Mối liên quan giữa nhiễm ký sinh trùng sốt rét và lão hóa

Một nghiên cứu cho thấy nhiễm ký sinh trùng sốt rét có liên quan đến những thay đổi về di truyền, nguyên nhân gây ra lão hóa cho con người.

Các nhà nghiên cứu đã chiết xuất vật liệu di truyền từ hơn 1.800 mẫu máu của người trưởng thành từ các quốc gia châu Phi có sốt rét lưu hành thường xuyên như Tanzania, Botswana, Ethiopia và Cameroon.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố trên tạp chí 'The Lancet Microbe' năm 2023, khoảng 70% gánh nặng toàn cầu về bệnh do muỗi truyền tập trung ở 11 quốc gia bao gồm Ấn Độ và 10 quốc gia châu Phi.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã phân tích DNA trong các tế bào bạch cầu - rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng - và đo chiều dài của telomere có ở đầu nhiễm sắc thể mang gen.

Telomere bảo vệ các đầu nhiễm sắc thể khỏi dính vào nhau hoặc bị xung đột. Cấu trúc telomere của nhiễm sắc thể cũng bị ngắn dần theo tuổi tác và điều này có thể giúp dự đoán nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lão hóa và tử vong.

"Chúng tôi nhấn mạnh vai trò của các yếu tố di truyền và môi trường ảnh hưởng đến độ dài telomere trong bạch cầu và chúng tôi đã phát hiện ra nguy cơ tiềm ẩn của bệnh sốt rét trong việc rút ngắn độ dài telomere của người dân sinh sống tại châu Phi cận Sahara", Sarah Tishkoff thuộc Đại học Pennsylvania cho biết.

Một nghiên cứu cho thấy bệnh sốt rét có thể gây ra sự phá hủy lớn các tế bào bạch cầu.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chiều dài telomere trong các tế bào bạch cầu của người trưởng thành bản địa ở những vùng có bệnh sốt rét lưu hành nặng ngắn hơn so với người trưởng thành ở những vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh sốt rét thấp.

Căn bệnh sốt rét được biết đến là nguyên nhân gây ra sự phá hủy lớn các tế bào bạch cầu. Các tác giả cho biết quá trình này cùng với việc tạo ra các tế bào mới để phục hồi sự mất mát này, có thể tạo ra một cơ chế khiến rút ngắn chiều dài của telomere.

Trong khi các nghiên cứu trước đây đã đề xuất mối liên hệ giữa nhiễm trùng sốt rét và việc rút ngắn telomere, các nhà nghiên cứu cho hay vẫn chưa biết liệu việc lặp đi lặp lại sự lây nhiễm trong suốt cuộc đời có thể ảnh hưởng lâu dài đến chiều dài telomere ở những người sống ở vùng bệnh sốt rét lưu hành hay không.

Các tác giả cũng đề cập đến việc cần có một nghiên cứu theo dõi dọc ở trẻ em và người lớn sinh sống trong các vùng có mức độ lưu hành sốt rét cao và thấp giúp cung cấp những thông tin sâu sắc hơn.

Hoàng Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-lien-quan-giua-nhiem-ky-sinh-trung-sot-ret-va-lao-hoa-169240506102357176.htm