Mô hình Hội quán - nơi gắn kết cộng đồng dân cư

Đồng Tháp được Trung ương đánh giá là tỉnh thực hiện tốt công tác phát triển tổ chức cộng đồng, phát huy cách tiếp cận “từ dưới lên”, tức là chính quyền khuyến khích người dân tự thành lập các tổ chức cộng đồng và chính quyền chỉ là “cầu nối” để các tổ chức cộng đồng tiếp xúc với các doanh nghiệp và các nhà khoa học chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các tổ chức cộng đồng.

Hội nghị thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa (ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) - mô hình đi lên từ Canh Tân Hội quán (Ảnh: Nhật Khánh)

TỪ THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Hội quán là một không gian mở, nơi sinh hoạt thường xuyên của người dân, trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Từ tháng 7/2016 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 145 Hội quán được thành lập với gần 8.000 hội viên, trong đó có 714 người trong Ban Chủ nhiệm Hội quán. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán.

Mô hình Hội quán được thành lập trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân; là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là việc kết nối với các nhà khoa học, doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình hình thành và hoạt động của Hội quán. Hầu hết các Hội quán ra đời đều gắn với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương nên hoạt động của Hội quán bước đầu hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Từ những buổi sinh hoạt của Hội quán, các thành viên Hội quán đã được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh; thay đổi nhận thức, thay đổi được tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, góp phần hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác...

ĐẾN NHỮNG TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC

Mỗi Hội quán đều gắn với ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và nội dung hoạt động của Hội quán tương đối phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực, đã đem đến những tác động tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội quán và người dân trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua mô hình Hội quán đã giúp lan tỏa những cách làm hay, sức sáng tạo như: Cây xoài nhà tôi, Cây cam vườn tôi, các điểm dừng chân tham quan du lịch,... góp phần phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của địa phương.

Từ mô hình Hội quán đã giúp cán bộ, hội viên và người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường; từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm từ truyền thống sang cách làm mới gắn với thị trường dựa trên cơ sở quan tâm và tuân thủ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng công nghệ cao cùng với đổi mới sáng tạo... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Mô hình Hội quán đã giúp liên kết những người sản xuất lại với nhau, cùng có tiếng nói chung, là cơ sở thực hiện liên kết giữa nhóm nông dân với doanh nghiệp, góp phần hướng đến phát triển các loại hình hợp tác liên kết hiệu quả hơn.

Hoạt động của Hội quán giúp cho người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động thực hiện; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự quyết của người dân tham gia công việc của mình vào cộng đồng dân cư. Đồng thời, mô hình Hội quán đã đưa các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đến gần dân hơn; đảng viên cùng suy nghĩ và lăn lộn, tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với bà con nông dân.

Hội quán là kênh chia sẻ, tăng cường mối liên kết giữa người dân với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương. Hội quán không chỉ giúp cho cấp ủy bám sát tình hình địa phương mà còn giúp lãnh đạo các cấp trong tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân đối với các vấn đề phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Song song đó, Hội quán góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến phát triển bền vững; tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Có thể nhận thấy, mô hình Hội quán được hình thành, hoạt động và phát triển trong thời gian ngắn nhưng đã có những tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp là rất rõ ràng. Thành công lớn nhất của mô hình Hội quán chính là củng cố niềm tin, tạo liên kết tự nhiên, bền vững trong cộng đồng giữa các hộ gia đình với nhau và với Hội quán. Hội quán đã thật sự là không gian để người dân “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”. Đây chính là cái gốc để hình thành và phát triển các liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Phú Nghĩa

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/mo-hinh-hoi-quan-noi-gan-ket-cong-dong-dan-cu-118460.aspx