Mối đe dọa mới trên Thái Bình Dương

Bên cạnh cam kết hợp tác sâu rộng về phòng thủ mạng (một vấn đề ngày càng được đổ lỗi là do Trung Quốc gây ra), Mỹ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các khu vực huấn luyện quân sự của Australia, các trang thiết bị có sẵn, các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Australia, và xây dựng các lựa chọn cho các hoạt động quân sự chung mới trong khu vực.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến San Francisco để gặp các đồng cấp của mình đến từ Australia. Các cuộc gặp này diễn ra nhân dịp kỷ niệm hiệp ước quốc phòng song phương ANZUS, ký cách đây 60 năm tại công viên Presidio ở San Francisco. Hiệp ước này được ký ngay trước Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các đồng minh đang bị kẹt trong cuộc chiến đẫm máu chống lại quân đội Trung Quốc tại Triều Tiên. Cuộc gặp trong tuần này là một nỗ lực nhằm cập nhật thỏa thuận quốc phòng trên, với việc Trung Quốc một lần nữa bao trùm các cuộc thảo luận.

Sau 6 thập kỷ, cuộc Chiến tranh Triều Tiên dường như vẫn có ảnh hưởng mạnh đối với vị thế của các lực lượng quân đội Mỹ tại Đông Á. Các lực lượng hải, lục, không quân của Mỹ vẫn tập trung tại Nhật Bản và Hàn Quốc ở Tây Bắc Thái Bình Dương, có vẻ tập trung đề phòng nguy cơ tái diễn chiến tranh tại Triều Tiên. Tình trạng chiến tranh tại CHDCND Triều Tiên suốt từ năm 1950 đến nay đòi hỏi một sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xây dựng một cấu trúc nền tảng để hỗ trợ cho việc huy động lực lượng thường trực này.

Nhưng sức mạnh ngày càng gia tăng của Không quân và Hải quân Trung Quốc, cũng như thái độ xác quyết của nước này trong các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông dường như đang đẩy sứ mệnh quốc phòng quan trọng nhất của Mỹ lùi xuống phía Nam 2.000 hải lý tính từ nơi các lực lượng của Mỹ đang tập trung trong khu vực. Sự bất cân xứng này có lẽ sẽ được nhắc tới trong cuộc gặp các bộ trưởng Mỹ và Australia tại San Francisco.

Ảnh minh họa: presstv.ir

Bên cạnh cam kết hợp tác sâu rộng về phòng thủ mạng (một vấn đề ngày càng được đổ lỗi là do Trung Quốc gây ra), Mỹ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các khu vực huấn luyện quân sự của Australia, các trang thiết bị có sẵn, các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Australia, và xây dựng các lựa chọn cho các hoạt động quân sự chung mới trong khu vực.

Động thái tăng cường trong hợp tác quân sự với Australia này diễn ra sau các nỗ lực ngoại giao tương tự của Mỹ quanh biển Đông. Năm 2005, Mỹ và Singapore đã ký một thỏa thuận khung chiến lược về hợp tác quân sự, văn bản được đã nâng cấp trong năm nay thành thỏa thuận huy động các tàu chiến ven biển mới của Hải quân Mỹ tại Singapore. Việc này sẽ tăng khả năng Hải quân Mỹ hỗ trợ các cuộc tập trận huấn luyện quân sự đa phương thường niên mà họ đứng đầu cùng với các đối tác xung quanh biển Đông.

Tuy nhiên, Washington dường như đang có cách tiếp cận rất khác tại Tây Nam Thái Bình Dương. Khác với thỏa thuận giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, các thỏa thuận mới với Australia và Singapore cũng như các thỏa thuận nhỏ hơn với Philippines và các nước khác trong khu vực không đòi hỏi các đơn vị chiến đấu của Mỹ phải đồn trú thường trực tại các nước này. Cả Mỹ và các đối tác trong khu vực đều có lợi trong việc duy trì "sự hiện diện sớm" của các lực lượng quân đội Mỹ trong khu vực. Nhưng các căn cứ quân sự thường trực và các đơn vị đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu bị dỡ bỏ, đặc biệt ở Okinawa, nơi người dân địa phương ngày càng phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ. Hơn nữa, các hạn chế về khu vực huấn luyện tại Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm suy giảm mức độ sẵn sàng của các lực lượng Mỹ tại các nước này và giảm lợi ích của sự hiện diện các lực lượng này.

