Mở màn “nốc-ao”

(Toquoc)-Đêm nay, vòng đấu loại trực tiếp của World Cup 2010 đã bắt đầu khởi động. Hai đại biểu của châu Mỹ là Uruguay, Mỹ sẽ lần lượt đối đầu với đại biểu của châu Á (Hàn Quốc) và đại biểu của châu Phi (Ghana) trong những trận cầu không còn chỗ cho sai sót hay sự chần chừ.

Uruguay - Hàn Quốc (21 giờ ngày 26/6) Sau nhiều thập kỷ chỉ được coi là những kẻ xoàng xĩnh ở đấu trường World Cup, cả Uruguay và Hàn Quốc đang đứng trước cơ hội lớn để làm nên lịch sử khi hai đội sẽ quyết chiến ở vòng 1/8 để giành một suất lọt vào tứ kết. Không ai dự đoán Uruguay hay Hàn Quốc sẽ tiến xa tại giải đấu lần này, nhưng phong độ của hai đội ở vòng bảng đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong khi những đội từng VĐTG như Brazil, Đức, Argentina và Italy vẫn là một thế lực ở World Cup, thì đội bóng từng 2 lần đăng quang Uruguay chỉ còn là cái bóng của chính mình so với thời kỳ hoàng kim (hai lần VĐTG các năm 1930 và 1950). Lần gần nhất Uruguay lọt vào top 8 đội mạnh nhất World Cup cách nay đã 40 năm khi họ lọt vào bán kết Mexico 1970. Cũng như Uruguay, đội bóng đã 11 lần tham dự World Cup, Hàn Quốc cũng là cái tên thường xuyên góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới nhưng mới có duy nhất 1 lần, đội bóng xứ sở Kim chi vượt qua vòng bảng khi World Cup được tổ chức trên sân nhà năm 2002, giải đấu mà họ đã lọt tới Bán kết. Xét về thực lực, Uruguay đang được đánh giá nhỉnh hơn đại diện đến từ châu Á một chút vì lối đá biến hóa, đẹp mắt trên hàng tấn công 3 người (Forlan đá hộ công cho bộ đôi Luis Suarez và Edinson Cavani), vì sự lợi hại của một Forlan dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại mạnh ở sự quyết tâm, tinh thần vì tập thể và hàng phòng thủ vững chắc. Bóng đá thế giới phải nhìn Uruguay và Hàn Quốc với đôi mắt thán phục bởi những gì họ trình diễn trong 270 phút không thua kém gì các đại gia. Tuy nhiên, lối vào tứ kết chỉ dành cho một đội. Vì thế cú “nốc ao” nào cũng trở nên đáng tiếc. Dự đoán: Uruguay nhọc nhằn vượt qua Hàn Quốc với tỷ số 1-0. Mỹ - Ghana (1 giờ 30 ngày 27/6) Tuyển Mỹ đang đứng trước cơ hội tái lập chiến tích lịch sử mà họ từng tạo dựng được ở World Cup 2002 là lọt đến vòng tứ kết. Hơn thế, gặp lại Ghana, những người hâm mộ bóng đá Mỹ hẳn vẫn còn nhớ rất rõ trận thua đau đớn của các học trò ông Bruce Arena trước đại diện châu Phi này với tỷ số 1-2 trong lượt trận cuối bảng E, qua đó khiến tuyển Mỹ bị loại, còn Ghana giành vé vào vòng 2 World Cup 2006. Tấm vé dự vòng 1/8 là phần thưởng xứng đáng cho lòng quả cảm mà Mỹ đã thể hiện ở World Cup 2010, khi họ kiên cường cầm chân đội tuyển Anh, kiếm được trận hòa sau khi bị Slovenia dẫn trước hai bàn và vượt lên đúng thời điểm trước Algeria. Tại World Cup 2010, đã hai lần bóng đá Mỹ bị tước bàn thắng hợp lệ trong trận hòa Slovenia 2-2 và thắng Algeria 1-0. Tiểu ban kỹ thuật FIFA đã soi kỹ hai tình huống ấy và kết luận trọng tài sai nhưng…quyết định của trọng tài thì không thể sửa. Ở giải đấu đang diễn ra tại Nam Phi, Mỹ đã trình diễn một thứ bóng đá khá đẹp mắt, khi họ luôn tấn công dồn dập đối thủ, với tinh thần chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Trong khi đó, Ghana chưa cho thấy sức mạnh dồi dào của họ với một trận hòa, một thắng, một thua và một lối chơi đơn điệu dựa nhiều vào sức khỏe. Giữa lòng quả cảm của người Mỹ và niềm tự hào của châu Phi, số phận sẽ chọn ai đi tiếp vào vòng tứ kết? Câu hỏi thường được đặt ra trước mỗi khi bóng lăn. Trong cặp đấu này, giới phân tích cho rằng, Mỹ có nhiều cơ hội hơn để trở thành đối thủ của đội chiến thắng trong cặp đấu Uruguay và Hàn Quốc tại tứ kết. Dự đoán: Mỹ giành thắng lợi với tỷ số 2-1. Ngân Giang Kết quả các trận đấu diễn ra đêm qua, rạng sáng nay DẮT TAY NHAU VÀO VÒNG 2 Hòa 0-0, hai thế lực tại bảng G là Brazil và Bồ Đào Nha dắt tay nhau vào vòng 2 bất chấp những nỗ lực của Bờ Biển Ngà. Tương tự, tại bảng H, dù để thua Tây Ban Nha 2-1 nhưng với việc Thụy Sĩ không tận dụng được cơ hội dù chỉ phải gặp