Mở đường cho sản phẩm OCOP xuất ngoại (Bài 2)

Là người con của quê hương huyện Tiểu Cần, nơi có thế mạnh về cây dừa với 5.878ha. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (thương hiệu Sokfarm) từng có thời gian làm việc ở một số công ty chế biến thực phẩm phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong thời gian này, Chal Thi bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực mình phụ trách và tìm giải pháp để gây dựng sự nghiệp trên quê hương mình.

Bài 1: Đột phá sản phẩm dừa

Vượt lên chính mình để khởi nghiệp

Đầu tiên thông qua các cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, Chal Thi được tiếp cận nhiều tài liệu hướng dẫn cách thức tận dụng tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy khởi nghiệp. Kết hợp với kiến thức lý thuyết và thực tiễn để biến sản phẩm từ cây dừa của địa phương và Chal Thi đã nghiên cứu, ứng dụng thành công sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên của tỉnh trở thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu mạnh mang tầm khu vực, quốc tế và có giá trị gia tăng cao.

Bà Chal Thi cho biết: Sokfarm tìm được mô hình khởi nghiệp từ mật hoa dừa với kinh phí đầu tư ban đầu 02 tỷ đồng vào việc khai thác mật hoa dừa và tiếp tục nghiên cứu để Sokfarm ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tiếp cận tiêu chí tiêu chuẩn thương mại công bằng. Sokfarm ra đời với sứ mệnh nối lại khoảng thời gian “đứt gãy” của nghề thu mật hoa dừa từ xa xưa ở Trà Vinh và thương mại hóa sản phẩm mật hoa dừa và đến nay được chứng nhận OCOP.

Từ khi hình thành đến nay, các sản phẩm Sokfarm đều là kết tinh của quá trình chọn lọc, nghiên cứu, thử nghiệm và mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ để mang lại các trải nghiệm tối ưu cho khách hàng. Mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa cô đặc là dòng sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trong nước.

Những năm đầu khởi nghiệp, Sokfarm đã mất khá nhiều sản phẩm đầu tiên được người tiêu dùng chấp nhận, giờ chỉ cần thông qua kênh sàn thương mại điện tử. Đến nay, Sokfarm nghiên cứu cho ra 06 sản phẩm mang tính đột phá đạt chuẩn OCOP và lợi ích tối đa cho người tiêu dùng thông qua phân tích, nhận định chuyên sâu của các chuyên gia gồm: mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa hữu cơ lên men Cider; giấm mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa. Tất cả các sản phẩm này đều xuất khẩu sang thị trường 04 nước trên thế giới như Đức, Hà Lan, Nhật Bản và Mỹ.

Trong đó có 03 sản phẩm OCOP là mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi và đường hoa dừa được thị trường Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ tiếp nhận và tin dùng. Nhu cầu của sản phẩm này cũng như các sản phẩm khác, nhưng ưu điểm của mật hoa dừa có chỉ số đường thấp phù hợp với người ăn kiêng và tiểu đường.

Hiện Sokfarm có 90% sản phẩm tiêu thụ trong nước, 10% sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Mỗi sản phẩm có giá bán khác nhau và tùy theo kích cỡ, dung lượng của từng sản phẩm. Cụ thể giá bán mật hoa dừa tươi 35.000 đồng/chai (250ml) và 2,5 triệu đồng đối với mật hoa dừa có dung lượng 07kg.

Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (giữa) giới thiệu sản phẩm mật hoa dừa hữu cơ lên men Cider với chuyên gia đánh giá hữu cơ từ Control Union.

Theo bà Chal Thi, sản phẩm mật hoa dừa được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong quá trình tiêu thụ, Sokfarm phân khúc khách hàng và đặt ra những tiêu chuẩn riêng về lựa chọn đối tượng thích hợp với những người tiểu đường. Đây là những tệp khách hàng mà Sokfarm định hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh hóa các sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Xây dựng vùng nguyên liệu để thương mại hóa sản phẩm

Để giữ vững vị trí trên thị trường quốc tế, Công ty đã liên kết với 35 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn hữu cơ theo quy mô chuẩn quốc tế với 20ha và giải quyết việc làm 30 lao động, trong đó có 70% lao động là đồng bào Khmer, thu nhập từ 05 - 15 triệu đồng/người/tháng tùy theo tính chất công việc của lao động.

Nông dân Sang Sa Ra, ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần từ khi chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng dừa thu lấy mật, thu nhập từ 07 - 08 triệu đồng/tháng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa, tăng 06 lần so với thu trái bán.

Ông Ra cho biết: những năm đầu trồng dừa chủ yếu thu trái bán, thu nhập không ổn định. Sau khi được Sokfarm liên kết chuyển hướng trồng theo quy trình hữu cơ để thu lấy mật hoa dừa, thu nhập tăng lên đáng kể. Để có lượng mật thu thường xuyên, ông tập trung chăm sóc, vệ sinh vườn dừa được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại, giúp dừa phát triển tốt và tạo mật nhiều. Với 0,3ha dừa, mật thu từ 03 - 05 lần/ngày, sản lượng bình quân từ 50 - 60kg mật/ngày, bán với giá 9.000 - 15.000 đồng/kg tùy theo chất lượng mật, thu nhập bình quân từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày.

Nông dân Thạch Danh, ngụ cùng ấp cho biết thêm: so với cây lúa, trồng dừa thu mật mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Lúa trồng kéo dài 03 tháng, chi phí phân, thuốc tăng cao, giá bán không ổn định, lợi nhuận chỉ đạt từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Còn trồng dừa thu mật, sản lượng bình quân đạt từ 70 - 90 tấn mật tươi nguyên liệu/năm/ha, thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm/ha. Ngoài 0,2ha dừa cho thu nhập từ 150.000 - 240.000 đồng/ngày, ông mua thêm 0,2ha đất lúa lên liếp trồng dừa để lấy mật, vừa tăng thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Chal Thi cho biết thêm: sản phẩm mật hoa dừa hiện đang có mặt trên 20 tỉnh, thành thông qua hơn 40 đại lý, bình quân Sokfarm đưa ra thị trường 3.000 sản phẩm thành phẩm/tháng. Mới đây, Sokfarm xuất khẩu thành công đơn hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ gần 20.000 chai nước mật hoa dừa tươi mang tên “Đặc sản Trà Vinh”.

Thời gian tới, Sokfarm đầu tư thêm mạng lưới truyền thông và thị trường để đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước qua nhiều kênh thị trường và tiếp cận các kênh bán hàng quốc tế để xuất khẩu. Ngoài duy trì ổn định thị trường truyền thống Hà Lan, Đức, Nhật Bản và Mỹ, Sokfarm tiếp tục tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm ở các hội chợ quốc tế tìm kiếm khách hàng. Đồng thời nghiên cứu sản phẩm mới dựa trên nền sản phẩm cũ, đặc biệt là chế biến sản phẩm mật hoa dừa cô đặc cùng với cải tiến phương pháp đóng gói, bao bì dành cho đối tượng người tiêu dùng tham gia các môn thể thao.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/mo-duong-cho-san-pham-ocop-xuat-ngoai-bai-2-32952.html