Mô hình mà các nhà hoạch định Mỹ muốn có với Australia, Singapore, và xung quanh biển Đông bao gồm các cuộc diễn tập huấn luyện định kỳ và thường xuyên, sự tiếp cận tạm thời với các cơ sở hạ tầng của nước chủ nhà, và các cuộc tham vấn thường xuyên giữa các sĩ quan và cố vấn. Đối với các cuộc diễn tập huấn luyện hoặc trong trường hợp đối phó với khủng hoảng, các lực lượng Không quân và Lục quân Mỹ sẽ bay tới trước và sử dụng các trang thiết bị có sẵn, sau đó các lực lượng Hải quân sẽ được huy động. Phương pháp này giúp tránh các va chạm chính trị mà Mỹ từng gặp phải tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cho phép binh lính Mỹ vẫn đóng tại các căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Mỹ, nơi họ có cơ sở hạ tầng tập huấn tốt hơn và được tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống của họ và gia đình.

Phương pháp cung cấp an ninh mới này cho khu vực Tây Nam Thái Bình Dương vẫn hầu như là trên lý thuyết và sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng nếu các lực lượng của Trung Quốc đe dọa khả năng tiếp cận dễ dàng của Mỹ vào khu vực này. Nhưng nếu mô hình này thành công, nó có thể đặt câu hỏi về tính hữu dụng của việc duy trì các lực lượng đồn trú hiện nay tại Okinawa và Hàn Quốc - những lực lượng trong mọi trường hợp ngày càng không thể cố thủ được khi mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc gia tăng. Bí quyết cho các chiến lược gia quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ sẽ là áp dụng mô hình huy động lực lượng mềm dẻo hơn này trong khi vẫn bảo đảm an ninh chắc chắn như trước đây cho tất cả các đối tác trong khu vực mà Mỹ cam kết an ninh. Khi các sức ép gia tăng, bí quyết này có thể dễ dàng phát huy tác dụng.

Phải mất 20 giờ trong tuần này lực lượng cảnh sát Afghanistan và liên quân mới đánh bại được các phần tử Taliban nổi dậy tấn công một số căn cứ quan trọng ở ngoại ô Kabul, trong đó có khu Đại sứ quán Mỹ. Đại sứ Mỹ Ryan Crocker mô tả vụ tấn công này "không phải là vụ gì ghê gớm lắm", trong khi tư lệnh quân đội của liên quân, Tướng John Allen thừa nhận Taliban "đã thắng trong chiến dịch thông tin liên quan đến vụ này". 11 dân thường Afghanistan và 4 sĩ quan cảnh sát thiệt mạng; 10 phiến quân bị tiêu diệt trong cuộc giao tranh.

Dù vụ tấn công không thể hiện sự thành thạo của Taliban cũng như không gây tác động kéo dài, nhưng nó đã đặt ra câu hỏi về việc liệu nỗ lực huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan có đi đúng đường hay không. Tuần trước, Rand Corp. vừa công bố tài liệu "Hỗ trợ lực lượng an ninh tại Afghanistan", một nghiên cứu chi tiết về chương trình huấn luyện và các bài học rút ra cho các nỗ lực huấn luyện quy mô lớn trong tương lai. Báo cáo này nói về các thách thức lớn trong trường hợp Afghanistan và nêu một số gợi ý để cải thiện chương trình trên.

Lầu Năm Góc và phần còn lại của Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng hiểu thêm nhiều về công tác hỗ trợ lực lượng an ninh từ Afghanistan. Có một sự gần như đồng thuận trong giới hoạch định chính sách rằng các chương trình hỗ trợ thành công ở bất cứ đâu trên thế giới nên là một cách hiệu quả và không tốn kém nhằm tránh xung đột, đồng thời giảm khả năng can thiệp quân sự của Mỹ trong tương lai. Vấn đề đối với Lầu Năm Góc là liệu trường hợp Afghanistan, với mức độ khó cao của nó, có là kịch bản tiêu chuẩn mà các lực lượng Mỹ đang chuẩn bị hay không.

