Với cơ chế lùng nhùng giữa quản lý nhà nước, vừa làm ông tố tụng cạnh tranh, lại vừa là chủ quản của các DN thì liệu cơ chế này có giải quyết được tất cả bất cập thời gian vừa qua hay không”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt dấu hỏi.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Luật sửa đổi lần này đã xây dựng những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo mức độ độc lập tương đối của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Còn các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, muốn có thị trường cạnh tranh, phải có chính sách cạnh tranh tốt. Cạnh tranh là linh hồn và nền tảng của kinh tế thị trường, vì vậy, Việt Nam cần điều chỉnh luật pháp và chính sách để kiểm soát, loại bỏ hành vi độc quyền, loại bỏ các rào cản, hạn chế mức độ cạnh tranh trên thị trường, xóa bỏ phân biệt đối xử tiến tới tiếp cận công bằng các nguồn lực. Nhưng để làm được việc này phải có luật cạnh tranh tốt và các hành vi phản cạnh tranh phải được xử lý kịp thời. Muốn vậy, cơ quan cạnh tranh phải độc lập để thực hiện tốt các nhiệm vụ thực thi, phản biện và kiểm soát.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một trong những điểm hết sức quan trọng của hệ thống pháp luật cạnh tranh là phải có cơ quan cạnh tranh độc lập, có đủ thẩm quyền, đủ khả năng để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thách thức lớn của các cơ quan xây dựng chính sách pháp luật hiện nay chính là làm sao để không thành lập một cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Chính phủ, vẫn nằm trong Bộ Công Thương nhưng phải đảm bảo được tính độc lập. Bởi hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang quản lý và là chủ sở hữu của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nếu không làm tốt sẽ vẫn dẫn tới sự chi phối, dẫn dắt thị trường.

Đồng quan điểm này, song ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điều quan trọng không phải là cơ quan cạnh tranh đặt ở đâu mà là nó được hoạt động như thế nào. Điều quan trọng lớn nhất là cơ quan cạnh tranh không thể là cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Công Thương như quy định của dự thảo luật.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, nếu như các luật khác không nhìn thấy bóng dáng của các cơ quan thực thi thì với Luật Cạnh tranh, nếu thiếu một cơ quan độc lập, có đủ năng lực và nguồn lực để thực thi các quy định của luật này thì rất khó để có được một thể chế thị trường cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Những vấn đề này sẽ được kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới mổ xẻ. Tuy nhiên, cộng đồng DN và NĐT đang khát khao có được một thị trường cạnh tranh bình đẳng, giúp họ có thể tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng, minh bạch, để phát triển. Điều này cũng tạo ra môi trường đầu tư bền vững, đưa nền kinh tế phát triển trên tầm cao mới.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/moi-truong-canh-tranh-tot-se-thuc-day-kinh-te-68771.html