đối thủ nhẹ cân Honduras trong trận đấu cuối cùng đã giúp Chile giành vé vào vòng trong. Brazil - Bồ Đào Nha: 0-0 Trước một Brazil toàn hàng hiệu, Bồ Đào Nha - đội bóng được mệnh danh là “Brazil của châu Âu” đã phải chọn phương án phòng ngự - phản công ngay từ đầu trận. Xây dựng vững chắc khu trung tuyến cùng lối chơi áp sát nhằm phá lối chơi kỹ thuật của đối phương, Bồ Đào Nha đã tạo nên thế trận phòng thủ nhiều tầng trước khung thành thủ môn Eduardo. Dù kiểm soát bóng và tấn công nhiều hơn, nhưng số cơ hội nguy hiểm mà Brazil tạo được không nhiều trong hiệp đầu, bởi Bồ Đào Nha cũng quá hiểu và rành rẽ về lối chơi kỹ thuật cũng như bóng ngắn. Tình huống đáng chú ý là pha tấn công nhanh ở biên trái được kết thúc bằng cú dứt điểm cận thành của Nilmar vào phút 30, nhưng xà ngang đã cứu thua cho Bồ Đào Nha. Diễn biến hiệp 2 có phần cởi mở hơn khi Bồ Đào Nha đẩy đội hình cao chơi tấn công, trong khi Brazil sau hiệp đầu tung nhiều sức cùng 3 chiếc thẻ vàng đã chơi có phần thận trọng hơn. Phút 60, Ronaldo đã một phen làm CĐV thót tim khi đột phá qua Lucio và thực hiện cú căng ngang hiểm hóc, nhưng Meireles ập vào đệm bóng chệch cột. Vừa thận trọng trong lối chơi như thể tránh thua trước, khiến Bồ Đào Nha và Brazil có trận hòa tẻ nhạt nhưng…vẫn vui bởi cả hai đều có vé vào vòng sau. Ở trận đấu còn lại của bảng G, Bờ Biển Ngà vừa đá vừa nghe ngóng, nhưng dù có ghi được 3 bàn vào lưới CHDCND Triều Tiên, Bờ Biển Ngà cũng vẫn phải ngạm ngùi cùng đại diện châu Á rời sân chơi World Cup 2010. Thua Tây Ban Nha 1-2, ChiLe cùng đi tiếp Để thua Tây Ban Nha nhưng việc Thụy Sĩ không tận dụng được cơ hội dù chỉ phải gặp đối thủ nhẹ cân Honduras trong trận đấu cuối cùng đã giúp Chile giành vé vào vòng trong. Nét hào hoa và kĩ thuật của hai đội đã được “biểu diễn” ngay từ những phút đầu tiên. Nếu như Fernando Torres mở màn bằng hai pha uy hiếp về khung thành của Bravo thì Chile cũng làm Casillas hơn một lần hú vía vì những pha phối hợp quá sắc nét ngay trong vòng cấm địa của đội tuyển Tây Ban Nha. Trong bối cảnh Chile đang thi đấu khá thanh thoát nhờ sự cơ động của các cầu thủ đá biên, Tây Ban Nha có pha phản công nguy hiểm và đã tận dụng thành công để khai thông thế bế tắc. Từ một tình huống ra xa khỏi vòng cấm địa để phá bóng, thủ thành Bravo đã không kịp quay về khi Villa may mắn đón được bóng và tung chân sút vào lưới trống, ghi dấu ấn đầu tiên của anh trong trận đấu này. Ngay sau đó, các cầu thủ Tây Ban Nha tiếp tục có một pha bóng nguy hiểm khác và người ghi bàn lần này là Iniesta. Villa tiếp tục tỏa sáng với vai trò người kiến tạo, và Iniesta đã không bỏ lỡ cơ hội mà người đồng đội mới ở Barcelona tạo nên khi dứt điểm kĩ thuật về góc xa, đưa Tây Ban Nha vượt lên dẫn trước 2-0 ngay trong hiệp một. Phải thi đấu thiếu người và bị dẫn trước hai bàn, Chile đang ở vào thế quá khó khăn và họ cần đến những lời chỉ bảo của Bielsa trong thời gian giải lao để có thể thi đấu khởi sắc hơn. Chiến lược gia người Argentina đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt ngay từ những phút đầu hiệp hai. Bàn thắng rút ngắn cách biệt đầy may mắn của Millar ở phút 47 đã ngay lập tức khiến huấn luyện viên này thay đổi lối chơi của toàn đội. Chile chủ động làm giảm nhịp độ trận đấu, và trận đấu đã kết thúc mà không có thêm bàn thắng nào được ghi. Trong cuộc so tài gữa Thụy Sĩ và Honduras, các học trò của huấn luyện viên Hitzfeld đã không thể tận dụng quyền tự quyết và cúi đầu rời giải sau trận hòa đáng tiếc 0-0 cùng Honduras. Những cơ hội liên tục trôi qua trước mũi giày của Barnetta rồi Derdiyok và cả tiền đạo vào thay người Frei nhưng bàn thắng vẫn là thứ quá xa xỉ với các cầu thủ Thụy Sĩ. Họ đổ gục xuống sân sau hồi còi kết thúc trận đấu của trọng tài và không thể giải thích nổi vì sao một đội bóng nhược tiểu như Honduras lại có thể chặn đứng những đôi chân tràn trề khát vọng chiến thắng. Thái Nguyên Nhân (tổng hợp)

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/The-Thao-Su-Kien/Mo-Man-Noc-Ao.html