Mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai mới được thông qua, là một tin đáng mừng cho cộng đồng Việt kiều có mong muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Luật Đất đai mới được thông qua tạo nhiều cơ hội đầu tư hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ảnh: Quang Vinh.

Luật Đất đai hiện hành quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói chung chỉ được đứng tên trên sổ đỏ khi mua đất ở hoặc mua nhà ở gắn với đất trong các dự án phát triển nhà ở. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2025 tại khoản 3 và khoản 6, Điều 4 của Luật Đất đai 2024 về “Người sử dụng đất” quy định, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận, bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. Như vậy là không có sự phân biệt giữa người Việt Nam có quốc tịch ở trong nước hay ngoài nước.

Theo ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, rất nhiều kiều bào muốn về nước định cư, đầu tư nhưng không biết được sở hữu bất động sản thế nào. Theo khảo sát của Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM (HREC) cho thấy, có khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống, trong đó đa số chọn TPHCM.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kiều bào mang quốc tịch Việt Nam có đầy đủ quyền sử dụng đất như mua, bán, cho tặng, thừa kế… cả bên ngoài các dự án phát triển nhà ở. Như vậy là không có sự phân biệt giữa người Việt Nam có quốc tịch ở trong nước hay ngoài nước.

Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai 2024 mới được thông qua là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có mong muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi dòng kiều hối trong năm 2023 đạt mức hơn 16 tỉ USD, tăng mạnh 32% so với năm 2022.

Nhận định tác động của chính sách này, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản là Việt kiều. Theo ông Troy Griffiths, thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. “Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư” - ông Troy Griffiths nhận định.

Trên thực tế theo Luật sư Ngô Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội), thời gian qua, nhiều trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mua đất ở trong nước phải nhờ người khác đứng tên thực hiện giao dịch. Việc này đã phát sinh nhiều tranh chấp trong quá trình chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai. Việc Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng đối tượng sử dụng đất sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên. Đây là bước tiến quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi), tạo sự thống nhất với Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); góp phần tăng cơ hội tiếp cận, sở hữu, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai; thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh doanh bất động sản nói riêng và đẩy mạnh nền kinh tế nói chung.

HÀ AN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-rong-quyen-su-dung-dat-cho-nguoi-viet-nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-10277298.html