Mỗi địa phương một sản phẩm

Trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa muốn tiêu thụ được phải có sức cạnh tranh, hàng phải tốt, giá hợp lý. Sản phẩm du lịch lại cần sự độc đáo, không tìm thấy, không mua được tại bất cứ vùng, miền nào. Mỗi địa phương một sản phẩm cũng yêu cầu đạt những tiêu chuẩn như thế.

Chuyện đầu tiên là xác định sản phẩm của mỗi địa phương như thế nào. Xét rộng ra, trên thế giới, mỗi dân tộc sinh sống ở một địa vực nhất định. Những địa vực đó có sự khác nhau về điều khiện tự nhiên đất đai, khí hậu… Quá trình lao động để tồn tại, mỗi dân tộc sáng tạo nên những nền văn minh khác nhau. Người Mông Cổ cư trú nơi thảo nguyên mênh mông sản sinh văn minh du mục; người Việt Nam cư trú ở vùng nhiệt đới sông nước với những đầm lầy trung du và đồng bằng châu thổ làm nên văn minh lúa nước... Xét trong phạm vi hẹp, con người ở mỗi địa phương cần nghiên cứu đặc điểm địa chất, địa hình, khí hậu, thời tiết nơi mình ở để xem trồng loài thực vật nào, nuôi loài động vật nào là thích hợp, ví như gà đồi, vải thiều Bắc Giang, soài Sơn La…

Rất nên tìm hỏi người cao tuổi chỉ bảo cho biết xa xưa làng mình, bản mình có nghề gì, sản phẩm gì nổi tiếng. Nếu đã bị mai một hoặc thất truyền thì làm thế nào để phục hồi. Cần chú ý đến những chỉ dẫn về đặc sản mỗi địa phương trong ca dao, tục ngữ, truyện dân gian kiểu như “Húng Láng, tương Bần”, “Cá đồng Châm, mầm chùa Trò, bò trại Chuối”, “Chè Sinh Long, mật ong Sơn Phú”…

Tiến hành sản xuất thử nghiệm sản phẩm đã xác định với qui mô nhỏ để nếu chưa thành công sẽ đỡ lãng phí nguyên liệu, công sức. Song phải luôn tâm niệm điều “vạn sự khởi đầu nan”, xem thất bại là chuyện bình thường. Chấp nhận thất bại không chỉ một lần mà có thể nhiều lần. Sau mỗi thất bại thì bình tĩnh tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Không ngẫu nhiên mà người xưa có được công thức chế biến thức ăn tưởng như đơn giản qua ca dao “Con gà cục tác lá chanh/ con lợn ủn ỉn mua hành tôi”. Chắc phải trải qua không biết bao nhiêu lần cho những gia vị khác nhau vào thịt gà, thịt lợn đều ăn không ngon, hoặc phải bỏ đi. Sau cùng mới tìm được thứ gia vị truyền cho đời sau như thế.

Thực tế cho thấy, một sản phẩm chế biến càng sâu, càng mất nhiều công sẽ đem lại giá trị gia tăng càng cao. Cũng hạt gạo nếp đem đồ thành xôi ngon hơn nấu cơm. Xôi giã thành bánh dầy thì càng ngon. Rượu chưng cất hai lần, rồi hạ thổ 100 ngày dường như độc tố được khử hết...

Sau thử nghiệm đạt kết quả là tổ chức sản xuất hàng hóa đưa ra thị trường. Đến khâu này rồi vẫn phải thận trọng tính toán số lượng hợp lý, tránh hàng bị ế. Nhưng cũng không để rơi vào cảnh như ở Lễ hội Động Tiên năm nào. Có người trưng ra một cái ang nhỏ thả mấy chục con cá suối, khi khách hỏi mua thì chủ hàng trả lời không có bán.

Ngày nay quảng cáo sản phẩm là khâu không thể thiếu. Tuy nhiên nên lưu ý người Việt vẫn còn tâm lý “ngọc lành ai nỡ bán rao”, cho rằng, hàng dở mới đem quảng cáo. Vậy nên biếu, tặng người thân, bạn bè. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đó là “kênh” quảng cáo được người tiêu dùng tin cậy nhất.

Làm ra sản phẩm tốt đã khó, đảm bảo chất lượng lâu dài càng khó. Nên giữ số lượng ở mức độ hợp lý. Chẳng hạn như không nên mở rộng diện tích trồng cam ở Hàm Yên ra những nơi thổ nhưỡng không thích hợp với loại cây có múi này. Phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin, ở một làng trồng dưa đặc sản, mỗi mùa họ chỉ bán ra thị trường năm nghìn quả không hơn không kém. Tất nhiên là dưa luôn đảm bảo chất lượng và có giữ giá cao. Kinh nghiệm này ta có thể tham khảo, nhất là khi sản phẩm được làm ra từ đơn vị làng, bản, xã, phường.

Với tinh thần sáng tạo khởi nghiệp tin chắc làng bản, xã, phường nào cũng sẽ tìm ra sản phẩm độc đáo mang thương hiệu của địa phương mình, qua đó tăng thu nhập cho người dân.

Phù Ninh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/goc-nhin/moi-dia-phuong-mot-san-pham-133568.html