Mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật

(GD&TĐ)- Theo Tuyên bố của Liên hợp Quốc năm 1995 về quyền người khuyết tật (NKT) và trong Luật người khuyết tật mới được ban hành, NKT có quyền công bằng về cơ hội, công bằng về đối xử, được đào tạo nghề, được quyền có việc làm phù hợp và tham gia các hoạt động cộng đồng.

(GD&TĐ)- Theo Tuyên bố của Liên hợp Quốc năm 1995 về quyền người khuyết tật (NKT) và trong Luật người khuyết tật mới được ban hành, NKT có quyền công bằng về cơ hội, công bằng về đối xử, được đào tạo nghề, được quyền có việc làm phù hợp và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Nhân ngày NKT Việt Nam 18/4, PV báo Giáo dục và thời đại điện tử có cuộc trao đổi ngắn với một số NKT, người sử dụng lao động khuyết tật và chuyên gia tổ chức lao động về vấn đề việc làm đối với NKT.

Hiện nay nước ta có khoảng 7 triệu người khuyết tật và 50% trong số họ có khả năng lao động. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động vẫn mang tâm lý e ngại khi sử dụng lao động là NKT do nhưng trở ngại về năng suất lao động ban đầu chưa cao, do sự kỳ thị xã hội…Điều này gây nên những hạn chế không nhỏ cho NKT khi tìm kiếm việc làm và giao tiếp xã hội.

Ngày 17/4/2012, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức “Ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật lần 1 năm 2012” với mong muốn hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành với NKT trong cuộc sống và tìm kiếm công việc phù hợp.

Thùy Chi- Sinh viên học viện báo chí tuyên truyền

Nguyễn Thùy Chi (Sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội viên trung tâm Sống độc lập) chia sẻ: “Sau khi ra trường, tôi mong nhận được một công việc phù hợp với chuyên ngành Quản lý xã hội mà tôi đang theo học hoặc công việc liên quan tới báo chí như vị trí biên tập viên hoặc phiên dịch. Tôi có thể sử dụng máy tính và có khả năng viết báo, mặc dù tôi vẫn phải cố gắng nhiều hơn để theo kịp những người bình thường khác”.

Chị Phan Bích Ngọc (Hội viên hội khuyết tật Hoàn Kiếm, Hội thanh niên khuyết tật Thành phố Hà Nội) cho biết: “Tôi đã học xong Trung cấp tin học và có bằng B tiếng Anh nhưng vài lần đi xin việc làm vẫn chưa nhận được công việc phù hợp do các nhà tuyển dụng có vẻ e dè trong tiếp nhận những lao động như tôi. Tham gia ngày hội việc làm này tôi mong muốn sẽ tìm được cho mình một công việc phù hợp có thể ứng dụng kiến thức về tin học mà tôi có. Một công việc văn phòng là điều tôi mơ ước”.

Trần Quốc Hiệp

Trần Quốc Hiệp: “ Tôi mong muốn tìm được việc làm liên quan đến văn phòng, tin học. Nếu được nhận văn bản về nhà đánh máy thì phù hợp nhất với khả năng của tôi nhất bởi vì tuy có thể làm được công việc đó nhưng tốc độ làm việc của tôi chậm hơn những người bình thường”.

Chị Phan Thị Lệ Hằng (Nhân viên phòng quản trị và kiểm duyệt sản phẩm, Công ty cổ phần và giải pháp phần mềm Hòa Bình, Hội viên Trung tâm Sống độc lập): “Đến với ngày hội tôi mong muốn được nói chuyện chia sẻ với các bạn khuyết tật chưa có việc làm và có thể giới thiệu tới các bạn những cơ hội việc làm phù hợp, nhưng lời mời tuyển dụng của các doanh nghiệp mà công ty chúng tôi đang hợp tác. Các doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hươn tới NKT và tạo cho họ cơ hội việc làm cho họ thông quá các hình thức như trực tiếp tuyển dụng tại các trường, các cơ sở dạy nghê, các trung tâm của NKT. NKT cũng nên tham gia các các trung tâm và nhưungx hoạt động như ngày hội này để tự tin và tự tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm”.

