Mở sách bước vào thế giới tri thức

Để bồi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh, các nhà trường có cách làm khác nhau dưới nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn.

Cô trò Trường Tiểu học Trần Nhân Tông tại buổi lễ trao giải cuộc thi “Mở sách, mở thế giới” mùa 4. Ảnh: TG

Qua đó, tạo môi trường học tập tích cực, khơi dậy hứng thú, gắn kết bài học trong sách với thực tiễn cuộc sống.

Cuộc thi “Mở sách, mở thế giới”

Được tổ chức thường niên tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định, Nam Định), Ngày hội Văn hóa đọc và trao giải cuộc thi “Mở sách, mở thế giới” đã góp phần xây dựng văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu sách tới học sinh, thầy, cô giáo và phụ huynh. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thanh Bình cho biết, đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đọc sách, khuyến khích học sinh rèn luyện thói quen tự đọc, từ đó bồi dưỡng kiến thức, phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách.

Tại lễ tổng kết cuộc thi “Mở sách, mở thế giới” mùa 4, nhà trường đã kết nối với Cộng đồng sống tử tế và đại diện Trí tuệ Việt Nam. Trong buổi giao lưu, học sinh được gặp gỡ các chuyên gia, thủ lĩnh văn hóa đọc của 10 tỉnh, thành phố. Với tinh thần tự nguyện, phụng sự vô điều kiện, hành trang các anh, chị mang theo là trái tim nhiệt huyết, khát vọng xây dựng cộng đồng sống tử tế và cống hiến.

“Trong những năm qua, với sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh và tinh thần tâm huyết, sáng tạo của thầy cô, nhà trường đã đạt được những thành tích đáng khích lệ trong phong trào đọc sách. Thư viện trường được đầu tư, nâng cấp, trở thành không gian đọc sách thân thiện, hiện đại.

Các hoạt động khuyến khích đọc sách tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức: Giờ đọc sách, giới thiệu sách hay, sân khấu hóa tác phẩm văn học… đã tạo môi trường học tập tích cực, khơi dậy hứng thú, gắn kết bài học trong sách vở với thực tiễn cuộc sống”, cô Bình trao đổi.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Trần Nhân Tông cũng thông tin, với chủ đề: Nam Định trong trái tim tôi, cuộc thi “Mở sách, mở thế giới” mùa 4 năm 2024 đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của 269 học sinh với 3 tiết mục sân khấu hóa của khối 2, 3 và 4; 4 tiết mục thuyết trình và 96 video clip của 5 khối lớp. Cuộc thi chọn được 3 tiểu phẩm trao giải Nhất, 27 sản phẩm giải Nhất dành cho nội dung video và thuyết trình, 34 giải Nhì và 23 giải Ba.

Ban giám khảo ấn tượng với tiểu phẩm “Dũng sĩ diệt cá sấu” của học sinh khối 3 đã tái hiện sinh động hành động mưu trí, quả cảm của chiến sĩ đặc công Hoàng Dương Chương trong tác phẩm cùng tên. Tiểu phẩm “Nguyễn Hiền” của khối 2 khéo léo kết nối các giá trị truyền thống với hiện đại, giúp ta thêm tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ngoài ra, sản phẩm video clip dự thi cũng ý nghĩa như tác phẩm “Thành Nam, địa danh và giai thoại” của nhóm học sinh lớp 3A2 đã thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào về mảnh đất Thành Nam sinh động, hấp dẫn.

Có con học Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, chị Vũ Thị Bích Thơm đánh giá: “Khi tham gia các hoạt động như Ngày hội Văn hóa đọc do nhà trường tổ chức, con rất háo hức, say mê. Chương trình được nhà trường thực hiện xuyên suốt, có lộ trình rõ ràng; phụ huynh và cộng đồng ủng hộ, sẵn sàng đồng hành với thầy, cô để đem lại cho các con nhiều bài học quý giá về văn hóa đọc cũng như trong cuộc sống. Tôi hy vọng những năm tiếp theo có thêm nhiều chương trình đa dạng để các con được trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du trong Ngày hội Văn hóa đọc năm 2024. Ảnh: TG

Tặng sách hay, mua sách thật

Với hơn 2 nghìn học sinh ở 48 lớp, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội) rất quan tâm tới việc phát triển văn hóa đọc. Cô Ngô Thị Hồng Lương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong đời sống tinh thần mỗi người, sách đóng vai trò như chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ, tâm hồn. Sách là người thầy của nhân loại thắp sáng nguồn tri thức vô biên, dạy ta biết sống và vì người khác. Đọc sách từ lâu đã trở thành nhu cầu cần thiết của xã hội loài người.

Năm 2024, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ 15/4 đến hết 1/5 trên phạm vi cả nước với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Đặc biệt, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay gắn liền chuyển đổi số với mục tiêu đưa sách đến nhiều người đọc. Trung tuần tháng 4 vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Du tổ chức thành công “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - Hội chợ Sách năm 2024” với chủ đề “Tặng sách hay mua sách thật - Sách quý tặng bạn”.

Tham dự ngày hội có đại diện các công ty, nhà xuất bản sách; đồng hành cùng chương trình còn có diễn giả, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương. “Ngày hội đọc sách – Hội chợ Sách năm 2024” của Trường Tiểu học Nguyễn Du đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia và trở thành sự kiện ý nghĩa thiết thực nhằm khơi dậy đam mê đọc sách, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, tôn vinh giá trị sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ở mỗi lớp học của trường có một tủ sách do chính giáo viên, phụ huynh, học sinh lớp ủng hộ. Nhà trường phát động cuộc thi giới thiệu sách, điểm sách, bình sách theo tuần cho học sinh toàn trường để lan tỏa đam mê, hình thành thói quen đọc sách. Nhân dịp chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô, hưởng ứng cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc TP Hà Nội năm 2024, đầu tháng 4, nhà trường tổ chức quyên góp, ủng hộ, xây dựng tủ sách, mời diễn giả nói chuyện về sách, hướng dẫn cách đọc sách, tổ chức trưng bày và trao đổi sách…

Trẻ em ngày nay có điều kiện sống, học tập tốt hơn nhưng cũng đối mặt với nhiều cạm bẫy, cám dỗ. Việc nuôi dạy con cái cần đến sự hợp tác của nhiều người và toàn xã hội. Giúp học sinh yêu sách là cách để các em có phương thức giải trí lành mạnh, cách học tập suốt đời, bền bỉ, phương pháp tác dụng phòng ngừa cái xấu… do đó, người lớn không nên thờ ơ. Hãy bắt tay vào công việc cụ thể để thúc đẩy văn hóa đọc từ nhà tới cộng đồng. - Cô Ngô Thị Hồng Lương

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-sach-buoc-vao-the-gioi-tri-thuc-post681119.html