Mô hình đô thị cho tương lai

Các nguồn lực, động lực phát triển kinh tế - xã hội đều được tạo ra từ đô thị. Do vậy, từ câu chuyện xây dựng quy hoạch chung đô thị phù hợp theo hướng xanh, bền vững sẽ tạo ra những giá trị lớn trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương.

Đô thị Huế trong tương lai cần giải quyết được những thách thức hiện hữu

1. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện của đô thị Huế sau những đợt mưa lũ. Với Huế, mưa lũ là điều bình thường, bởi không phải bây giờ mà nhiều năm rồi, chưa bàn đến thiệt hại về người, chỉ với việc phố ngập, đường hư, hay hệ thống di sản xuống cấp sau lũ cũng đã khó tính toán hết.

Ở những khu vực đô thị mới hình thành, người ta liên tưởng đến yếu tố kết nối liên vùng, tạo ra diện mạo mới thì mưa đến, nước về lai láng cả một vùng, thậm chí một số khu dân cư trước đây chưa “nếm mùi” lũ, nay nước ngập, khó rút. Và, quá trình đô thị hóa khiến người ta cho rằng, bản đồ ngập úng càng thêm mở rộng.

Mưa lũ ở Huế không chỉ khiến dân tình địa phương khốn khổ, mà cả nước hàng năm đều hướng về Huế với ánh nhìn thương cảm. Trong một lần góp ý giải pháp cho đô thị Huế, TS. Trần Anh Tuấn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng đặc biệt nhấn mạnh đến cụm từ “biến đổi khí hậu”.

Quan điểm của ông Tuấn là đô thị Huế phải thích ứng được với mưa cực đoan, lũ lụt hàng năm. Và đó chính là việc phải tạo ra hệ thống thoát lũ tốt cho đô thị, đặc biệt là vùng lõi. “Nếu không giải quyết được bài toán thoát lũ thì khi hình thành những đô thị mới, đô thị vệ tinh thì câu chuyện này càng trở nên nghiêm trọng”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Không chỉ tự thân Huế nhìn nhận, trong mắt các chuyên gia, Huế có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thậm chí, các chuyên gia về văn hóa còn mong muốn đưa cụm từ “Đô thị di sản” vào luật nhằm tạo điều kiện cho Huế vươn tầm. Mặc dù vậy, tận dụng lợi thế là điều không phải dễ như ở trên giấy, nếu không khéo sẽ tạo ra trở lực.

Thực tế, trong nhiều hội thảo, hội nghị đã diễn ra, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia đều cho rằng, đô thị Huế cần giải quyết tốt hơn câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng yêu cầu Huế làm rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hóa, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; cần thể hiện thực sự rõ nét bản sắc đô thị Huế...

Các vấn đề nói trên chỉ là lát cắt thách thức mà đô thị Huế đang phải đối mặt. Ngoài ra, các trở lực khác cũng đang được đặt ra trong tiến trình hướng đô thị Huế ra “biển lớn”. Đó là câu chuyện kết nối nội vùng và liên vùng, từ đó tạo ra không gian phát triển trong phạm vi ranh giới quản lý của của tỉnh và các kết nối ngoại vùng với khu kinh tế trọng điểm miền Trung, khu tam giác tăng trưởng Việt Nam - Lào - Campuchia…

ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cơ chế, chính sách phát triển đô thị Huế cũng cần thỏa mãn các yêu cầu như, thu hút được các hoạt động kinh tế, xây dựng các khu đô thị mới, theo đó tạo lập gia tăng cơ hội việc làm đủ sức cạnh tranh với các đô thị khác. Thu hút nguồn lực đầu tư đẩy nhanh hạ tầng khung kết nối từ đô thị trung tâm (TP. Huế hiện nay) ra các đô thị bên ngoài (hệ thống các tuyến giao thông kết nối nhanh, tuyến giao thông công cộng…), tạo di chuyển thuận lợi giữa các đô thị; kiểm soát các giới hạn phát triển, kiên quyết dừng sự phát triển tự phát lan tỏa, kéo dài, không có giới hạn hiện nay là vô cùng quan trọng. Kiểm soát sự chồng chéo, tránh lãng phí và thống nhất trong thực hiện; kiểm soát phát triển theo đúng mục tiêu…

2. Năm 2023, trong nhiều kết quả mà tỉnh đạt được, liên quan đến phát triển đô thị, hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và hồ sơ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 đã được hội đồng thẩm định thông qua. Đây là nền tảng để hoàn thiện mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp trong tương lai. Và trên hết, sẽ giải quyết những thách thức hiện hữu.

Xét trên bình diện chung của cả nước, hiện nay, tỷ lệ đô thị chỉ chiếm diện tích nhỏ, nhưng sự ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội là rất lớn. Trên thế giới, các đô thị đang tạo ra đến 80% GDP toàn cầu, trong đó, 100 thành phố lớn nhất chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp đến 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.

Ở Thừa Thiên Huế, hệ thống đô thị hiện trạng năm 2023 được rà soát cập nhật với 15 đô thị gồm: Huế (loại I); Hương Thủy, Hương Trà (loại IV); 12 đô thị loại V là thị trấn hoặc đô thị thành lập mới gồm Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre, Lộc Sơn, Vinh Thanh, Phong An, Vinh Hiền, Thanh Hà.

Những quy hoạch ngoài giải quyết các bài toán áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không gian phát triển phân tán thiếu bền vững… thì hướng giải pháp thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững hơn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ngày càng nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro...

Điển hình như, dự kiến, quận phía bắc sông Hương sẽ đầu tư, hoàn thiện khu trung tâm hành chính tập trung, phát triển các khu đô mới phục vụ di dân và hình thành trung tâm đô thị; tiếp tục di dời dân cư khu vực Kinh thành đảm bảo yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế. Cải tạo hệ thống sông hồ, chỉnh trang đô thị, tái cơ cấu lại các không gian công cộng. Quận phía nam sông Hương sẽ đầu tư phát triển du lịch, đô thị biển tại Thuận An, Hải Dương; hoàn thiện các chức năng của khu vực đô thị mới An Vân Dương; xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung và các khu chức năng về dịch vụ, khoa học công nghệ…

Ngoài ra, tỉnh cũng tính đến các phương án cho quận Hương Thủy, đô thị Hương Trà, đô thị vệ tinh Phong Điền, Chân Mây, các đô thị khác, khu vực nông thôn,… trong tương lai.

Trong tiến trình phát triển đô thị, chất lượng và sự bền vững là điều mà đô thị Huế hướng đến. “Chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách cho khung hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng kỹ thuật đấu nối cho các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch. Xây dựng chính sách đặc thù theo quy định pháp luật để tăng nguồn thu và tái đầu tư phát triển hạ tầng, công trình công cộng và dịch vụ đô thị. Thu hút xã hội hóa cho đầu tư phát triển các khu đô thị mới, khu và điểm du lịch nghỉ dưỡng, khu và cụm công nghiệp. Khuyến khích đầu tư FDI với các dự án ưu tiên đầu tư theo quy định…”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/mo-hinh-do-thi-cho-tuong-lai-136515.html