Mô hình bán trú,'bệ phóng' của giáo dục miền núi

Bài toán đặt ra với giáo dục miền núi là để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục miền núi phải xóa bỏ điểm trường lẻ, đưa học sinh về trung tâm, thực hiện mô hình nội trú, bán trú.

Lớp học “đặc biệt” trên đỉnh Đun Pù

Lớp học “đặc biệt” tại điểm trường tiểu học Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa ,tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi gọi là “đặc biệt” bởi lớp 1 ở đây chỉ có 3 học sinh được bố trí ngồi ghép cùng 6 học sinh lớp hai. Điểm đặc biệt nữa là, phòng học này được trang bị hai chiếc bảng, 6 em học sinh lớp 2 học ở chiếc bảng phía Bắc, còn 3 em học sinh lớp 1 thì quay lưng lại với các anh chị lớp hai, học ở chiếc bảng phía Nam. Điểm đặc biệt thứ 3 là cô giáo Đoàn Thị Lý cùng lúc phải giảng dạy 2 bài giảng, 2 giáo án.

Lớp học đặc biệt ở Đun Pù. 3 em học sinh lớp 1 học ở chiếc bảng phía Bắc-6 em học sinh lớp 2 học ở chiếc bảng phía Nam.

Lớp học đặc biệt ở Đun Pù. 3 em học sinh lớp 1 học ở chiếc bảng phía Bắc-6 em học sinh lớp 2 học ở chiếc bảng phía Nam.

Tình trạng lớp ghép, điểm trường lẻ, tại Thanh Hóa và Nghệ An không còn là chuyện lạ. Chỉ tính riêng cấp tiểu học tại Nghệ An hiện nay có 970 điểm lẻ, ở Thanh Hóa con số này cũng lên đến hàng trăm. Vấn đề đặt ra là, mô hình điểm lẻ thế này đã không còn phù hợp trong xu thế phát triển giáo dục; không thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bà Lô Thị Nguyệt. Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: “Nếu để các cháu tiếp tục học ở các điểm lẻ thì không có giáo viên phân ra điểm lẻ mà dạy được. Đưa các cháu về điểm chính, việc bố trí giáo viên thuận lợi hơn, trang bị máy móc thuận lợi hơn”.

Thầy Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ cho biết, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3 trở lên phải học tin học, điểm trường lẻ không thể đáp ứng được, để nâng cao chất lượng phải đưa về điểm trường chính. Nhưng khoảng cách điểm lẻ đến điểm trường chính quá xa nên phải xây dựng trường bán trú, mà muốn bán trú phải xây phòng ở, phòng học, bếp ăn… muốn làm được đòi hỏi nguồn lực rất cao.

Xóa điểm trường lẻ có khả thi?

Xóa điểm lẻ, dồn học sinh về điểm chính là cách làm đã và đang được các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An triển khai quyết liệt. Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, huyện biên giới Kỳ Sơn, đã xóa 4 điểm lẻ, dồn học sinh về trung tâm theo mô hình bán trú. Từ ngày học sinh được dồn về điểm chính, cô Nguyễn Thị Mai và thầy Nguyễn Thế Hanh, cùng với giáo viên trong trường, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn lo cho học sinh ăn ở, sinh hoạt. “Năm học 2022-2023 sẽ đưa tin học, nghệ thuật, ngoại ngữ vào môn học chính, do giáo viên không đủ dạy tại các điểm lẻ nên học sinh phải về điểm chính học. Khi học sinh về đây thì được hưởng chế độ bán trú 161, ăn nghỉ bán trú” - thầy Hanh cho biết.

Mô hình bán trú là giải pháp giáp bền vững phát triển giáo dục miền núi.

Mô hình bán trú là giải pháp giáp bền vững phát triển giáo dục miền núi.

Thế nhưng, không phải trường nào cũng làm được như trường Tiểu học Nậm Cắn ở Kỳ Sơn. Có trường vì không đủ điều kiện tổ chức bán trú, vẫn phải duy trì điểm lẻ, hàng tuần sẽ cắt cử phụ huynh đưa học sinh ra điểm trường chính học tin học và ngoại ngữ… Nhưng có nơi như Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Mai Sơn (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An), đã chuyển học sinh về trường chính để học nhưng chưa có chỗ ở, nhà trường phải thuê một nhà kho của người dân, kêu gọi phụ huynh đóng giường tre nứa để học sinh có chỗ ở tạm thời. Trong khi THCS Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, về điểm chính rồi, nhưng không tổ chức được bán trú, khiến học sinh ăn ở, đi lại rất vất vả.

