Mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP

Việt Nam có thể giảm nhẹ các rủi ro về thảm hoạ thiên tai thông qua việc thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.

Hưởng ứng Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10), Uỷ ban Quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB ngày 13/10 đã tổ chức Hội nghị về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có thể giảm nhẹ các rủi ro về thảm hoạ thiên tai thông qua việc thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.

Thiên tai gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Trong đó, ngành Nông nghiệp là ngành được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai. Trong các trường hợp có thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt trên 4% GDP. Biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ làm tăng tác động của thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thuỷ văn.

Gần đây nhất, trong 2 ngày 9-10/10, đợt mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã và đang gây ra hậu quả nặng nề trên địa bàn rộng lớn, mực nước sông nhiều nơi vượt mức đỉnh lũ lịch sử. Tính đến 17h ngày 12/10, đợt mưa lũ đã làm 80 người chết và mất tích và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận xét: “Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để ứng phó với các rủi ro về thiên tai do khí hậu. Thiên tai có thể xoá đi hàng thập kỷ xây dựng và phát triển và chi phí để xây dựng lại có thể còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để đầu tư cho sự thích ứng với thảm hoạ thiên nhiên".

Việt Nam hiện đối mặt với một số thách thức lớn trong quản lý rủi ro thiên tai, bao gồm phân tán về thể chế, các quy trình điều phối quy hoạch ngành thiếu hiệu quả và không có một chiến lược hiệu quả về chi phí để đảm bảo về tài chính.

Tại hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp để giải quyết những thách thức, bao gồm việc phân định rõ và tập hợp trách nhiệm trong quản lý rủi ro thiên tai giữa các cơ quan và việc hình thành những hệ thống mạnh để chuẩn bị và ứng phó với thiên tai. Các thực tiễn tốt nhất trên thế giới qua các kinh nghiệm và ví dụ từ các nước và các bộ ngành cho thấy việc hoạch định và thực hiện có hiệu quả phải bắt đầu từ việc có được các chính sách đúng đắn.

ĐP

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/moi-nam-thien-tai-gay-thiet-hai-ve-kinh-te-tu-1-15-gdp-68650.html