Bà Luyến Shell: Công ty bánh ngọt Con lừa sử dụng đến 85 % lao động là NKT

Bà Luyến Shell, Phó Giám đốc công ty bánh ngọt con lừa, doanh nghiệp sử dụng tới 85% lao động là NKT cho biết:“ Việc sử dụng lao động là người khuyết tật sẽ cho họ cơ hội hòa nhập xã hội tốt hơn. Ở một nước đang phát triển, có nhiều cơ quan thiện nguyện đang hoạt động và có sự giúp đỡ NKT. Tuy nhiên tôi muốn NKT có một niềm tự hào hơn. Ông bà ta hay dấu diếm những người khuyết tật vì coi đó là điều không may mắn nên đó là thiệt thòi với họ. Tôi muốn kéo người khuyết tật ra khỏi quan niệm đó và muốn chứng minh với gia đình và xã hội rằng NKT có khả năng làm được những công việc có ích và chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ họ. Tôi tạo niềm tin cho các em rằng, các em vào đây là để làm việc và cống hiến cho xã hội chứ không phải sống bằng lòng thương hại của người khác. Chúng tôi cho NKT thử làm việc trong 1 tháng đầu tiên, nếu họ cảm thấy phù hợp và muốn gắn bó thì sẽ được đào tạo chuyên sâu.

Theo bauyề́n Shell, các doanh nghiệp nhận lao động là NKT phải hy sinh, ban đầu họ chắc chắn phải hy sinh. Nhưng khi các em khuyết tật có niềm tin, cố gắng và chăm chỉ các em sẽ làm được. Đặc biệt lao động là NKT rất trung thành với doanh nghiệp và họ gắn bó lâu dài với công việc của mình nên không phải lo lắng họ bỏ việc..

Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh - nguyên phó ban chương trình quốc gia việc làm, Chuyên gia tổ chức lao động ILO:

Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh

“Người khuyết tật có khả năng và năng lực đóng góp cho xã hội. Những lao động là NKT sẽ phát huy được hết năng lực nếu chúng ta cho họ kỹ năng cần thiết, việc làm và công cụ lao động phù hợp. Cũng giống người bình thường, NKT mong muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống, có thể sống độc lập và không bị hạn chế trong giao tiếp xã hội.

Hiện nay, NKT có thể học nghề ở các trung tâm chuyên biệt dành cho họ, các trung tâm dạy nghề hoặc ở các doanh nghiệp, kèm nghề tại nơi làm việc. Đặc biệt là các cơ sở tự tạo việc làm như: cơ sở sản xuất mây tre đan, sửa chữa điện, điện tử dân dụng, hay quán ăn của người câm điếc…

Bỏ qua những khó khăn ban đầu, doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT có những lợi thế như: Uy tín thương hiệu được nâng cao, ý nghĩa nhân văn trong công tác này sẽ được nâng cao và có sức ảnh hưởng, nêu gương cho tập thể. Người lao động là NKT rất cần cù, chăm chỉ, khi đã có những kinh nghiệm nhất định năng suất người lao động không thua kém người bình thường. Đặc biệt, Nhà nước có những chính sách ưu đãi như thuế, vay vốn dành cho người khuyết tật. Đặc biệt việc sử dụng lao động là người khuyết tật là hành động tôn vinh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Hiện nay ở Việt Nam, sau khi Luật người khuyết tật chính thức có hiệu lực, nhiều cơ quan doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ và có những chính sách phù hợp cho người lao động là NKT. Chi cục thuế quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có sử dụng lao động là người khuyết tật và chính NKT đã viết lên phần mềm ứng dụng quản lý thuế cho toàn thành phố...Công ty bánh ngọt con lừa cũng sử dụng tới 85 % lao động là NKT …" - Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh cho biết.

Một gian bày bán sản phẩm do người khuyết tật làm

NKT rất cần sự hỗ trợ và quan tâm của toàn xã hội. Tạo cơ hội việc làm cho NKT vừa là hình thức hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Đó cũng là hành động thiết thực nhất để đưa Luật người khuyết tật vào cuộc sống.

Lê Huế

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201204/Mo-rong-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-1960695/