Mở ngôi mộ 4.400 tuổi, lộ bí mật xác ướp con rể Pharaoh

Các nhà khảo cổ mới đây đã tái phát hiện một ngôi mộ thất lạc chứa xác ướp hoàn chỉnh của một vị quan Ai Cập cổ đại đồng thời là con rể của pharaoh.

Ngôi mộ thuộc về Ptahshepses - con rể pharaoh, sống cách đây khoảng 4.400 năm, vào thế kỉ 25 và 24 TCN. Các nhà nghiên cứu tại Viện khảo cổ học Czech, Đại học Charles ở Prague, đã xác định vị trí ngôi mộ này vào năm 2022 thông qua việc sử dụng hình ảnh từ vệ tinh và tham khảo các bản đồ cổ. Quá trình khai quật tiếp tục diễn ra trong năm nay.

Ngôi mộ này đã được phát hiện một phần cách đây khoảng 160 năm bởi nhà khảo cổ người Pháp Auguste Mariette. Khi đó, ông đã tìm ra một cánh cửa giả trang trí tỉ mỉ với một dầm đỡ. Tuy nhiên, không lâu sau phát hiện ban đầu, ngôi mộ đã bị chôn kín dưới lớp cát sa mạc.

Cánh cửa giả và dầm đỡ này chứa thông tin về cuộc đời nghề nghiệp của Ptahshepses, kể về hành trình học tập của ông trong triều đình của Menkaure, một pharaoh cổ đại sinh vào năm 2532 và qua đời vào năm 2504 trước Công nguyên.

Theo những ghi chú trên cánh cửa giả, Ptahshepses đã kết hôn với con gái của pharaoh Userkaf, người cai trị trong giai đoạn đầu của thế kỷ 25 trước Công nguyên.

"Đoạn giới thiệu này tiết lộ rằng Ptahshepses là người không thuộc hoàng tộc nhưng lại là người đầu tiên trong lịch sử Ai Cập được phép kết hôn với một công chúa", theo Viện khảo cổ học Czech.

"Thông tin trên cánh cửa giả còn cho biết, Ptahshepses có vai trò đặc biệt hơn khi ông được cho là đã đề xuất việc đưa thần Osiris, biểu tượng nổi tiếng của sự sống và cái chết, vào đền thờ Ai Cập. Vì tầm quan trọng lịch sử, chính trị và tôn giáo của Ptahshepses, ngôi mộ này là một trong những phát hiện đáng chú ý nhất gần đây trong lĩnh vực khảo cổ học Ai Cập".

Cuộc khai quật tại di chỉ đã tiết lộ một siêu cấu trúc dài 41,8 mét và rộng 21,9 mét bên trong ngôi mộ. Nó bao gồm một phòng thờ vẫn còn nguyên vẹn, được trang trí bằng hình vẽ sơn màu tại lối vào và hành lang dài.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ngôi mộ này có thể đã bị đạo tặc cướp bóc trong quá khứ, nhưng vẫn còn một số đồ vật mai táng, đồ lễ và xác ướp một con cá.

Hơn nữa, nhóm nghiên cứu phát hiện quan tài đã bị mở một phần, bên trong đó là xác ướp của Ptahshepses vẫn nguyên vẹn.

Kết quả kiểm tra xác ướp này bởi các nhà nhân chủng học Ai Cập đã cung cấp thông tin quan trọng mới về sự phát triển của việc ướp xác trong thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập, kéo dài từ khoảng năm 2700 đến năm 2200 trước Công nguyên.

Mời quý độc giả xem video: Bí ẩn hình xăm trên cánh tay xác ướp công chúa 2.500 tuổi

Lê Trang (theo Newsweek)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/mo-ngoi-mo-4400-tuoi-lo-bi-mat-xac-uop-con-re-pharaoh-1907281.html