Mỏ đất hiếm tại Lào Cai - nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia

Đất hiếm là nguồn khoáng sản đặc biệt, là nguồn nguyên liệu cần thiết của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thế kỷ XXI. Việt Nam là quốc gia hàng đầu của thế giới có trữ lượng đất hiếm được phát hiện, trong đó tỉnh Lào Cai thuộc danh sách các địa phương có tài nguyên quý này.

Đất hiếm - khoáng sản cho nền công nghiệp thế kỷ XXI.

Chiến lược khai thác, chế biến đất hiếm trong tương lai như thế nào, cơ hội phát triển cho các địa phương có đất hiếm ra sao đang được các cấp, ngành, cơ quan chuyên trách tính toán. Việc cần thiết hiện nay là bảo vệ nghiêm ngặt, không để thất thoát nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia.

Một điểm thăm dò đất hiếm tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch. Ảnh: Mạnh Dũng

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tỉnh Lào Cai có 2 mỏ quy hoạch khai thác và 2 khu vực quy hoạch về trữ lượng đất hiếm, điều đó được ví như “trứng vàng” phát lộ. Đất hiếm hứa hẹn mang lại những đột phá mới trong cơ cấu sản xuất công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản nói riêng và tạo “cú huých” mạnh thúc đẩy nền kinh tế Lào Cai nói chung trong tương lai gần.

Trong lịch sử phát triển của loài người, khoáng sản luôn gắn chặt với các cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật, thậm chí là nền tảng để thay đổi thế giới. Chẳng hạn như khi loài người tìm ra mỏ đồng, cách điều chế đồng kim loại đã trở thành tiền đề cho nền móng cuộc cách mạng đồ đồng, thau với sự sáng tạo nhiều công cụ sản xuất, vũ khí, các vật dụng phục vụ cho đời sống. Nhờ phát hiện và chế tác ra đồng mà loài người chính thức bước vào thời kỳ văn minh, nghĩa là chế tạo được công cụ lao động để sản xuất ra của cải, chấm dứt thời kỳ nguyên thủy dựa hoàn toàn vào tự nhiên, dùng công cụ thô (đồ đá). Hoặc việc phát hiện và khai thác các mỏ than đá đã giúp nhân loại tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cuộc cách mạng về cơ giới, cơ khí nhờ động cơ hơi nước với nguồn nhiên liệu là than đá.

Hàng trăm tấn mẫu quặng đất hiếm đang được lưu giữ.

Khi loài người phát hiện và khai thác nguồn khoáng sản phong phú là dầu mỏ đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp phương tiện, dây chuyền máy móc, thiết bị với sản phẩm mang tính đột phá là động cơ đốt trong. Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (có luồng quan điểm cho rằng thực tế đã chuyển sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5) - kỷ nguyên của công nghệ thông tin, của trí tuệ nhân tạo với các thiết bị điện tử thì đất hiếm không thể thiếu trong sản xuất các vật liệu như pin nén năng lượng, chất siêu dẫn, các thiết bị quang học, laser... Có nghĩa là cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay càng phát triển thì càng có nhu cầu cao về nguồn nguyên liệu quan trọng là đất hiếm. Sau Trung Quốc, Việt Nam là tốp đầu về trữ lượng tài nguyên đất hiếm, trong đó hiện có 4 tỉnh được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng đất hiếm là Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa và Yên Bái, riêng tỉnh Lào Cai được đánh giá về trữ lượng chỉ sau tỉnh Lai Châu.

Một mỏ đất hiếm tại châu Á đang được khai thác sâu trong lòng đất. Ảnh: Internet

Trở lại câu chuyện về tài nguyên khoáng sản. Cách đây đúng 100 năm, năm 1924, thanh niên Trần Văn Nỏ ở xã Tả Phời, thành phố Lào Cai trong một lần đi chăn trâu đã vô tình phát hiện ra nguồn quặng apatit, sau đó người Pháp cho khảo sát, tổ chức khai thác hàng vạn tấn mỗi năm để chở về châu Âu và phục vụ sản xuất của chế độ cai trị. Đến năm 1955, mỏ quặng apatit được Nhà nước tổ chức khai thác nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. Từ năm 1991, quặng apatit được sản xuất trên quy mô lớn, dây chuyền hiện đại, nguồn quặng là nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón và công nghiệp hóa chất của cả nước. Thời kỳ “huy hoàng”, Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam có hơn 3.000 cán bộ, công nhân, lao động, nộp ngân sách nhà nước tại địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Giờ đây nguồn quặng apatit ngoài cung cấp nguyên liệu phân bón cho các nhà máy lớn như DAP số I, DAP số II, Nhà máy super phốt phát Lâm Thao còn là nguyên liệu cung cấp cho 6 nhà máy sản xuất photpho vàng và một số dây chuyền, nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng.

