Mỗi cm2 da có khoảng một triệu vi khuẩn

Làm sạch cơ thể là nhu cầu chính đáng, việc làm này giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đáng tiếc, nhiều người bị ám ảnh sự sạch sẽ, khiến làn da chịu tác động xấu.

Việc tắm nhiều lần trong ngày gây mất nước, mất cân bằng độ ẩm, gây hại cho da. Ảnh: HITA.

Chi Người tiến hóa lần đầu xuất hiện ở châu Phi vào 2,5 triệu năm trước. Hai triệu năm trước, loài người đã mở rộng phạm vi của mình từ châu Phi đến châu Âu. Và 200.000 năm trước, Người tinh khôn đã xuất hiện ở Đông Phi. Mãi đến 70.000 năm trước, chủng tộc người tinh khôn mới bắt đầu mở rộng phạm vi ra ngoài châu Phi.

Chúng ta chỉ mới bắt đầu định cư ở Mỹ khoảng 16.000 năm trước. Cuộc cách mạng nông nghiệp, khi chúng ta lần đầu tiên thuần hóa được thực vật và động vật, mới chỉ diễn ra 12.000 năm trước. Phải đến tận 5.000 năm trước mới xuất hiện vương quốc đầu tiên, hệ thống ngôn ngữ viết và việc sử dụng tiền tệ để giao dịch.

Giờ hãy cùng nhìn nhận thực tế rằng làn da đã có từ trước tất cả sự kiện trên. Suy nghĩ đó thật đáng chú ý, nhưng các nguyên tắc cơ bản về cách thức vận hành của làn da cũng giống nguyên tắc cơ bản của tất cả cơ quan sinh học khác, như tim hay não, và chúng đều đi trước sự phát triển của nhân loại.

Khi chi Người xuất hiện, nguyên tắc tiến hóa đã có ý tưởng chung về cách bảo vệ các bộ phận bên trong quan trọng như cơ bắp và máu để cơ thể của động vật có vú không bị tràn ra môi trường, đồng thời vẫn có thể truyền tải thông tin về thế giới xung quanh đến não và thẩm thấu được những thứ như nước, dầu và muối.

Thế có nghĩa là da đã tồn tại khoảng hơn 2,5 triệu năm. Và trong phần lớn thời gian, chúng ta chẳng tác động nhiều đến nó. Có thể ta có bôi một chút bùn lên mặt để ẩn náu kín đáo hơn trong bụi rậm khi theo dõi con mồi.

Có thể ta cũng nhảy xuống sông hay hồ trong ngày nóng nực. Nhưng phần lớn con người quá bận rộn tìm cách kiếm đồ ăn để cho vào miệng hơn là quan tâm đến việc làn da của mình có “tỏa vầng hào quang của tuổi trẻ” không.

Và bạn có hình dung được không? Làn da đã vận hành tương đối tốt. Lớp biểu bì tồn tại trong tình trạng bị bỏ bê một cách tích cực. Tế bào da chết, bong ra và trở thành bụi.

Vi khuẩn xâm chiếm da cho đến khi da trở thành nơi cư trú cho khoảng một triệu vi khuẩn trên một centimet vuông, với con số khổng lồ khoảng 158 loại vi khuẩn khác nhau tồn tại trên một lòng bàn tay người bình thường. Chúng ta có mùi cơ thể, tất nhiên, nhưng mùi đó bao gồm cả pheromone (có thể hiểu là mùi hương hấp dẫn bạn tình) giúp ta thu hút người khác giới để có thể duy trì nòi giống.

Vậy do đâu mà chúng ta phát triển những ý tưởng về vệ sinh và sạch sẽ như hiện nay, và vì sao mà mọi chuyện lại trở nên hỗn loạn đến mức này?

Cuốn sách Để yên cho da khỏe đẹp mang đến nhiều lời khuyên hữu ích từ chuyên gia. Ảnh: H.H.

Không nhiều người hiểu rõ về diễn biến đầu tiên của chủ đề này như Valerie Curtis, Giám đốc Trung tâm vệ sinh của trường Vệ sinh & Y học nhiệt đới London. Trong báo cáo của mình, Curtis đã mô tả “vệ sinh” là bất cứ hành vi nào giúp chúng ta “tránh được nguy cơ bị kí sinh trùng xâm nhập.”

Trong thực tế, bà lập luận rằng hành vi vệ sinh đã có trước cả sự tiến hóa của loài người. Curtis tin rằng những hành vi này có từ ít nhất 600 triệu năm về trước, với nhiều loại sinh vật cơ bản như giun tròn, để tránh vi trùng gây bệnh có tên Bacillus thuringiensis.

Curtis đã khám phá ra rằng rất nhiều loài sinh vật cơ bản trên mặt đất khác cũng thực hiện hành vi vệ sinh. Bà viết rằng loài kiến “tự kỳ cọ cho mình để loại bỏ các tác nhân gây bệnh nấm” và cách ly những con kiến đã chết hay bị nhiễm bệnh. Ngay cả các sinh vật dưới nước, chẳng hạn như một vài loại tôm hùm, cũng sẽ tránh những cá thể có dấu hiệu bệnh tật.

Curtis tin rằng tất cả loài động vật có xương sống đều có các hành động kỳ cọ mà chúng ta gắn liền với khái niệm vệ sinh. Bà cũng chỉ ra cách nòng nọc của loài ễnh ương cách ly những con nòng nọc có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Phần lớn động vật có vú, cá và chim đều tự cọ rửa để loại bỏ ký sinh trùng sống trên da, vảy và lông của mình. Và muôn loài, từ chim chóc đến động vật ăn cỏ như cừu, tuần lộc và tuần lộc Bắc Mỹ đều có xu hướng hành động để tránh cho đồ ăn của mình khỏi bị lẫn với chất thải của cơ thể.

Tất nhiên, chẳng có ai dạy những sinh vật này về các hành vi đó. Các tập tục tự tiến hóa, hay, theo cách Curtis đã lựa chọn từ ngữ rất thông minh, là “quá trình tiến hóa dai dẳng và chậm rãi chính là giáo viên của chúng”.

Các gen đóng góp vào “bản năng vệ sinh tốt” có thể nhân lên, trong khi các gen dẫn đến hành vi có thể khiến sinh vật nhiễm bệnh tự bị loại bỏ. Vệ sinh sạch sẽ có vẻ như là một nhu cầu bẩm sinh mang tính tiến hóa của tất cả muôn loài.

Tất nhiên, con người cũng thể hiện nhu cầu cấp thiết mang tính tiến hóa này như bất cứ loài sinh vật nào khác, thậm chí còn hơn. Trong xã hội hiện đại, chúng ta luôn có nhu cầu tắm rửa và làm sạch. Vấn đề là, chúng ta đã đi quá xa.

Sandy Skotnicki & Chrsitopher Shulgan/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-cm2-da-co-khoang-mot-trieu-vi-khuan-post1455046.html