'Mỏ vàng' khoáng sản của Đông Nam Á

Nhờ thiên nhiên ban tặng, Đông Nam Á sở hữu trữ lượng đáng kể đối với một số khoáng sản quan trọng, trong đó có niken, thiếc, các nguyên tố đất hiếm (REE) và bauxite.

Khu vực Đông Nam Á sở hữu một lượng lớn tài nguyên khoáng sản quan trọng của thế giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo trang “The Strategist” (Australia), nhu cầu của thế giới đối với các loại khoáng sản quan trọng sẽ tăng đáng kể trong những thập kỷ tới, từ 7,1 triệu tấn trong năm 2020 lên 42,3 triệu tấn vào năm 2050. Các cam kết toàn cầu về khử carbon là yếu tố chính dẫn đến sự tăng trưởng này, bởi các công nghệ năng lượng sạch cần một vào số lượng lớn các khoáng sản quan trọng. Bên cạnh đó, tất cả các ngành công nghiệp phức tạp - bao gồm cả sản xuất quốc phòng - cũng có nhu cầu cao về những khoáng sản quan trọng sẽ cạnh tranh để sở hữu chúng.

Chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, an toàn và đáng tin cậy đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây là yếu tố then chốt đảm bảo tăng quy mô lắp đặt tua-bin gió, pin tiên tiến, máy điện phân và lưới năng lượng sạch. Các loại khoáng sản như niken, lithium, coban, đồng và neodymium được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm năng lượng sạch, bao gồm quang điện Mặt Trời, tua-bin gió, bộ lưu trữ pin lưới, xe điện, mạng lưới điện và công nghệ hydro. Nhu cầu đối với những khoáng sản đó được cho là sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Nhờ thiên nhiên ban tặng, Đông Nam Á sở hữu trữ lượng đáng kể đối với một số khoáng sản quan trọng, trong đó có niken, thiếc, các nguyên tố đất hiếm (REE) và bauxite. Tính theo dự trữ toàn cầu, Indonesia có 22% niken, 16% thiếc và 4% bauxite; Myanmar có khoảng 18% nguyên tố đất hiếm; Philippines có khoảng 5% niken. Indonesia và Philippines được cho là cũng đang nắm giữ một trữ lượng coban nhất định. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa khám phá đầy đủ tiềm năng về các “mỏ vàng” khoáng sản tự có.
Bên cạnh đó, việc thiết lập quy trình xử lý nguyên liệu ở hạ nguồn tại Đông Nam Á vẫn còn là một thách thức lớn, đặc biệt nếu phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao. Để trở thành trung tâm cung cấp khoáng sản quan trọng cho thế giới, khu vực này cần sự giúp đỡ từ các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu.
Do những thách thức trong việc mở rộng chuỗi giá trị ở hạ nguồn và thiếu sự tham gia của các nước có kinh nghiệm bên ngoài, Đông Nam Á bắt đầu phát triển các phương pháp tiếp cận tập trung vào trong nước. Cách tiếp cận của Indonesia đối với niken là một ví dụ điển hình. Nước này bắt đầu khẳng định mình là một trung tâm khoáng sản quan trọng bằng cách cấm xuất khẩu quặng niken thô từ năm 2014 và chỉ cho phép ngoại lệ đối với các công ty khai thác đang đầu tư vào chế biến. Đến năm 2020, lệnh cấm xuất khẩu quặng niken mở rộng thành tuyệt đối (tức loại bỏ ngoại lệ đối với các công ty khai thác với mục đích chế biến). Với việc yêu cầu tinh chế ở trong nước, Indonesia đặt mục tiêu tạo ra một ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cho các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng.
Trước đây, Indonesia khai thác khoảng 71 triệu tấn quặng niken mỗi năm và xuất khẩu 65 triệu tấn ở dạng thô. Hầu hết nguồn xuất khẩu niken đều đến Trung Quốc để nấu chảy và tạo ra thép không gỉ. Kể từ khi áp đặt lệnh cấm, Indonesia đã thu hút vốn đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào việc xây dựng các nhà máy luyện kim địa phương, trong đó Tập đoàn thép Tsingshan thuộc sở hữu tư nhân đang dẫn đầu phong trào này. Sản lượng khai thác niken của Indonesia vì thế đã tăng gấp 9 lần. Các đối thủ cạnh tranh quốc tế, bao gồm cả các mỏ niken ở Australia, đang phải vật lộn để cạnh tranh với lợi nhuận vốn và chi phí vận hành thấp từ các hoạt động ở Indonesia.
Tuy nhiên, có những lo ngại hợp lý về tính bền vững của môi trường trong dài hạn, do hoạt động khai thác khoáng sản quan trọng ở thượng nguồn và hạ nguồn của Indonesia. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại về lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng lệnh cấm này không phù hợp với nghĩa vụ loại bỏ các hạn chế thương mại định lượng.
Tuy nhiên, chính sách mà nước này ban hành phần nào đã được mục tiêu đề ra. Quốc gia này hiện có ngành công nghiệp niken phát triển ở hạ nguồn và có khả năng sẽ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với các loại khoáng sản quan trọng khác.
Đáng chú ý là có rất ít “người chơi” tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về REE, mặc dù loại khoáng sản này có tầm quan trọng đối với các công nghệ phức tạp. Vì vậy, Mỹ và các đồng minh đang cố gắng tái lập vị thế trong lĩnh vực này. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực đổi mới trọng tâm, lên kế hoạch đầu tư lớn vào công nghệ chống biến đổi khí hậu. Những nước khác cũng đã có phản ứng với tình hình trên.
Các công cụ chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng bao gồm Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng của EU, Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, Chiến lược khoáng sản quan trọng của Australia và Chiến lược khoáng sản quan trọng của Canada…
Các nước Đông Nam Á có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Australia có thể đóng vai trò hỗ trợ. Australia nằm ở vị trí địa lý thuận lợi để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chế biến của khu vực bằng cách chuyển giao công nghệ, đáp ứng các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị.
Australia có thể đưa ra các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường cũng như chuyên môn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Điều này trái ngược với việc Indonesia chuyển sang sản xuất niken chất lượng cao thông qua chế biến cấp thấp. Các quy định môi trường yếu kém hơn của Indonesia có thể gây ra những hậu quả lâu dài về xã hội và môi trường.
Đông Nam Á đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thiết lập các ngành công nghiệp hạ nguồn chất lượng cao cho các khoáng sản quan trọng, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, thách thức không phải là không thể vượt qua.
Sự chung tay của chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác phát triển trong cùng khu vực và với các quốc gia nhiều tiềm năng khác có thể giảm thiểu rủi ro và từ đó cải thiện triển vọng của các dự án trong tương lai. Sự trợ giúp đó có thể bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển, đầu tư chiến lược để tăng quy mô xử lý và khóa tài chính và bao tiêu sản xuất. Trong khi đó, quan hệ đối tác với các ngành công nghiệp nước ngoài có thể mang lại công nghệ.
Sẽ không dễ dàng, nhưng Đông Nam Á có tiềm năng trở thành một trong những nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng chính của thế giới.

Thanh Tú (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mo-vang-khoang-san-cua-dong-nam-a/330288.html