Mường Hum được xác định là một trong những điểm mỏ đất hiếm của tỉnh.

Hàng nghìn việc làm được tạo ra từ các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Tằng Loỏng và có hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế nộp vào ngân sách của địa phương cũng sinh sôi từ đây. Rồi còn phải kể đến các dự án: Nhà máy luyện đồng tại Tằng Loỏng; dự án tuyển, luyện đồng tại xã Cốc Mỳ, xã Bản Qua (huyện Bát Xát); dự án tuyển đồng tại xã Tả Phời; dự án sản xuất gang thép tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng; dự án khai thác, sản xuất vàng tại Minh Lương (Văn Bàn)... đều rất quan trọng trong cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Lào Cai.

Trong nhiều năm tới, Lào Cai vẫn tiếp tục tự tin đứng tốp đầu trong khai thác, chế biến sâu nguồn khoáng sản. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi Lào Cai là tỉnh giàu tiềm năng như mỏ quặng apatit đến nay vẫn là “khoáng sản độc quyền”, mỏ đồng đứng số 1 của cả nước, mỏ sắt đứng thứ 3 toàn quốc về trữ lượng (sau 2 tỉnh Hà Tĩnh và Yên Bái), với đất hiếm là sau tỉnh Lai Châu.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến của Thủ tướng Chính phủ và theo nguồn tài liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Lào Cai có 2 mỏ đất hiếm đã hoàn thành thăm dò, đánh giá trữ lượng cấp độ tiền khai thác. Đó là mỏ Bến Đền thuộc địa bàn các xã Gia Phú, Xuân Giao và Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) với tổng diện tích 2.161 ha, trữ lượng quặng đất hiếm dạng phong hóa (TR2O3) đạt 3.286 tấn; mỏ Mường Hum thuộc các xã Mường Hum, Nậm Pung, Bản Xèo, Pa Cheo (huyện Bát Xát) và xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) có diện tích quy hoạch 2.985 ha, trữ lượng 129.207 tấn quặng đất hiếm phong hóa. Lào Cai còn có 2 mỏ đất hiếm đã được đưa vào quy hoạch là mỏ Tân An (huyện Văn Bàn) có nền diện tích 773,6 ha, trữ lượng quặng 101.640 tấn; mỏ đất hiếm tại xã Cam Cọn (Bảo Yên) và xã Tân Thượng (Văn Bàn) có diện tích 1.890 ha với trữ lượng 125.000 tấn.

Bảo vệ mỏ đất hiếm cần được thực hiện nghiêm ngặt, tránh để thất thoát do khai thác trái phép như một số điểm khoáng sản thông thường từng xảy ra tại một số địa bàn.

Định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiếp tục lấy sản xuất công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế, trong đó quan tâm chế biến sâu nguồn khoáng sản, sản xuất “công nghiệp xanh”. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư tới khảo sát, tiến hành các bước đăng ký thăm dò, khai thác, chế biến nguồn đất hiếm tại Lào Cai. Quan điểm của tỉnh được thể hiện rõ trong các kết luận chỉ đạo, các văn bản điều hành là ưu tiên nhà đầu tư có quy trình khai thác tiết kiệm, không gây lãng phí nguồn tài nguyên, có công nghệ, dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái, chế biến sâu nguồn khoáng sản, tạo giá trị kinh tế gia tăng tuyệt đối lớn. Khoáng sản đặc biệt đất hiếm là “quả trứng vàng” đã phát lộ, giờ đây đang chờ nở ra “chú gà vàng” để rồi cứ thế lớn lên, sinh sôi và phát triển.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mo-dat-hiem-tai-lao-cai-nguon-tai-nguyen-dac-biet-cua-quoc-gia-post379893.html