Mối nguy lớn nhất

Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H. Căng thẳng bao trùm Bán đảo Triều Tiên khi số liệu các nước đưa ra cho thấy, vụ thử có sức công phá lên tới hơn 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT). Tại cuộc gặp với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), ngày 5-9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng, trong ba thách thức an ninh mà cộng đồng thế giới đang phải đối diện, khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là mối nguy lớn nhất.

Toan tính về “cuộc thử nghiệm làm thay đổi cuộc chơi”

Tại sao Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lại lo ngại như vậy? Hãy nhìn vào sức mạnh khủng khiếp từ vụ nổ giải phóng ra. Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 5-9, giới chuyên gia nhận định ngọn núi có bãi thử Punggye-ri, nơi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân gần đây có nguy cơ sụp đổ và có thể gây rò rỉ phóng xạ ra khu vực xung quanh. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học-Kỹ thuật Trung Quốc tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, đưa ra nhận định trên dựa vào việc đo đạc và phân tích sóng xung kích phát ra từ vụ nổ, cùng với dữ liệu đo rung chấn tại hơn 100 trung tâm quan sát ở Trung Quốc và các nước.

Thời gian qua, Triều Tiên đã nhiều lần thử các loại tên lửa. Ảnh: SBS

Các chuyên gia cho rằng, vụ thử hôm 3-9 chính xác là bom nhiệt hạch hai tầng. Các chuyên gia nghiên cứu về chấn động trên bề mặt Trái Đất cho rằng, sau vụ động đất mạnh tới 6,3 độ Richter theo ước tính của Cơ quan Địa chất Mỹ, có đủ bằng chứng chứng minh là Triều Tiên đã phát triển thành công bom hạt nhân hoặc ít nhất là cũng đã tới rất gần mục tiêu ấy. Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu hạt nhân Kune Y Suh, hiện đang làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul, bình luận: “Mức độ vụ nổ quá lớn khiến người ta hoàn toàn có thể cho rằng đó là một cuộc thử nghiệm bom hydro”. Theo giáo sư Kune Y Suh, cuộc thử nghiệm ngày 3-9 vừa qua là “cuộc thử nghiệm làm thay đổi cuộc chơi”.

Trước đó, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của Bình Nhưỡng xác nhận cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra và xác minh độ chính xác, tin cậy trong công nghệ làm chủ sức mạnh được áp dụng vào sản xuất bom nhiệt hạch. Đây là quả bom mạnh chưa từng thấy, đánh dấu bước phát triển quan trọng trên con đường hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên. Trang mạng sina.com.hk dẫn tin từ Đài Truyền hình quốc gia Triều Tiên (KCTV) cho biết, cuộc thử nghiệm thành công là bước tiến lớn trong việc Triều Tiên hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân.

Sức mạnh đáng sợ

Giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, vụ nổ có cường độ mạnh gấp 10 lần vụ thử hạt nhân thứ 5 cách đây một năm. NORSAR, hãng giám sát động đất của Na Uy ước tính năng lượng giải phóng sau vụ nổ vào khoảng 120 kiloton, cao hơn nhiều so với cường độ hai quả bom hạt nhân thả xuống Hiroshima (15 kiloton) và Nagasaki (hơn 20 kiloton) vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu Đại học Khoa học-Kỹ thuật Trung Quốc, vụ thử hạt nhân ngày 3-9 của Triều Tiên có sức công phá tương đương 108,3 kiloton, mạnh hơn gần 8 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Khu vực bãi thử Punggye-ri, nơi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân. Ảnh: RT

Vài giờ trước vụ thử, truyền thông chính thức của Triều Tiên công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quan sát một thiết bị có hình dạng như một hạt lạc và tuyên bố đó chính là bom hydro đã được thiết kế để gắn vào ICBM mới. Các chuyên gia cho rằng, hình dáng của thiết bị mới cho thấy nó cũng có thể là một loại vũ khí nhiệt hạch hai tầng. KCNA cũng khẳng định rõ, vụ thử ngày 3-9 đã xác nhận sức công phá và hiệu quả của bom H, trong đó có “sự phân hạch để đạt tới cường độ năng lượng lớn và tất cả các đặc điểm vật lý khác phản ánh chất lượng của vũ khí nhiệt hạch hạt nhân hai tầng”.

Vụ thử nghiệm hạt nhân hôm 3-9 của Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại về việc nước này có thể sử dụng bom xung điện từ, hay được gọi là EMP để tấn công các mục tiêu. "Loại bom H mới thử nghiệm có thể được kích nổ ở độ cao lớn, tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) cực kỳ nguy hiểm"-KCNA hôm 3-9 cho hay. Bom xung điện từ (EMP) là loại vũ khí có mục đích phá hủy các cơ sở vật chất điện và điện tử ở một mục tiêu nhất định. Do các cơ sở hạ tầng hiện nay đều phụ thuộc vào điện, điện tử, một cuộc tấn công xung điện từ về lâu dài có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người, có nghĩa là khủng khiếp hơn cả một vụ tấn công hạt nhân.

Bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H, bom Hydro, bom khinh khí) được nghiên cứu phát triển vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, có sức công phá mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử. Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ hai, do đó, sức tàn phá của bom H là vô cùng lớn.

HOA HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/moi-nguy-lon-nhat-517158