Mộ Đức: Phát triển sản phẩm OCOP

Nhờ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều sản phẩm truyền thống của người dân ở huyện Mộ Đức đã đạt chuẩn Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) cấp tỉnh, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng.

Chị Phạm Thị Hằng, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), phát triển kinh tế gia đình từ nghề làm bánh mè truyền thống.

Bánh mè là một trong những sản phẩm truyền thống nổi tiếng ở huyện Mộ Đức. Trước đây, bánh mè thường được dùng trong gia đình vào các dịp như Tết, lễ cúng, giỗ. Những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm truyền thống. Nắm bắt nhu cầu này, bà Lê Thị Mận, ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), đã mở rộng quy mô chế biến bánh mè để phục vụ khách hàng gần xa. Bà Mận cho hay, gia đình tôi có truyền thống làm bánh mè từ thời ông bà để lại. Để làm nên mẻ bánh mè thơm ngon phải lựa chọn từ khâu nguyên liệu, cẩn thận thực hiện từng công đoạn nấu nếp thành xôi, đánh xôi thật nhuyễn cho đến khâu chiên bánh phải thật kỹ để bánh giòn, xốp. Tôi làm bánh mè có hai vị mặn và ngọt. Mẻ bánh nào không được như ý, tôi bỏ đi, không bán cho khách hàng để khách được thưởng thức sản phẩm ngon nhất.

Sản phẩm bánh mè của bà Mận được nhiều khách hàng ưa chuộng. Năm 2022, sản phẩm này được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trung bình mỗi ngày, bà Mận chế biến khoảng 30 - 40kg bánh mè, dịp Tết sản lượng tăng lên. Ngoài bán cho khách hàng, bà Mận còn bán bánh mè trong các cửa hàng, tham gia các hội nghị, hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP trong và ngoài huyện Mộ Đức.

Trước đây, chị Phạm Thị Hằng, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 2017, chị quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy tiềm năng từ nghề làm bánh mè truyền thống của quê hương và từng được học về công nghệ thực phẩm lúc học đại học, năm 2019, chị Hằng chọn nghề làm bánh mè để phát triển kinh tế. Ban đầu, chị tự học hỏi, rút kinh nghiệm để tìm công thức làm bánh mè giòn, xốp. Vừa sản xuất, kinh doanh, chị Hằng vừa đầu tư máy móc để giúp tăng năng suất, hiệu quả hơn như máy trộn, máy cán cắt, máy chiên và máy sấy bánh. Chị Hằng còn đầu tư máy quay ly tâm để sau khi chiên, bánh mè ráo dầu, ngon hơn. Bên cạnh sản phẩm bánh mè truyền thống, tháng 6/2023, chị Hằng thử nghiệm làm thêm cơm cháy, cơm cháy chà bông. Không chỉ tiêu thụ ở địa phương, các sản phẩm bánh mè, cơm cháy của chị Hằng được nhiều khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh đặt mua. Hiện nay, chị Hằng đang làm các thủ tục để đăng ký sản phẩm bánh mè đạt chuẩn OCOP.

Trong khi đó, nước mắm Đức Hải là một trong những sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh đợt đầu tiên. Sau khi nhận thấy tên gọi nước mắm Đức Hải bị trùng với tên nước mắm ở địa phương khác, chủ của sản phẩm là chị Phạm Thị Thúy Vân, ở thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi, đã mạnh dạn đổi tên khác. “Trước đây, người làm chỉ đựng nước mắm truyền thống trong các chai lọ nhựa, mà chưa chú trọng đến hình thức, bao bì, nhãn mác. Đó cũng là một trong những hạn chế khiến nước mắm truyền thống gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường. Tôi nghĩ, bên cạnh chú tâm vào chất lượng, nhãn mác, tên gọi cũng là yếu tố quan trọng của sản phẩm. Ngoài ra, để phát triển sản phẩm truyền thống, cần chịu khó học hỏi, nghiên cứu rất nhiều để tìm hướng đi phù hợp cho sản phẩm truyền thống”, chị Vân chia sẻ.

Chị Vân đã chọn tên gọi quen thuộc, dân dã của cha mình là ông Ba Ớt để đặt tên mới cho nước mắm, nhằm thể hiện sự kế nghiệp và gửi gắm những kỳ vọng của mình về nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình. Vừa qua, nước mắm ông Ba Ớt đã tham dự nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại Campuchia, Myanmar, Indonesia...

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-mo-duc/202311/mo-duc-phat-trien-san-pham-ocop-5f3140a/