'Mở nhà sách giữa đại dịch, thắng thua là chuyện thường'

Giữa tình hình khó khăn chung của Covid-19, sự gia tăng của việc bán sách qua sàn thương mại điện tử, các chuỗi nhà sách thực địa vẫn có hướng đi riêng.

Từ năm 2020 đến nay, nhiều hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Sách được nhận định là mặt hàng không thiết yếu, nên ngành xuất bản, phát hành gặp khó. Tuy vậy, hệ thống nhà sách Tân Việt vẫn được mở thêm nhiều điểm rộng, hiện đại.

Bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt, chia sẻ câu chuyện phát hành sách, những chương trình cải tạo thư viện cho nhiều trường học vùng sâu, vùng xa mà bà đã, đang thực hiện.

“Chúng tôi không liều lĩnh, mà có tính toán cho riêng mình”

- Trong bối cảnh Covid-19, điều gì khiến bà liên tiếp mở những nhà hàng sách rộng lớn trong những trung tâm thương mại hiện đại? Đó có phải bước đi liều lĩnh?

- Trong xu thế hiện đại hóa cộng thêm việc đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể dập tắt, nhiều hoạt động kinh doanh bị trì trệ, thậm chí là đóng băng. Các địa chỉ bán sách online có cơ hội bứt phá, phát triển vì có lợi thế sử dụng công nghệ trên môi trường số.

Đợt vừa qua, chúng tôi cũng như bao hệ thống nhà sách khác trên thị trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản tính dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thách thức và không sợ thất bại, là người đứng đầu Tân Việt Bookstore, tôi vẫn duy trì mở những cửa hàng sách rộng lớn ngay tại những khu trung tâm thương mại hiện đại. Tôi cho rằng trong kinh doanh, thắng thua là chuyện bình thường, điều quan trọng là tìm ra cách khắc phục nó.

Thế nhưng, tôi không cho rằng Tân Việt đang đi một bước đi liều lĩnh, chúng tôi luôn có những tính toán và bước đi riêng cho mình. Chúng tôi không đơn thuần bày bán sách mà nó là tổ hợp hỗ trợ (ba trong một) của cafe sách, khu vui chơi, và nhà sách. Đây cũng là lợi thế giúp chúng tôi vẫn đứng vững được trên thị trường sách và xuất bản, phát hành.

Một bạn trẻ đọc sách trên cây cầu tri thức trong hiệu sách Tân Việt ở Royal City, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.

- Trên thế giới, sách số phát triển, sàn thương mại điện tử lấn át các hiệu sách thực địa, kể cả các chuỗi nhà sách lớn cũng gặp khó. Theo bà, các hệ thống nhà sách trong nước như Tân Việt mà bà đang điều hành, Phương Nam Book, Fahasa hay Cá chép… có nằm trong xu thế chung của thế giới? Đâu là hướng đi của các chuỗi nhà sách Việt?

- Tôi luôn tâm niệm đọc sách là một hành động thiết thực không thể bỏ qua đối với mọi người. Đọc để học, để nhận thức và trau dồi thêm vốn kiến thức cho mình, và để nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu hiểu biết.

Quan điểm của tôi trước nay vẫn không thay đổi. Sách in vẫn có giá trị nhất định trong đời sống tri thức của người Việt dù sách trên nhiều sàn thương mại điện tử cũng đang rất thịnh hành. Tôi cho rằng người yêu sách thực thụ sẽ luôn muốn đến tận nơi, xem tận mắt, sờ tận tay vào cuốn sách mà mình định mua, chứ không chỉ đơn giản là xem ảnh sách và giới thiệu trên mạng.

Một điểm đáng bàn ở đây là giới trẻ sử dụng công nghệ mạng đa phần là để lướt thông tin, chứ không phải để đọc sách điện tử. Điều đó chỉ giúp ta có được thông tin nhanh chóng chứ hoàn toàn không làm giàu cho tư duy.

- Khi thực hiện cải tạo thư viện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bà gặp thực trạng gì? Theo bà cần giải pháp gì để có thể nâng mức hưởng thụ sách cho người dân, nhất là thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa?

- Thật sự là đang có sự chênh lệch rất lớn giữa tình trạng hưởng thụ sách giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là ở sự phân bố của các nhà sách. Ở các vùng nông thôn, tôi hầu như không thấy sự có mặt của các nhà sách. Thư viện sách công cộng cũng đang được đầu tư rất hạn chế.

Để có thể nâng mức hưởng thụ sách cho người dân, nhất là thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa thì trước hết ở các trường học phải đầu tư mở các thư viện nhà trường, để các con khi đến trường được đọc sách ngay tại đó. Gia đình ở vùng sâu, vùng xa rất khó có điều kiện mua sách cho các con, vì thế sách ở thư viện nhà trường sẽ là giải pháp phù hợp hơn cả.

