Mộc Hạ - căn cứ kháng chiến xưa và nay

Mộc Hạ là vùng đất rộng lớn gồm 6 xã: Chiềng Khoa, Tô Múa, Mường Men, Quang Minh, Mường Tè và Song Khủa của huyện Vân Hồ. Ngoài những thuận lợi có tính chiến lược quân sự, vùng Mộc Hạ còn có những điều kiện cơ bản về cơ sở xã hội, có thể sản xuất tự túc, tự cấp, đảm bảo yêu cầu thiết yếu cho cuộc sống, duy trì chiến đấu, vì vậy, Tỉnh ủy Sơn La lựa chọn làm cơ sở xây dựng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Mô hình nuôi cá lồng ở xã Mường Tè, huyện Vân Hồ.

Vùng Mộc Hạ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, đáp ứng được yêu cầu xây dựng căn cứ địa cách mạng, bởi từ đây có thể sang Thanh Hóa qua bản Chiềng (xã Lóng Luông hiện nay) hoặc sang huyện Mai Châu, Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình. Từ Mộc Hạ, dọc sông Đà lên một đoạn ngắn đến bến Nhạc có đường sang Xuân Đài, Thu Cúc, tỉnh Phú Thọ, thuận lợi cho việc liên lạc với chiến khu Việt Bắc (nơi đầu não kháng chiến của Đảng ta).

Cụ Hà Văn Định, bản Nà Pa, xã Mường Men, năm nay đã hơn 90 tuổi, một trong 35 chiến sỹ du kích của xã Mường Men năm xưa, kể lại: Với mục đích tổ chức cuộc tập kích qui mô lớn vào Mộc Hạ, nhằm đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh, từ ngày 16/3/1951, địch tập trung quân ở các châu phía Bắc dồn về Vạn Yên và Mộc Lỵ. Ngày 28/3/1951, địch tổ chức cuộc tổng càn quét vào khu tự do Mộc Hạ với nhiều mũi tấn công. Lúc này, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất đang diễn ra tại xã Mường Men. Ngày 3/4/1951, Trung đội 78 thuộc Đại đội 310 phối hợp với du kích Quang Minh, Song Khủa, Mường Tè, Quy Hướng chặn đánh bọn địch từ suối Rút lên bản Pảng, quân địch tháo chạy lên Mường Khoa. Đại đội 428 phối hợp với du kích bám sát địch, tổ chức phục kích, bắn tỉa ở khu vực Mường Khủa, Bó Bụt, Nà Bai.

Trước tình thế bị quân ta liên tiếp tấn công và tiêu diệt nhiều sinh lực, quân địch phải rút lui. Các toán địch đi đến đâu cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích. Với cách đánh linh hoạt, dũng cảm, suốt 17 ngày đêm kiên cường chống càn, quân và dân khu du kích đã chặn đánh trên 30 trận lớn nhỏ, đẩy lùi bước tiến của địch ở tất cả các hướng, gây cho địch nhiều thiệt hại. Mặc dù địch tập trung càn quét ác liệt, nhưng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất tiến hành từ ngày 20/3 đến 2/4/1951 vẫn tổ chức thành công. Đại hội đã đánh giá quá trình vận động và lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ từ khi thành lập tới lúc này; đề ra phương hướng nhiệm vụ, phương pháp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Sơn La trong thời kỳ tới. Đại hội đã bầu 7 đồng chí vào Ban Chấp hành và 2 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Bùi Thọ Chuyên được bầu làm Bí thư Tỉnh, đồng chí Trần Quyết được điều động về Liên khu ủy Việt Bắc.

Về thăm lại khu căn cứ cách mạng năm xưa, nhưng câu chuyện về di tích lịch sử hang Pông (căn cứ của đội du kích Pơ Tào năm xưa) hay sự kiện “Hũ rượu ngàm bản Lòm và đội du kích Pơ Tào”... vẫn còn lưu giữ. Ngày đó, nhân dân bản Lòm đã làm cơm và dùng rượu ngâm củ ngàm (loại củ rừng có chứa độc tố) cho chúng uống say, sau đó đi báo cho đội du kích Pơ Tào đến cướp súng, đội du kích Pơ Tào dưới sự chỉ huy của ông Quách Công Đăm đã tấn công địch, diệt 1 tên quan Pháp, một số tên bị thương phải rút chạy, ta thu 10 khẩu súng, 100 viên đạn. Sự kiện “hũ rượu ngàm bản Lòm và đội du kích Pơ Tào” đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân trong tỉnh đứng lên chống giặc giải phóng quê hương.

Khu căn cứ Mộc Hạ hôm nay đang từng ngày thay đổi, cuộc sống người dân nơi đây ngày càng no ấm, nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng từ đường giao thông, trạm y tế đến trường lớp học. Đến nay, đã có 2 xã Tô Múa, Chiềng Khoa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; 4 xã hoàn thành từ 11-13 tiêu chí. Hiện, cả 6 xã khu Mộc Hạ đã có đường ô tô đến trung tâm xã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, tham quan du lịch của du khách và nhân dân nơi đây...

Chiềng Khoa nổi tiếng với Lễ hội Hoa Ban được phục dựng, thác nước Nàng Tiên ngày càng thu hút khách du lịch. Còn Tô Múa với những đồi chè uốn lượn đang vào vụ thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân. Tiếp đến các xã Mường Tè, Quang Minh luôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, với những ngôi nhà sàn khang trang, nơi lưu giữ những kỷ niệm của các thế hệ cha ông bên dòng sông Đà đẹp như tranh.

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Với mục đích bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ, tháng 8/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể di tích khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ, phạm vi gồm 9 điểm di tích lịch sử nằm trên địa bàn 6 xã: Quang Minh, Mường Tè, Song Khủa, Chiềng Khoa, Mường Men, Tô Múa của huyện Vân Hồ. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng dân tộc, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, tham quan du lịch của nhân dân phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Vân Hồ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng căn cứ cách mạng Mộc Hạ nói riêng và huyện Vân Hồ nói chung.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/moc-ha--can-cu-khang-chien-xua-va-nay-46145