Mối lo lớn nhất sau thảm kịch Itaewon

8 năm sau vụ chìm phà Sewol cướp đi sinh mạng của 304 người, Hàn Quốc một lần nữa đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần hậu thảm kịch Itaewon.

Cảm giác đau thương bao trùm Hàn Quốc sau thảm kịch Itaewon.

Sự ra đi của ít nhất 156 người trong đám đông hỗn loạn vào đêm 29/10 ở Itaewon, Seoul đang ám ảnh mọi người, theo Korea JoongAng Daily.

Kim Dong-hwan đang làm việc trong một cửa hàng ở Itaewon để chuẩn bị cho lễ hội Halloween vào đêm xảy ra thảm kịch. "Từ bên trong cửa hàng, tôi chứng kiến cảnh 3 người được đưa ra ngoài. Biết tình hình nghiêm trọng, tôi và tất cả nhân viên từ các cửa hàng gần đó đã chạy ra giúp".

Kể từ ngày hôm đó, Kim cho biết anh khó ngủ vì liên tục nghĩ về những hình ảnh ghê rợn. "Những thứ tôi chứng kiến đêm đó không phải là điều tôi thấy trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đã bị sốc", thanh niên 21 tuổi nói.

Kim vô thức tránh giao tiếp bằng mắt với những phụ nữ trẻ mà anh nhìn thấy khi đi trên phố hoặc đi ăn trong nhà hàng. "Tôi có cảm giác tội lỗi khi nghĩ đáng ra mình nên đến giúp sớm hơn. Tôi có thể đã cứu được nhiều mạng người hơn", anh nói.

Đau thương bao trùm

Sang chấn tâm lý cũng đang lan rộng trong cộng đồng nói chung, những người biết về thảm họa thông qua tin tức hoặc mạng xã hội.

Một loạt các bài đăng hoặc bình luận của người dùng trực tuyến mô tả cảm giác "đau lòng" hoặc "nước mắt không ngừng rơi". Những người đến viếng tại một bàn tưởng niệm do chính quyền thành phố Seoul thiết lập cũng bày tỏ cảm xúc tương tự.

Na Wan-soo (50 tuổi), người đã đến viếng ở bàn tưởng niệm tại Seoul Plaza hôm 1/11, cho biết: "Tôi không thể ngủ trong 3 đêm qua. Các nạn nhân khiến tôi nhớ đến cháu gái của mình, cũng trạc tuổi họ".

Nhiều nạn nhân là phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20. Sự lan truyền nhanh chóng của các bức ảnh và đoạn video về thảm kịch trên mạng cũng đã lan truyền nỗi bi thương.

Những món đồ của hơn 150 người thiệt mạng trong thảm kịch.

Choi Kyong-won, nhân viên văn phòng ở quận Mapo, phía tây Seoul, cho biết: "Khi tìm kiếm tin tức trực tuyến, tôi tình cờ xem được video về cảnh tượng đó, khuôn mặt của những người đang đau khổ và những âm thanh la hét không được lọc. Tôi không thể bình tĩnh lại sau khi xem hết. Những hình ảnh đọng lại trong đầu tôi đến tận 3h sáng hôm đó".

Ở tuổi 25, Choi nhận ra mình bằng tuổi nhiều nạn nhân. "Thực tế là một thảm kịch như vậy đã xảy ra với những người trạc tuổi tôi. Điều đó thật đau đớn, giống như sự cố phà Sewol".

Choi đã xóa tất cả ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại và nói rằng cô sẽ tránh xem tin tức trong một thời gian.

Paik Jong-woo, giáo sư tâm thần học tại trường Y thuộc Đại học Kyung Hee và là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu căng thẳng chấn thương Hàn Quốc, cho biết: "Trong những thời điểm như thế này, công chúng có thể trải qua phản ứng căng thẳng được gọi là sang chấn thay thế (vicarious trauma). Có một số người đến tư vấn nói rằng họ không thể ngủ được, trong khi một số người cho biết cảm thấy khó thở khi ở một nơi đông đúc như trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm".

Ứng phó

Chính phủ đã kêu gọi người dân hạn chế đăng các bình luận căm thù hoặc chia sẻ các đoạn phim gây rối, tin đồn về thảm kịch.

Hôm 30/10, Hiệp hội tâm thần Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp cảnh báo rằng các video và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội có thể vi phạm quyền riêng tư của nạn nhân, gây đau thương cho gia đình của họ, cũng như tạo ra chấn thương tâm lý cho người xem.

Hiệp hội cũng kêu gọi các phương tiện truyền thông tuân thủ đạo đức của việc đưa tin thảm kịch và cố gắng không gây ra sự hoang mang hoặc lo lắng.

Các chuyên gia cho biết việc cảm thấy buồn bã, tức giận và đau đớn trong giai đoạn đầu sau các thảm kịch như Itaewon là điều bình thường.

"Đó là những người đồng cảm với nỗi đau buồn của người khác và chúng tôi nói với họ rằng những phản ứng như vậy là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng lo lắng nghiêm trọng kéo dài, bạn nên đến gặp chuyên gia", Paik nói.

Hàn Quốc kêu gọi người dân không chia sẻ hình ảnh đau buồn từ thảm kịch.

Theo thời gian, hơn 80% sẽ hồi phục sau những cảm giác như vậy, nhưng 10-20% còn lại, bao gồm cả những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc những người từng trải qua những thảm họa tương tự, có nguy cơ cao không thể tự hồi phục. Họ cần được giúp đỡ, phát hiện và điều trị trong giai đoạn đầu.

Trung tâm phúc lợi sức khỏe tâm thần Seoul đã thiết lập hai địa điểm tư vấn tâm lý tạm thời bên cạnh các bàn tưởng niệm nạn nhân ở Seoul Plaza và Itaewon.

Ham Hyung-hee, Giám đốc bộ phận sức khỏe tâm thần tại Seoul, cho biết: "Tang quyến và những người bị chấn thương tại hiện trường là những nhóm được ưu tiên tư vấn, nhưng những người đang trải qua chấn thương do xem tin tức cũng có thể đến. Chúng tôi sẽ sàng lọc để phân loại nguy cơ chấn thương của mọi người và giúp kết nối các nhóm có nguy cơ cao với trung tâm tư vấn địa phương nơi họ đang sống".

Các lều tư vấn, được mở từ hôm 31/10, sẽ hoạt động đến hết ngày 5/11. Trong ngày đầu, nhóm đã tư vấn cho khoảng 20 người. Thành phố cũng chuẩn bị một chiếc xe buýt tư vấn, đậu bên cạnh Seoul Plaza, có thể được sử dụng cho những người cảm thấy không thoải mái khi nói trong một không gian mở.

Người nước ngoài cũng có thể được tư vấn tâm lý. Trong số các nạn nhân có 26 công dân nước ngoài. Bộ Y tế và Phúc lợi đã thiết lập dịch vụ tư vấn điện thoại có thể liên hệ qua đường dây nóng.

Một quan chức của bộ nói với Korea JoongAng Daily: "Do số lượng thương vong lớn được báo cáo trong số người nước ngoài, cần phải hỗ trợ tâm lý cho cả tang quyến và nhân chứng nước ngoài. Người nước ngoài nói tiếng Anh có thể nhận tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại với các chuyên gia riêng, trong khi chúng tôi đang có kế hoạch hợp tác với các bộ liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ bình đẳng giới và gia đình để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người không nói tiếng Anh".

Lê Vy

Ảnh: Yonhap, AFP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-lo-lon-nhat-sau-tham-kich-itaewon-post1371339.html