'Mổ xẻ' bạo lực học đường

Hôm qua 9.2, lần đầu tiên ngành giáo dục - đào tạo Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo để tìm nguyên nhân và giải pháp "kiềm chế" nạn bạo lực học đường đang trở nên báo động tại cố đô.

Hội thảo quy tụ nhiều các nhà nghiên cứu tâm lý, pháp luật và quản lý giáo dục tại Thừa Thiên-Huế

Lâu nay, Huế được xem là xứ sở "hiền hòa", học sinh nổi tiếng nền nếp và hiếu học. Nhưng trong vòng vài năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường đã bắt đầu xuất hiện, để lại bức xúc cho người dân Thừa Thiên-Huế.

Luật sư Hoàng Ngọc Thanh (Phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia Thừa Thiên-Huế) cho rằng phải nhìn nhận công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ hiện nay còn nhiều hạn chế và yếu kém. “Đâu rồi câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường, nội dung này có tồn tại đầy đủ trong những người làm công tác giáo dục?”, luật sư Hoàng Ngọc Thanh đặt câu hỏi. Theo ông, khi người thầy chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của nó thì chưa thể giáo dục người khác, người thầy (gọi chung là người làm công tác giáo dục) phải thực sự có đủ tài, đức, gương mẫu thì học sinh mới noi theo.

Một điển hình trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được nhóm tham luận của Nhà giáo ưu tú - thạc sĩ Nguyễn Hữu Bi (Trường THPT Nguyễn Tri Phương, TP.Huế) đưa ra là nhà trường đặc biệt chú trọng đến môi trường giáo dục lành mạnh, có tinh thần hợp tác, đoàn kết trong học sinh. Các em được học tập và rèn luyện trong một môi trường thân thiện - năng động để hình thành nên các chuẩn giá trị nhân ái - trung thực - hợp tác - tiên phong - năng động - sáng tạo thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ và sinh hoạt câu lạc bộ.

Bùi Ngọc Long

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/mo-xe-bao-luc-hoc-duong-789849.html