Mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

Tỉnh Thái Nguyên chủ trương mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề qua các hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên lớp Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên) làm quen với mô hình thiết bị máy.

Để đạt được mục tiêu thúc đẩy mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó coi phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

Theo khảo sát mới nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Toàn tỉnh hiện có hơn 610.000 người lao động, gần 603.000 người có việc làm, trong đó khoảng 198.000 người đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) gần đây: Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt đạt 72%, cao hơn trung bình cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cao giáo dục dạy nghề có chất lượng tốt đạt 64%, thuộc nhóm cao trong cả nước; 94% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN, trong đó có 25 cơ sở GDNN công lập và 12 cơ sở GDNN ngoài công lập; tổng quy mô đào tạo trình độ các cấp bình quân gần 100.000 học sinh, sinh viên.

Trong năm 2023, các cơ sở GDNN thực hiện tuyển sinh đạt hơn 40.500 người, trong đó có hơn 3.000 người trình độ cao đẳng, gần 9.600 người trình độ trung cấp, gần 10.800 người trình độ sơ cấp và hơn 17.000 người đào tạo thường xuyên.

Các ngành, nghề đào tạo phổ biến như: Điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ thời trang, quản trị nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn… Hiện các ngành, nghề đào tạo đang được mở thêm và bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Theo đó, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật chiếm ưu thế trong tuyển sinh đào tạo, có trên 45% học sinh, sinh viên theo học hệ cao đẳng và hệ trung cấp. Tiếp đến là nhóm ngành sức khỏe và dịch vụ, du lịch chiếm 15%...

Nhóm ngành nghề truyền thống phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được duy trì, ưu tiên tuyển sinh, chủ yếu là trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm, học tập ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Việc liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN, doanh nghiệp nước ngoài được các trường tích cực triển khai thông qua nhiều hoạt động, chương trình đào tạo tiên tiến. Điển hình như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đang thực hiện Chương trình hợp tác đào tạo liên thông và trao đổi sinh viên với 3 trường đại học của Hàn Quốc là: Trường Ngoại ngữ Busan, Trường Đại học Jeonju và Trường Đại học Keimyung.

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Trường Đại học Jeonju đã triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác tăng cường năng lực đào tạo toàn diện giữa 2 bên, bao gồm các hoạt động xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế; tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề; hỗ trợ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và tại Hàn Quốc để giải quyết việc làm, hỗ trợ máy móc, thiết bị đào tạo.

Đến nay, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật có 126 sinh viên tham gia chương trình du học; 3 nhà giáo tham gia chương trình trao đổi giảng viên và 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt, cấp phép.

Từ coi trọng mở rộng hợp tác quốc tế trong GDNN, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và thực hành; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên, nhất là giáo viên dạy nghề. Tạo cho học sinh, sinh viên cơ hội được tiếp cận và thực hành nghề trên các loại thiết bị công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước.

Mỗi trường đều có cách làm sáng tạo, linh hoạt nhưng cùng chung đích đến là mở rộng hợp tác trong GDNN. Ví dụ như Trường Cao đẳng Thái Nguyên đang thực hiện hợp tác quốc tế trong đào tạo cho người nước ngoài trình độ cao đẳng nghề Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thống; Công nghệ thông tin; Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng; Dịch vụ pháp lý cho 350 học sinh, sinh viên người Lào và 180 học sinh, sinh viên người Campuchia.

Trường Cao đẳng Việt Đức thực hiện đào tạo thí điểm chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức lớp cao đẳng chất lượng cao nghề Cắt gọt kim loại. Còn Trường Cao đẳng nghề số I, Bộ Quốc phòng, tổ chức xây dựng và phát triển chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô với Trường Công nghệ ô tô Yokohama (Nhật Bản)...

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, hệ thống GDNN trên địa bàn tỉnh được hình thành theo hướng mở, liên thông.

Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển, chất lượng đào tạo bảo đảm, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/202401/mo-rong-hop-tac-quoc-te-trong-giao-duc-nghe-nghiep-d3e172f/