Mời nghệ sĩ, ban nhạc huyền thoại thế giới tới Việt Nam: Có xứng với 'đồng tiền bát gạo'?

Chưa bao giờ, các nghệ sĩ, ban nhạc huyền thoại thế giới tới Việt Nam lại “tràn” về Việt Nam nhiều như một vài năm gần đây. Để mời được họ sang không phải là điều đơn giản với các đơn vị tổ chức Việt. Thế nhưng, những thần tượng âm nhạc này có thể hiện trên sân khấu xứng với “đồng tiền, bát gạo” mà đơn vị tổ chức bỏ ra, có xứng với sự mong đợi của hàng triệu khán giả Việt?

Huyền thoại âm nhạc thế giới Peabo Bryson.

“Đổ” tiền tỉ cho một cuộc chơi

Có thể kể tới các nghệ sĩ/ ban nhạc nổi tiếng trong thời gian qua đã đến biểu diễn ở Việt Nam gồm: nghệ sĩ Richard Clayderman, nghệ sĩ saxophone Kenny G, ban Boney M và thủ lĩnh của ban nhạc Smokie- Chris Norman và sắp tới là Scorpions, Modern Talking…

Dù không còn thời đỉnh cao như vài chục năm về trước, nhưng để mời những huyền thoại âm nhạc thế giới này là một điều không hề dễ dàng về công sức cũng như chi phí. Hầu hết, ban tổ chức các liveshow này đều mất vài năm thương thảo để có được cái gật đầu của các huyền thoại âm nhạc “một thời vang bóng”. Mất nhiều thời gian chưa khổ bằng chuyện ngoài trả tiền thù lao ngất ngưởng, ban tổ chức phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của những nghệ sĩ ấy. Ví như, trước khi đến Việt Nam, ban nhạc Boney M và thủ lĩnh của ban nhạc Smokie - Chris Norman đều yêu cầu có bộ mixer (thiết bị trộn âm thanh) riêng, tất nhiên là phải đáp ứng tiêu chuẩn biểu diễn tại các “sô” trình diễn đẳng cấp thế giới. Để thuê được bộ mixer này, chi phí hàng tỷ đồng chưa kể chi phí vận chuyển về Việt Nam. Ngoài ra, ban tổ chức phải mua bảo hiểm lên tới 500.000 bảng Anh cho hành lý/ người.

Ban tổ chức “Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa cùng Tuborg” sẽ diễn ra vào 21-23/10 tới tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) cũng khá vất vả khi mời ban nhạc Rock huyền thoại đến từ nước Đức- Scorpions: “Chúng tôi phải rất công phu và vất vả để đáp ứng được những yêu cầu của họ. Scorpions sẽ mang theo ekip gần 20 người cùng thiết bị, nhạc cụ…của riêng họ để biểu diễn tại Việt Nam một cách chuyên nghiệp nhất, như tất cả các đêm diễn trên thế giới”.

Kenny G cũng đưa ra những yêu cầu cao và rất chi tiết về điều kiện đi lại, ăn ở. Cụ thể, đoàn của ông sang Việt Nam gồm 12 người, trong đó có 5 nhạc công, một người quản lý, một người set up kỹ thuật, 3 nhân viên phụ trách âm thanh và ánh sáng, 2 nhân viên phụ trách ngoại vụ. Không chỉ thế, Kenny G đưa ra yêu cầu về phương tiện di chuyển: việc đưa đón phải bằng xe VIP, đời từ năm 2014 trở lại đây. Xe này chỉ dành cho Kenny G, các trợ lý không được ngồi chung…

Để nhận được cái gật đầu đồng ý của Richard Clayderman, BTC sự kiện tại Việt Nam cho hay họ phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn cao cấp của một nghệ sĩ đẳng cấp thế giới. Chỉ tính riêng chỗ ở, Richard Clayderman ở phòng Tổng thống tại khách sạn Metropole Hà Nội có giá 3000 USD (khoảng 63 triệu đồng)/ngày.

Hoài niệm cảm xúc hay “mua” sự hụt hẫng?

Vậy nhưng, những gì Ban tổ chức bỏ ra có đáng “đồng tiền bát gạo”, khán giả có được thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà các huyền thoại, ngôi sao âm nhạc thế giới mang tới?

Trong đêm nhạc của 2 ban nhạc huyền thoại Boney M, Chris Norman vừa diễn ra, công chúng đã trải qua một màn… đợi chờ cả tiếng đồng hồ. Bởi bộ mixer trị giá hàng tỉ đồng được “thửa” từ nước ngoài bỗng dưng “dở chứng” ngay sát giờ diễn. Sợ khán giả sốt ruột, la ó, nam danh ca Chris Norman buộc phải ra sân khấu “tay bo” hát mộc với guitar trước hàng nghìn khán giả. Còn Boney M dù khán giả nhún nhảy theo những bản nhạc disco nổi tiếng cũng chưa thể làm hàng nghìn khán giả thỏa mãn thực sự vì thủ lĩnh Boney M ngoại hình và giọng ca đã “xế chiều” còn 3 ca sĩ trẻ “bản sao” còn lại thì không thể bằng 3 ca sĩ “bản chính” của Boney M những thập kỷ 70-80.

Đêm diễn Richard Clayderman ở Hà Nội bị chê thiếu cảm xúc và gây thất vọng cho người hâm mộ. Khán giả ví đêm diễn này với chất lượng chỉ tương đương một show bình dân.

Có một thực tế rằng, hầu hết, các liveshow của các nghệ sĩ huyền thoại này đều…“cháy vé” dù vé không hề rẻ (vài triệu đồng/cặp). Thế nhưng, ít ai biết, đằng sau việc “cháy vé” đó là do phần lớn số vé ấy là vé mời. Trên thực tế, những liveshow ấy đều là các “ông lớn” của ngân hàng hay một ngành nào đó “bạo chi” với chi phí tổ chức mỗi chương trình đều ở con số từ trăm ngàn đến vài triệu USD để…tri ân khách hàng “bự” của mình và để khuếch trương thương hiệu. Số vé không nhiều còn lại mới bán ra thị trường.

Còn nếu “tay bo” bán vé ngoài thị trường, có chắc những đêm nhạc nghệ sĩ “một thời vang bóng” sẽ “cháy vé”? Còn nhớ, ca sĩ Peabo Bryson- “ông hoàng tình ca” dự kiến có hai đêm nhạc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, gần tới ngày biểu diễn, đơn vị tổ chức đã phải ra thông báo hủy show diễn ở TP HCM vì lý do không bán được vé. Không có đại gia nào “chống lưng”, không bán vé cầm chắc thua lỗ tiền tỉ, Ban tổ chức không còn cách nào khác phải rút lui trong êm đẹp.

Có thể thấy, việc mời các nghệ sĩ huyền thoại “một thời vang bóng” là một chuyện nhưng để họ thuyết phục được khán giả thực sự bỏ “tiền túi” ra mua vé và thỏa mãn được thính giác, thị giác được hay không lại là một câu chuyện khác.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/moi-nghe-si-ban-nhac-huyen-thoai-the-gioi-toi-viet-nam-co-xung-voi-dong-tien-bat-gao-298956.html