Mỗi lá thư như một trang sử về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của gia đình Việt Nam trong kháng chiến

Trong số các hiện vật và di vật quý mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ, có hàng ngàn lá thư được viết trong thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng tôi xin được tạm gọi đó là 'Những lá thư thời chiến'.

Những lá thư được viết bằng bút mực trên giấy, khi mà xã hội còn chưa có máy tính kết nối mạng, thế giới chưa có internet và cũng chưa có điện thoại thông minh như hiện nay... Tất cả những thông tin cá nhân muốn chuyển cho nhau, những niềm thương, nỗi nhớ, những điều cần dặn dò, tâm sự... đều được gửi qua phong bì và những con tem. Phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời, mới đến được tay người nhận. Giờ đây, những lá thư ấy không chỉ trở thành di sản, mà còn là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ phụ nữ ưu tú và tiêu biểu nhất của dân tộc ta dành cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Thiên chức của người phụ nữ, sinh ra là để yêu thương, được làm vợ và làm mẹ. Điều đó, trong kháng chiến cũng được thể hiện trong mỗi lá thư họ viết cho người thân yêu của mình và ngược lại. Nhưng hơn thế, những người phụ nữ Việt Nam đã sống và yêu trong chiến tranh, họ còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ hơn nhiều lần nam giới. Các bà, các mẹ, các chị thật xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Qua cuốn sách nhỏ này, bạn đọc hẳn sẽ vô cùng xúc động khi gặp lại những lá thư thể hiện tình cảm riêng tư, bình dị của những người phụ nữ nổi tiếng, đã góp phần làm nên lịch sử Việt Nam hào hùng thời đại Hồ Chí Minh.

Đó là lá thư duy nhất của nữ tướng Nguyễn Thị Định viết, gửi cho con trai bà là Nguyễn Ngọc Minh (tức On) từ tháng 7/1959, sau khi nhận được tin người chồng thân yêu đã hy sinh ngoài nhà tù Côn Đảo. Đáng buồn là, mãi đến tháng 3/1960, lá thư này mới đến tay người nhận và chỉ hai tháng sau anh Minh cũng mất vì bệnh hiểm nghèo...

Đó là những lá thư của bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - gửi cho cháu nội, sau khi biết tin con trai mình đã hy sinh ngoài mặt trận, với những lời đầy yêu thương.

Đó là thư của chị Võ Thị Thắng - người con gái có “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng cả thế giới một thời - gửi về cho gia đình từ Côn Đảo. Trong thư của chị, tuyệt nhiên không thấy một lời nào về sự khủng khiếp của nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, mà chỉ là những lo lắng cho người thân trong nhà.

Đó còn là thư của liệt sĩ Võ Thị Tần, một trong mười nữ thanh niên xung phong huyền thoại tại Ngã ba Đồng Lộc, viết cho mẹ trước khi hy sinh: “... Ở đây vui lắm mẹ ạ, Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này...”.

Nếu như, khi đọc những lá thư của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn Thanh Hương viết cho nhau khi còn trẻ, ta hiểu thêm được nhiều điều về đời sống của văn nghệ sĩ ở miền Bắc trong thập niên 50 của thế kỷ XX; nhiều người sau này trở thành những nhà văn nổi tiếng được bạn đọc tôn vinh như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chính Hữu, Bích Thuận..., thì khi đọc những lá thư của vợ chồng Trung tướng Cao Văn Khánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Toản viết cho nhau trong kháng chiến chống Pháp, ta cũng hiểu thêm được nhiều chi tiết về đời sống của các gia đình bộ đội và tâm tư, tình cảm của họ. Chính những điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần, vượt qua khó khăn, gian khổ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Và còn nhiều, rất nhiều những trang viết riêng tư, đời thường, nhưng vô cùng chân thực và xúc động. Mỗi người cất lên một tiếng nói, một quan niệm về tình yêu, hạnh phúc và gia đình khác nhau, không ai giống ai, nhưng đều có một điểm chung là tô thắm thêm truyền thống “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm.

Là người có chút ít kinh nghiệm trong việc sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, xuất bản Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” và có duyên với mảng tư liệu đề tài này; tôi vinh dự nhận lời mời của Ban Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, về việc tư vấn biên soạn và viết lời giới thiệu cho cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế.

Ý tưởng và công việc được khởi xướng từ mấy năm trước. Đi từ không đến có, sau một thời gian nỗ lực thực hiện, bản thảo Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế đã dần hình thành. Đó là sự cố gắng rất lớn của một nhóm cán bộ đang làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Họ - những người biên soạn sách không chuyên, nhưng đầy trách nhiệm và đam mê.

Trên tinh thần tôn trọng tối đa hiện vật văn bản gốc, trong khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi chỉ sửa chữa phần viết sai chính tả và viết hoa của một số tác giả. Ở một số thư, chúng tôi vẫn để nguyên phương ngữ vùng, miền và văn nói do thói quen khi viết của mỗi tác giả. Chúng tôi cũng đã cố gắng dùng thống nhất ký tự gạch chéo (/), khi viết ngày tháng năm, chứ không gạch ngang (-), hoặc chấm (.). Vấn đề viết tắt được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, do thói quen của từng tác giả và cả vấn đề riêng tư mà chỉ người viết và người nhận hiểu được, nên trong một số thư nhiều nhân vật, sự kiện vẫn để chữ viết tắt. Do thời gian, mưa nắng và chữ viết trên giấy đã nhiều chục năm, nên một số thư đã bị nhòe mờ, mất chữ... chúng tôi mở ngoặc đơn ghi chú (mất chữ).

Để giúp bạn đọc hiểu được từng tác giả bức thư trong cuốn sách, chúng tôi đã cố gắng biên soạn giới thiệu tóm tắt những đặc điểm nổi bật nhất về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp cho lịch sử, truyền thống phụ nữ Việt Nam nói riêng và cách mạng nói chung của từng tác giả, không phân biệt họ từng là lãnh đạo cao cấp, hay chỉ là một phụ nữ bình dị và đời thường.

Cũng để tạo sự hấp dẫn, cuốn hút cho bạn đọc với mỗi nội dung thư, chúng tôi đã cố gắng đọc và trích dẫn những câu, đoạn ấn tượng, độc đáo nhất làm tít phụ và “sa pô” cho từng tác giả và tác phẩm độc lập.

Chúng tôi rất mừng vì cuốn sách được dịch và in song ngữ Việt - Anh. Như thế, không chỉ bạn đọc Việt Nam mà cả bạn đọc trên thế giới cũng có thể dễ dàng tiếp cận với tác phẩm.

Tuy nhiên, ấn phẩm mà bạn đọc đang có trên tay là bản in lần thứ nhất, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong được các tác giả, thân nhân tác giả đã đóng góp tư liệu và độc giả gần xa góp ý, bổ sung, để khi tái bản, cuốn sách sẽ đầy đủ hơn và phục vụ bạn đọc tốt hơn nữa.

Hà Nội, xuân Giáp Thìn - 2024

Đ.V.H

Trái tim người lính

Nhà văn Đặng Vương Hưng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/moi-la-thu-nhu-mot-trang-su-ve-cuoc-song-tinh-yeu-va-hanh-phuc-cua-gia-dinh-viet-nam-trong-khang-chien-a23297.html