Mời Bộ Công an vào giám sát thu phí BOT

Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Cục thuế các địa phương sẽ tham gia giám sát thu phí BOT.

Đó là đề xuất của Tổng cục đường bộ VN trong văn bản cụ thể do ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng ký trình lên Bộ GTVT, ngày 9/11.

Cụ thể, văn bản nêu rõ, để đảm bảo tính minh bạch và phòng chống tiêu cực, chống thất thu, tránh gian lận trong hoạt động thu phí. Tổng cục ĐBVN báo cáo và đề xuất với Bộ GTVT cho phép Tổng cục ĐBVN chủ trì, mời Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Cục thuế các địa phương tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí đối với các Trạm thu phí BOT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kính đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo và chấp thuận đề xuất.

Bên cạnh đó, Tổng cục đường bộ cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí đối với các Trạm thu phí BOT.

Tổng cục đường bộ mời Bộ Công an vào giám sát thu phí BOT

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát: 09 Trạm thu phí, trong đó đã báo cáo kết quả về Bộ GTVT: 08/09 Trạm; 01/09 Trạm đang kiểm tra, giám sát (Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 51 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai).

Trước đó, tại Dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ của Bộ GTVT có nêu rõ: "Các đơn vị thu phí để xảy ra gian lận phí sử dụng đường bộ, biển thủ tiền phí hoặc tự ý can thiệp vào hệ thống công nghệ giám sát, quản lý thu phí, hệ thống kiểm tra tải trọng nhằm gian lận doanh thu phí thì trạm thu phí cũng được tạm dừng để thu phí".

Thậm chí, Thanh tra Bộ KH-ĐT đã tiến hành thanh tra chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT trên QL1A. Qua thanh tra đã phát hiện ra khá nhiều yếu kém của các cơ quan quản lý, khiến nhiều dự án BOT bị kê khống, khai khống vốn.

Điển hình như tại Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát, khi được lập bằng nguồn vốn ngân sách thì tổng mức đầu tư của dự án trên chỉ là 1.937 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang “tay” BOT thì tổng mức đầu tư của dự án trên lập tức đã tăng lên con số 3.627 tỷ đồng, dù quy mô đã được thu hẹp lại.

Đây là thực trạng không mới, rất nhiều chuyên gia giao thông đã chỉ rõ, hiện tại, các dự án BOT tăng vốn “khủng” so với thực tế, cũng có nghĩa là thời gian thu phí của nhà đầu tư sẽ được kéo dài. Còn người dân, doanh nghiệp thì tiếp tục phải “còng lưng” cõng phí vì những khoản kê khống của nhà đầu tư.

Bởi vì những dự án đi vào thu phí khi chưa được quyết toán xong, nên việc tính sai, tính thừa ở bước lập tổng mức đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đây là thực trạng không thể chấp nhận được.

“Ngay cả Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà mới đây khi trả lời báo chí cũng nói rằng, có nhà đầu tư nói một ngày chỉ thu được 1 tỷ, nhưng dư luận phản ánh là thu được đến 3- 4 tỷ đồng.

Như thế là mức chênh lệch rất khủng khiếp, các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, làm rõ, chứ cứ đề mờ mờ, ảo ảo như hiện nay thì chỉ có lợi cho nhà đầu tư, còn người dân và doanh nghiệp rất thiệt thòi”.

Chính vì thế, ngày 2/3, cũng tại cuộc họp về tiến độ triển khai thu phí không dừng do Bộ GTVT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, “việc thu phí qua các trạm BOT bằng thủ công như hiện nay rất lèm nhèm, thiếu minh bạch”.

Ngoài ra, việc thu phí thủ công cũng khó kiểm soát, như kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ VN tại trạm thu phí bắc Thăng Long - Nội Bài cho thấy hệ thống dữ liệu thu phí bị lỗi, cơ quan chức năng không thể hậu kiểm việc thu phí.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/moi-bo-cong-an-vao-giam-sat-thu-phi-bot-3322672/