Mối lương duyên đặc biệt

Như một mối lương duyên, hơn 40 người có công ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội đang nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các nữ điều dưỡng, những người đã tình nguyện ở bên họ vào lúc họ cô đơn nhất cũng như khi trái nắng trở trời. Dẫu gặp muôn vàn khó khăn nhưng các nữ điều dưỡng luôn dành cho các bậc tiền bối tình yêu thương và những nghĩa cử ân tình.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (nằm tại xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), là một nơi khá đặc biệt. Trong khoảng thời gian có mặt ở Trung tâm, chúng tôi có dịp được trò chuyện với nhiều người là cựu thanh niên xung phong; vợ của những liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở họ là đều trải qua những tổn thương về tinh thần. Cho dù chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, nhưng những ký ức đau thương về một thời khói lửa vẫn còn vương vấn trong tâm trí họ.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên đang chăm sóc cho bà Gia Thị Nga.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên đang chăm sóc cho bà Gia Thị Nga.

“Bác ơi, con mời bác ăn cơm nhé” - tiếng điều dưỡng vang lên cắt ngang câu chuyện giữa chúng tôi. Là Nguyễn Thị Liên, điều dưỡng của Trung tâm đến giúp bà Là ăn cơm trưa.

Cẩn thận dùng khăn lau mặt và tay cho bà Là, Liên thủ thỉ: “Cơm hôm nay ngon lắm, đúng món bác thích đấy. Bác phải ăn hết cho bọn con vui nhé”. “Bố chị, chị nựng tôi như nựng trẻ con thế hả”, người đàn bà ngồi trước mặt tôi nở nụ cười ấm áp. Bất giác chứng kiến khoảnh khắc thấm đẫm tình mẹ con của hai người không chung huyết thống, tôi thấy hạnh phúc lây!

Bà Vương Thị Là, là cựu thanh niên xung phong đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Ở tuổi 20, đương độ xuân thì, với sức trẻ và hoài bão giành độc lập cho Tổ quốc luôn thôi thúc, bà xung phong vào chiến trường B - chiến trường ác liệt nhất thời kỳ đó. Trong 4 năm chiến đấu tại đây, bà đã chứng kiến nhiều mất mát, đau thương của đồng đội, đồng bào, đến giờ những ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà.

Bà Là bồi hồi nhớ lại: “Khi ấy đội của chúng tôi có 12 chị em. Một hôm trong lúc mọi người đang véo von, bỗng xoẹt một tiếng, rồi đất đá rung chuyển khắp nơi. Sau đó, tôi có gọi mọi người nhưng chỉ còn 3 người sống sót. Chiến tranh ác liệt lắm!”.

Di chứng của chiến tranh đã khiến bà Là từ người có thể đi lại, tự chủ được trở thành người bị liệt hai chân, không thể đi lại. Có người nói, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai nhưng với bà thì nó mãi là những ký ức buồn, mãi ám ảnh bà cho đến cuối cuộc đời.

Giờ đây, mọi sinh hoạt cá nhân của bà Là đều trông cả vào những người như Liên. “Mấy đứa con gái ấy là cô Tấm bước ra từ quả Thị đấy cô ạ. Chăm nom người già trái tính, trái nết mà tịnh không thấy đứa nào kêu nửa lời”, bà Là nói khi thấy tôi đang nhìn Liên sắp xếp lại các vật dụng cá nhân cho bà.

Cùng được nuôi dưỡng tại trung tâm là bà GiaThị Nga. Năm nay bà Nga đã ngoài 80, bà là vợ liệt sĩ. Bà lấy chồng được 15 ngày thì ông nhập ngũ, bà dành hết những năm tháng thanh xuân để đợi ông quay về, cuối cùng điều bà nhận được là mảnh giấy báo tử. Những năm tháng hắt hiu tuổi già, bà nhận được rất nhiều tình yêu thương của các điều dưỡng ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Điều này đã khiến bà không còn thấy lẻ loi, cô quạnh.

“Chị thấy không, niềm vui của các bác là liều thuốc tinh thần giữ tụi em ở lại đây”, Liên cười và nói. Những tiếng cười khiến không gian nơi đây trở nên khoáng đạt. Cảm giác về mất mát do chiến tranh dường như bị đẩy lùi bởi yêu thương đang lan tỏa nơi này!

Liên chia sẻ, trong quá trình chăm sóc các bác cũng có những khó khăn như có bác nằm một chỗ, không đi lại được nên nhân viên phải chăm sóc từng ly từng tý; nhiều bác lại hơi khó tính,… nhưng khi thấy các bác vui vẻ, khỏe mạnh thì Liên cảm nhận được những giá trị mà nhân viên tại Trung tâm đang đảm bảo, chăm sóc cho các bác. “Mọi người ai cũng vui vẻ khi nhìn thấy các bác khỏe mạnh, tươi vui”, Liên bộc bạch.

Liên kể, em bắt đầu vào làm việc tại Trung tâm từ năm 2013. Hỏi Liên có khi nào thấy chạnh lòng vì công việc lặp đi lặp lại hàng ngày không, Liên nhỏ nhẹ: “Có lúc cũng tủi thân, không phải vì chán chăm các bác mà vì thực hiện công việc chăm sóc nhiều hơn là thực hiện nghiệp vụ y”.

Lại hỏi nếu có một công việc mới vui hơn và thu nhập tốt hơn thì Liên có chọn không? Liên trả lời mà không đắn đo: “Thu nhập thấp nhưng được chăm sóc những người đã dành cả thanh xuân cho đất nước thì chúng em thấy vui lòng chị ạ. Những việc chúng em làm có là gì đâu so với những mất mát mà các bác đã trải qua để đổi lại cho chúng ta có được cuộc sống bình yên”.

Với Liên, được chăm sóc những người như mẹ của mình khiến cô cảm thấy mình có thể san sẻ được phần nào nỗi đau đã đeo đẳng họ. Ở thế hệ người trẻ như Liên, điều tốt đẹp đó không hẳn là nhiều bởi nó đòi hỏi hi sinh những khát vọng bản thân, cống hiến cho cộng đồng bằng công sức và trái tim nhiệt huyết.

Liên cũng chia sẻ, hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng 40 người, trong đó, có 16 người phải phục vụ toàn phần, số còn lại chủ yếu là người cao tuổi và con liệt sĩ bị rối nhiễu tâm trí, thiểu năng trí tuệ, câm điếc,… Trung tâm sắp xếp từ một đến hai người/phòng để thuận tiện cho việc phục vụ và chăm sóc sức khỏe. Các phòng ở của người có công được trang bị các đồ dùng cá nhân đầy đủ như: Tủ cá nhân có ban thờ liệt sĩ, bàn, ghế, giường, thiết bị máy điều hòa không khí, bình nước nóng, nhà tắm, nhà vệ sinh có đầy đủ các vật dụng thiết yếu.

Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng người có công thì Trung tâm còn thực hiện một công việc nữa là điều dưỡng người có công. Hàng năm, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng người có công ở nhiều địa phương, đảm bảo khoảng hơn 3.000 người có công về ăn uống, sinh hoạt tại Trung tâm.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự khốc liệt của nó vẫn hiện hữu đâu đó trong đời sống của những nữ thanh niên xung phong, những người mẹ, người vợ liệt sĩ ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Tuy nhiên giờ đây, bên “con dốc cuộc đời” họ lại không hề cô đơn, lẻ bóng mà ngược lại luôn nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo từ những sinh hoạt cá nhân đến y tế,…

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/moi-luong-duyen-dac-biet-158953.html