Trong quá trình nghiên cứu, các tác giả ở Rand Corp. đã tìm ra một loạt nhược điểm của chương trình hỗ trợ lực lượng an ninh tại Afghanistan. Nghiên cứu này được tiến hành năm 2009, đúng lúc chính sách của Mỹ tại Afghanistan đang được kiểm tra xem xét lại toàn bộ, trong khi có nhiều thay đổi trong giới lãnh đạo và một sự pha trộn lớn giữa quân đội, trang thiết bị và tiền tăng viện. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nỗ lực hỗ trợ tại Afghanistan thiếu sự kết nối chặt chẽ với những đòi hỏi an ninh hiện nay ở nước này, thiếu các biện pháp thích hợp để đạt tiến bộ, và không bù đắp tốt các khả năng còn yếu của phần còn lại trong chính phủ Afghanistan. Dù có nhiều thách thức lớn trong việc huấn luyện một lực lượng quân đội bản địa tại Afghanistan, nhưng phải thừa nhận là đã có nhiều tiến bộ từ năm 2009, một vài trong số này có thể là nhờ sự tương tác giữa các nhà nghiên cứu với các huấn luyện viên tại Afghanistan.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ rất hy vọng sử dụng công tác hỗ trợ lực lượng an ninh để xây dựng khả năng răn đe khu vực, giúp các đối tác đề phòng nổi dậy và tình trạng vô kỷ luật, và giảm các đòi hỏi đối với lực lượng Mỹ trong an ninh toàn cầu. Hỗ trợ lực lượng an ninh và huấn luyện phòng thủ nội địa là các nhiệm vụ bình thường đối với các lực lượng tác chiến đặc biệt. Nhưng các đòi hỏi huấn luyện tại Afghanistan và Iraq lớn đến nỗi các lực lượng thông thường phải nỗ lực hết sức. Quân đội Mỹ đã thiết lập học thuyết mới và viết các cuốn hướng dẫn huấn luyện dành cho các đơn vị tác chiến thông thường được giao các nhiệm vụ hỗ trợ.

Nhưng ngân sách của Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm mạnh, với việc quân đội sẽ phải giảm mạnh về cả cấu trúc lực lượng và rất có thể cả ngân sách huấn luyện (trên thực tế, nỗ lực hỗ trợ tại Afghanistan sẽ bị cắt giảm). Quân đội hình dung ra các lực lượng tác chiến của mình thành thạo "các chiến dịch tổng thể", từ các cuộc tấn công với cường độ cao tới việc đảm bảo "an ninh khu vực rộng", gìn giữ hòa bình, hỗ trợ chính quyền dân sự, và hỗ trợ lực lượng an ninh.

Nhưng sự cắt giảm nguồn nhân lực và tài chính cho công tác huấn luyện sẽ đòi hỏi các sĩ quan lập ưu tiên và đưa ra các lựa chọn. Liên quan đến hỗ trợ lực lượng an ninh, các lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ phải đưa ra một đánh giá về việc phải sử dụng bao nhiêu nguồn lực huấn luyện để chuẩn bị cho các đơn vị tác chiến thông thường trên mặt đất phục vụ công tác huấn luyện. Liệu các nhà hoạch định chính sách đã dự báo được "khả năng xấu nhất" cho kịch bản hỗ trợ tại Afghanistan, đòi hỏi các nguồn lực huấn luyện vượt quá khả năng của các lực lượng tác chiến đặc biệt hay chưa? Nếu như vậy, họ còn sẵn sàng mạo hiểm trong những lĩnh vực thông thường nào khác?

Trong thập kỷ qua, binh lính Mỹ đã học được rất nhiều về việc huấn luyện các lực lượng an ninh bản địa. Kỹ năng hỗ trợ lực lượng an ninh là tài sản chính của Mỹ giống như tàu sân bay, máy bay tiêm kích và tên lửa. Và kỹ năng này sẽ phải cạnh tranh với các tài sản khác kia trong bối cảnh bóng đen suy giảm ngân sách./.

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-04-09-moi-de-doa-moi-tren-thai-binh-duong