“Ngay bản qua núi đây cách tầm hơn 5km nhưng nói tầm 11h30 tan học các cháu về được là giỏi lắm rồi. Ở đây mất 2 bản Hơ Pù và Pa Đén ở cao, tận đỉnh núi. Các cháu hiện tại một số đi buổi về, một số ở lại nhà người dân. Thành lập trường bán trú mới ổn định lâu dài, còn nhà trường mà tổ chức nấu ăn bán trú cho các em thì không có nhân lực, nguồn tiền không biết lấy đâu, trong khi giáo viên còn thiếu nhiều lắm”- Thầy Trịnh Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Pù Nhi cho biết.

Bài toán đặt ra đối với giáo dục miền núi, là phải tổ chức được bán trú, nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, đây được cho là bước đi bền vững. Đến thời điểm này tỉnh Nghệ An có 158 trường có học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Thế nhưng, số học sinh chưa được hưởng chế độ bán trú, nội trú ở khu vực miền núi còn rất nhiều. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, xây dưng mô hình bán trú, nội trú không chỉ nâng cao chất lượng mà còn làm lợi cho ngân sách nhà nước.

“Điểm lẻ, cái lợi chỉ có 2-3 học sinh hưởng thụ, nhưng mất rất nhiều, mà quan trọng không thực hiên được chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ 2 nếu sáp nhập, về diện tích rộng hơn, đủ điều kiện xây dựng phòng học kiên cố, phòng học bộ môn và nhà ở bán trú cho học sinh ăn ở, ở điểm lẻ không làm được. Cả 1 cuộc đấu trí, chúng tôi phải đi tận nơi khảo sát. Tuy nhiên không phải làm ngay được. Nhưng chúng ta cũng tính, nhập lại thì ngân sách sẽ giảm, đầu tiên là giảm con người. Phải cương quyết, việc sáp nhập là tất yếu. Quan điểm là nếu đi chậm thì chất lượng giáo dục càng tụt giảm bấy nhiêu”.

“Trường là nhà…”

Dồn học sinh về điểm trường chính, xây dựng mô hình bán trú là hướng đi bền vững, nhưng không phải muốn là làm ngay được. Nghệ An đặt mục tiêu, trong những năm tới sáp nhập 45 điểm trường, 19 điểm trường phải dồn học sinh về học tại điểm trường chính. Để làm được điều này, cần nguồn lực lớn, trong khi ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.

Nghệ An đặt quyết tâm đưa học sinh điểm trường lẻ về điểm trường chính. Thực hiện mô hình bán trú, nội trú.

Nghệ An đặt quyết tâm đưa học sinh điểm trường lẻ về điểm trường chính. Thực hiện mô hình bán trú, nội trú.

“Xác định các huyện miền núi việc tổ chức mô hình bán trú là hợp lý nhất, dân cư thưa thớt, ở rải rác, khoảng cách từ nhà đến trường xa. Hiện nay Nhà nước đã hỗ trợ tiền gạo, tiền ăn, đủ sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Nhưng khi dồn về điểm chính thì phát sinh thêm chi phí như phòng học, nhà ở, nhà bếp, trang thiết bị… Mặc dù nghị định 116 quy định, nhưng Nhà nước chưa thể một lúc đáp ứng ngay được, vì vậy tỉnh Nghệ An đi trước, ngoài ngân sách vận động nguồn lực xã hội, tập trung, ưu tiên cho các trường dân tộc nội trú thực hiện việc này” - ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD-ĐT Nghệ An nêu giải pháp.

Cùng quan điểm này, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã có những giải pháp đưa ra về việc đầu tư cơ sở vật chất, đề xuất với Trung ương quan tâm các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng cường cơ sở vật chất phát triển giáo dục miền núi và đặc biệt với địa hình miền núi chúng tôi mong muốn đưa vào chương trình tăng cường, xây dựng thêm các cơ sở giáo dục nội trú, bán trú, tạo điều kiện con em đồng bào dân tộc có điều kiện học hành đảm bảo thời gian, chất lượng”.

Chân lý “Để học được chữ phải no cái bụng” luôn luôn đúng. Và những năm gần đây, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh miền núi phần nào giúp các em đỡ nhọc nhằn hơn. Thế nhưng, đã qua cái thời phổ cập, giáo dục miền núi cần tính đến chuyện “thực học – thực dạy”, chứ không phải đánh trống ghi tên. Và mô hình bán trú thể hiện đầy đủ tính ưu việt của giáo dục vùng khó.

Bên cạnh cơ sở vật chất, trường lớp học, giáo dục miền núi đang đối mặt với thách thức lớn hơn, đó là chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Thực tế cho thấy, những năm gần đây đã có hàng trăm, hàng nghìn giáo viên bỏ núi về xuôi . “Làn sóng” này đã tạo ra khoảng trống thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nội dung này sẽ được đề cập trong Bài 3 loạt bài này./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/mo-hinh-ban-trube-phong-cua-giao-duc-mien-nui-post949638.vov