Bên cạnh đó, các cấp các ngành cũng phải đầu tư và quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ vùng kinh tế khó khăn mở những nhà sách công cộng.

Tôi còn nhớ một danh nhân từng nói sự khác biệt giữa người được giáo dục và người không được giáo dục: Người được giáo dục là người được sống, người không được giáo dục thì không khác nào người chết. Nói thế để thấy sách là vô cùng quan trọng đối với mọi người, ở mọi vùng, miền của dân tộc.

Bà Nguyễn Kim Thoa. Ảnh: Tùng Đoàn.

Muốn con đọc sách, cha mẹ phải đọc trước

- Vừa qua , có rất nhiều hoạt động chào mừng Ngày sách , trong đó Hội sách trực tuyến quốc gia được thực hiện với c hủ đề “Sách cho mọi nhà”. Bà nghĩ sao về thông điệp này?

- Một thực tế đáng mừng là hiện nay nhiều trang mạng xã hội được lập ra để kết nối những người yêu sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc. Tôi thấy đã có nhiều người trẻ có thói quen đọc sách nhiều hơn trước đây. Đó là những thói quen mang tính thiết thực.

Tuy nhiên tôi cho rằng, để đạt được thông điệp “Sách cho mọi nhà” thì cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở việc bản thân các bạn trẻ phải tự đọc sách, coi việc đọc sách là mục tiêu và công việc hàng ngày. Khi đọc và hiểu được sách thì sách trên thị trường mới có cơ hội tới tay “mọi nhà” được.

Bà Kim Thoa cho rằng, cha mẹ muốn con yêu sách thì tự mình phải đọc để làm gương. Ảnh: Tùng Đoàn.

- Là một diễn giả tại một số chương trình khuyến đọc, bà thường gửi tới những thông điệp gì tới bạn đọc?

-Tôi muốn tập trung vào đối tượng là các bà mẹ, các buổi talkshow của tôi luôn hướng về chủ đề “mẹ Việt dạy con đọc sách”, nên thông điệp của tôi dành cho các bà mẹ trẻ là chúng ta hãy định hướng cho con em mình, quan tâm tới các bé để các con đọc sách nhiều hơn.

Muốn con em mình yêu sách thì bố mẹ phải là người yêu sách trước tiên, chỉ khi cha mẹ có tư tưởng yêu sách thì mới có thể dễ dàng hành động.

- Được mệnh danh là “Người phụ nữ thép trong ngành sách”, theo bà tính thép đó được tôi luyện từ đâu?

- Tính thép trong tôi được tôi luyện từ sách. Có rất nhiều cuốn sách đã ảnh hưởng đến tôi. Bí mật tư duy triệu phú, Nghĩ giàu làm giàu, Triết lý sống của Mã Vân, Không bao giờ thất bại - tất cả là thử thách… là những cuốn sách tiếp thêm cho tôi ý chí, giúp tôi mạnh mẽ hơn, và có thể bước đi ra ngoài vùng an toàn.

Mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành hơn. Thất bại là điều tất yếu. Khi mình đã hiểu được điều đó thì mình hoàn toàn không sợ hãi trước bất kỳ sóng gió nào cả.

- Bà có thể gợi ý một số cuốn sách truyền cảm hứng về ý chí thành công tới sinh viên, thanh niên?

- Có thể nói là rất nhiều sách thanh niên nên đọc. Trước hết, tôi cho rằng thanh niên nên đọc sách về chủ đề giao tiếp, lớp trẻ phải trang bị cho mình một kĩ năng giao tiếp tốt, để có thể ứng xử, biện hộ và thuyết trình. Đắc nhân tâm, Hình ảnh của bạn đáng giá triệu đô, Từ tốt đến vĩ đại... là những cuốn sách tôi cho rằng “gối đầu giường”, rất đáng để đọc.

Hoặc bạn trẻ cũng có thể đọc các cuốn sách về các tỷ phủ, danh nhân thành công trên thế giới như tỷ phú Donald Trump, Bill Gates… Các ông ấy đều viết sách, tiêu biểu như 11 lời khuyên dành cho thế hệ trẻ của Bill Gates, T phú của Amazon, Bí mật tư duy triệu phú, Dám nghĩ lớn...

Trong những cuốn sách đó có rất nhiều câu chuyện về bài học thành công và về cả những thất bại mà các bạn có thể học hỏi ở đó được nhiều điều.

Tần Tần

Ảnh: Tùng Đoàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mo-nha-sach-giua-dai-dich-thang-thua-la-chuyen-thuong-post1211712.html