MobiFone phiên bản 2

(Baodautu.vn) Thay tướng, thành lập tổng công ty, trình phương án cổ phần hóa trong quý IV/2014… là những việc đại sự tại MobiFone trong thời điểm nhạy cảm này. Một MobiFone phiên bản 2 có còn đáng gờm khi là “con đẻ” của Bộ Thông tin và Truyền thông.

TIN LIÊN QUAN

MobiFone bất ngờ thay tướng ở thời điểm "nhạy cảm"

MobiFone sẽ thành Tổng Công ty trước khi cổ phần hóa

MobiFone dứt áo ra đi, VNPT khó ở?

Thủ tướng chính thức quyết định số phận MobiFone

VNPT, Mobifone không được thay nhân sự trước tái cơ cấu

Rời mẹ VNPT, MobiFone sẽ thành Viettel thứ hai?

Thay tướng

Quyết định bổ nhiệm ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone) vào chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), thay ông Lê Ngọc Minh, vào ngày 26/6 vừa qua khiến nhiều người bất ngờ, bởi chỉ 5 ngày sau đó (từ ngày 1/7), MobiFone sẽ chính thức về Bộ Thông tin và Truyền thông.

Công ty VMS thành Tổng công ty MobiFone có vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Trước đó, hồi tháng 4/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn yêu cầu VNPT và MobiFone giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, cơ sở vật chất, mạng lưới cho đến khi triển khai tái cơ cấu. Trong trường hợp cần thay đổi, doanh nghiệp phải báo cáo với Bộ để xin ý kiến trước khi thực hiện.

Các bên liên quan đến việc “thay tướng” của MobiFone đều không đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Song theo các chuyên gia trong ngành, việc giữ lại ông Lê Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc VNPT như một giải pháp “đền bù” cho VNPT.

Ông Minh được đánh giá rất cao và có công rất lớn đưa MobiFone phát triển đến ngày hôm nay. Trong bối cảnh mới, khi tách MobiFone khỏi VNPT, VNPT sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và nhân sự cấp cao có năng lực như ông Minh sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp VNPT phát triển mạnh mẽ hậu tái cấu trúc.

Ở một góc độ khác, việc ông Mai Văn Bình (người gắn bó lâu năm với MobiFone) kế nhiệm ông Lê Ngọc Minh là một giải pháp nhằm ổn định nhân sự tại đơn vị này.

Dư luận đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc thay tướng tại MobiFone, đặc biệt là khi ông Mai Văn Bình sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay. Việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao với thời gian ngắn, nhất là trong giai đoạn MobiFone đang rất khẩn trương sắp xếp nhân sự, bộ máy, tiến hành cổ phần hóa đã làm dấy lên mối lo ngại về tiến độ cổ phần hóa của MobiFone.

Rõ ràng, việc thay đổi nhân sự cấp cao tại MobiFone sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp này. Bởi hết năm 2014, MobiFone lại sẽ phải tiến hành thay tướng khi ông Bình nghỉ hưu, trong khi thời hạn mà MobiFone hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ là năm 2015.

Lên đời

Ngoài việc cập rập điều chuyển, thay đổi nhân sự cấp cao…, MobiFone còn phải thực hiện nhiều việc quan trọng, cùng lúc với việc đảm bảo sản xuất - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và cạnh tranh với các nhà mạng khác.

Sau khi chính thức về Bộ Thông tin và Truyền thông từ ngày 1/7/2014 (theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2014, phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT), MobiFone nhận lệnh từ Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để khẩn trương xây dựng đề án tổ chức lại Công ty VMS thành Tổng công ty MobiFone có vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, nhiệm vụ trọng tâm của MobiFone trong thời gian tới là phải xây dựng Đề án Thành lập Tổng công ty MobiFone như một tổng công ty kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông một cách hoàn chỉnh, tạo thành mạng viễn thông lớn của đất nước. Đề án này sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.

Song song với việc xây dựng Đề án, VMS phải xây dựng Dự thảo Điều lệ hoạt động của Tổng công ty để có cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của những năm tiếp theo. Điều lệ của Tổng công ty MobiFone sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

Cùng với việc nghiên cứu hình thành Đề án Thành lập Tổng công ty MobiFone, MoboFone sẽ khẩn trương nghiên cứu phương án cổ phần hóa để trình Bộ Thông tin và Truyền thông và Chính phủ vào cuối năm nay.

Ông Mai Văn Bình nhận định, việc hình thành Tổng công ty sẽ giúp MobiFone tăng khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nhà khai thác mạng khác, tạo thế chân vạc trên thị trường viễn thông với 3 nhà mạng gồm VNPT (VinaPhone) - MobiFone - Viettel.

Rõ ràng, MobiFone đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và chịu đựng áp lực lớn để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Nhưng nếu trụ vững và về đích đúng hẹn, MobiFone sẽ trở thành một nhà mạng thực sự đáng gờm đối với các đối thủ trên thị trường, do là “con đẻ” của Bộ Thông tin và Truyền thông và là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ, quản trị hiện đại.

Mobifone đáng giá khoảng 3,4 tỷ USD

Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng, giá trị hiện tại của Mobifone khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi tách khỏi VNPT.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/mobifone-phien-ban-2.html