Mơ hồ giá xăng dầu

Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước âm thầm tăng giá 4 lần. Đợt gần đây nhất vào hạ tuần tháng 6, giá xăng tăng 330 đồng, tương đương 25.230 đồng/lít RON 92 và 25.730 đồng/lít RON 95 (ở vùng một).

Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 92 và 95 lần lượt 25.730 và 26.240 đồng/lít. Nếu so sánh với mức giá xăng dầu tại Mỹ - nước có mức thu nhập cao hơn Việt Nam (năm 2011) gần 32 lần thì giá xăng dầu của Việt Nam đắt hơn Mỹ đến 4.400 đồng/lít!

Trong những lần tăng giá gần đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex chỉ giải thích vỏn vẹn rằng, việc tăng giá xăng dầu xuất phát từ diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán theo quy định; không hề có ý kiến phản hồi của bất kỳ một cơ quan quản lý nhà nước.

Sau những lần tăng giá, mặt hàng xăng dầu sẽ thiết lập một bằng giá mới ở mức lần sau cao hơn lần trước hoặc đôi khi nếu có điều chỉnh giảm cũng chỉ nhỏ giọt. Đơn cử, năm 2013, Petrolimex có 5 lần tăng giá với mức tăng 3.220 đồng, dù giảm 6 lần nhưng mức giảm chỉ là 2.160 đồng. Riêng những tháng đầu năm 2014, ngoài trừ mặt hàng dầu có đôi lần điều chỉnh xuống nhẹ, còn xăng hầu như chốt giá sau mỗi lần tăng.

Trên thực tế, xăng dầu luôn giữ vị trí rất quan trọng trong danh mục các loại vật tư kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho các nhu cầu của sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức ép lạm phát lớn, diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh… thì điều kiện giá xăng dầu tăng lên mức cao như hiện càng gây sức ép rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt các ngành sản xuất trong nước; làm phát sinh chi phí sản xuất, kéo theo giá bán sản phẩm phải thay đổi theo hướng tăng giá, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Tác động của việc tăng giá xăng còn đẩy doanh nghiệp trong nước rơi vào thế khó, không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Đối với người dân luôn rơi vào tình trạng “cháy túi” sau mỗi đợt xăng dầu tăng giá.

Một nghịch lý là trong lúc cả xã hội đang rơi vào tình thế thế dầu sôi lửa bỏng, khó khăn bủa vây, Petrolimex - doanh nghiệp chiếm thị phần đến 47% thị trường xăng dầu - công bố báo cáo tài chính thường niên với kết lợi nhuận trước thuế năm 2013 của khối kinh doanh xăng dầu gồm công ty mẹ và 42 công ty con đạt trên 1.300 tỷ đồng, đã thực sự “gây sốc”. Còn nhớ năm 2013, tập đoàn này luôn kêu khó khăn trong các chính sách, tỷ giá.

Nhờ đó, Petrolimex được trọn vẹn 11 lần điều chỉnh giá xăng với 5 lần điều chỉnh tăng trong năm 2013. Liệu có phải qua những lần điều chỉnh giá, cộng với nhờ khai thác tốt lợi thế độc quyền đã đem về khoản lợi nhuận kếch sù này cho Petrolimex? Bởi hiện nay Việt Nam có 17 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, mỗi năm nhập khẩu khoảng 13 triệu tấn và đều do doanh nghiệp đầu mối tự xây dựng, ban hành và thực hiện. Tuy nhiên, với sự chiếm lĩnh thị trường áp đảo nên mỗi lần Petrolimex điều chỉnh, 16 doanh nghiệp còn lại cũng phải thực hiện theo.

Chính điều này đã khiến thị trường bị méo mó, không đúng với chủ trương mặt hàng xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường. Mặt khác, theo Luật Cạnh tranh, nếu một mặt hàng nào đó phát triển theo cơ chế thị trường, thì thị phần của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải chiếm dưới 30%. Chính vì vậy, với thị phần đến 47%, Petrolimex không thể kỳ vọng phát triển theo cơ chế thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường khó có thể thực hiện được khi còn tình trạng doanh nghiệp vừa độc quyền vừa nắm quyền định giá. Vướng mắc này xuất phát từ chính tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại trong điều hành giá cả. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi chưa công khai, minh bạch tất cả từ giá cơ sở đầu vào, chi phí vận chuyển,... thì việc tính chính xác giá xăng ở Việt Nam là rất mơ hồ.

Do đó, muốn giải quyết dứt điểm câu chuyện về giá xăng dầu phải có lộ trình cải cách giá-đưa giá này về sát thị trường. Nhà nước phải tạo ra được thị trường cạnh tranh, song song với việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để không còn sự câu kết; tiến dần loại bỏ sự kiểm soát hành chính.

Mặt khác, xem xét lại rào cản gia nhập thị trường xăng dầu để tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia thị trường xăng dầu, nhằm tạo sân chơi bình đẳng, bảo đảm sự cạnh tranh thực sự.

LẠC PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thitruongkt/2014/7/354299/