Mô hình khép kín với liên kết 3 nhà

Ngày 24-9, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển vùng nguyên liệu mít và chuối làm nguyên liệu chế biến”. Tại đây, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và chủ trang trại đã có tiếng nói chung.

Đặt hàng nhà khoa học Khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản phẩm chế biến, chính là khâu giống. Bà con nông dân, kể cả chủ trang trại dù là người khá am tường về quản lý và có ít nhiều thông tin nhưng vẫn chưa thể có cây hay con giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nhà chế biến. Trong khi đó, nhà khoa học cập nhật nhiều thông tin, có khả năng nghiên cứu và tạo ra giống phù hợp nhưng lại không có ai đứng ra đặt hàng. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, đây là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam. Nếu có nhà doanh nghiệp ký hợp đồng đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu bộ giống (mít, chuối) theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị hiếu thị trường, đó chính là việc lắp đầy khoảng trống còn lại trước đây. Ngày nay, vai trò của công nghệ sinh học, trong đó cây trồng chuyển gen ngày càng có vị trí quan trọng và giúp rút ngắn thời gian lai tạo cũng như hạn chế dịch bệnh bằng cách cấy vào đó các loại gen kháng bệnh sâu đục thân. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho rằng, cần có bộ giống có tính ưu việt nhất, giải quyết được sự mong đợi của người trồng trọt về mặt hiệu quả kinh tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nhà chế biến về sự ổn định chất lượng, năng suất, đáp ứng sự mong đợi người tiêu dùng. Muốn làm được điều đó, đầu tiên phải tìm ra được bộ giống phù hợp. Do vậy, Vinamit muốn đặt vấn đề với nhà khoa học để nghiên cứu một cách bài bản hơn, khoa học hơn, có kiểm chứng thiết thực hơn và đảm bảo là giống cây sạch bệnh. Qua việc đặt hàng nhà khoa học (ở đây là Viện Sinh học nhiệt đới nghiên cứu về bộ giống chuối, mít), từ đó Vinamit chuyển giao cho bà con nông dân trồng. Xét cho cùng, nếu không cập nhật bộ giống mới phù hợp để chế biến thì định hướng sản xuất để tiêu thụ sẽ rất khó. Sản lượng làm ra nhà chế biến không thể mua. Liên kết doanh nghiệp và nhà nông Trước đây cũng đã có doanh nghiệp đặt hàng trồng cây nhưng khi bà con hỏi: giống gì, ở đâu… thì “tắt”. Nếu sử dụng giống trôi nổi trên thị trường dễ rơi vào tình trạng năm ăn năm thua, rất hồi hộp. Trong khi trồng một giống cây nào đó phải mất thời gian vài năm mới cho trái. Nay với việc đặt hàng cụ thể nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ có trong tay bộ giống phù hợp, cung cấp cho bà con trồng theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn. Nhiều chủ trang trại cho rằng, hội thảo này đã giúp cho doanh nghiệp xích gần lại hơn với người nông dân. Vì trước nay hầu như mặt hàng nông sản nào cũng phải thông qua hệ thống thương lái, người sản xuất không nắm hết yêu cầu của nhà chế biến. Một khi rút ngắn khâu trung gian sẽ làm tăng phần thu nhập giữa hai bên. Nếu bà con nông dân biết tổ chức sản xuất với kế hoạch ổn định sẽ giúp giá trị lợi nhuận tăng lên. Với mong muốn tìm hướng đi tốt nhất cho bà con nông dân và đảm bảo nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất quy mô công nghiệp của doanh nghiệp, Vinamit đã công khai nhu cầu nguyên liệu cho năm 2011 với 132.000 tấn mít, 21.500 tấn chuối, 8.000 tấn khoai lang, 6.000 tấn khoai môn và 6.000 tấn thơm… để những chủ trang trại có thể tham gia và ký hợp đồng cung ứng. Dự kiến 5 nhóm sản phẩm này cần khoảng 400 tỷ đồng. Nhiều hợp đồng ghi nhớ đã được ký tại buổi hội thảo. Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại VN cho rằng, việc liên kết này nằm trong chương trình chuỗi phân phối thực phẩm mà hiệp hội đang làm dự án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có sự chỉ đạo và thực hiện trên toàn quốc. Hy vọng, qua hội thảo này sẽ tạo được sự liên kết một cách hiệu quả giữa các bên, qua đó hiệp hội có thêm điều kiện để hoàn thiện dự án chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn được quản lý và kiểm soát chặt. ° Trước dấu hiệu kinh tế Việt Nam tái khởi sắc, Accor, tập đoàn kinh doanh khách sạn quốc tế, quyết định đầu tư vào 2 dự án: Khu nghỉ dưỡng Pullman Hải Phòng trên đảo Hoa Phượng (dự kiến hoạt động năm 2013) và Pullman biển Đà Nẵng (hoạt động năm 2011). Cùng với Pullman Vũng Tàu, Pullman Hà Nội Horison, Pullman Saigon Centre, tính đến năm 2013, tập đoàn sẽ có 5 khách sạn thương hiệu Pullman đi vào hoạt động tại Việt Nam. P.TRUNG ° Tại TPHCM, Interbank FX, công ty môi giới hàng đầu thế giới của Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối, vừa công bố kế hoạch giới thiệu các dịch vụ, công cụ giao dịch ngoại hối đến các ngân hàng hàng đầu, công ty đầu tư chứng khoán và tài chính của Việt Nam, trong chiến lược tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á. Trong đó tập trung phát triển sàn giao dịch trực tuyến MetaTrader4, cho phép các đối tác tùy chỉnh theo thương hiệu của chính mình. C.TH. CÔNG PHIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dautukt/2010/9/238455/